Người đục bài thơ cuối cùng ở xứ Huế

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:00, 04/04/2016

Nhắc đến Huế, nhiều người nghĩ ngay đến tà áo dài và chiếc nón bài thơ. Thế nhưng, hiện nay người đục bài thơ cho nón lá Huế rất hiếm, chỉ còn duy nhất bà Đoàn Thị Hường ở Phú Cam vẫn đam mê với nghề.

Soi chiếc nón lá lên ánh đèn, nhiều người tỏ ra thích thú và thán phục tài năng của người làm ra chiếc nón lá bài thơ. Để có được hình ảnh người thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài tím, cầu Tràng Tiền duyên dáng soi bóng trên dòng sông Hương… hiện ra trong chiếc nón, ít ai biết rằng, người đục bài thơ đã đổ biết bao công sức.

Nghề đục bài thơ

Dò la mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà của người phụ nữ cuối cùng ở Huế làm nghề đục bài thơ. Theo hướng dẫn của các tiểu thương chợ Đông Ba, chúng tôi đến nhà số 14/4/16 (đường Đoàn Hữu Trưng, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế) gặp bà Đoàn Thị Hường, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề. Khi chúng tôi đến, người phụ nữ bước qua tuổi 59 cặm cụi ngồi đục từng xấp bài thơ với tiếng gõ liên hồi, còn xung quanh rải đầy bản đồ Việt Nam, Kỳ Đài Huế cùng những vần thơ về cố đô vừa được đục trên những tờ giấy tím...

Đục bài thơ là nghề vất vả nhưng cũng đầy thú vị, điều này thể hiện ngay từ cái tên của nghề. Chữ “đục” gợi lên sự cực nhọc và kiên trì còn “bài thơ” lại là sự lãng mạn và đầy sáng tạo. Hai từ tương phản ghép với nhau như muốnthử thách lòng đam mê của người làm nghề. Công việc này đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn nên hầu hết những người làm nghề này đều là phụ nữ. Để hoàn thành được một tác phẩm “đục bài thơ” hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, người thợ đều phải thật kỳ công và khéo léo để tạo ra được một sản phẩm đẹp và chất lượng.

Một xấp giấy báo gồm 100 tờ cắt thành các hình tam
giác để bắt đầu công đoạn lấy mẫu.

Đầu tiên, người thợ cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu như mực tím, giấy báo, giấy tím, dùi cui, đục, thớt, mẫu thơ… Mực để làm trong nón lá bài thơ phải là loại mực tốt, có óng ánh xanh. Công việc của bà Hường bắt đầu từ sáng sớm khi bà đi chợ mua báo cũ về nhuộm màu. “Sau khi phơi một buổi, tôi là thẳng ra rồi tiến hành khâu chỉ thành từng xấp khoảng 100 tờ để cắt thành các hình tam giác” - bà Hường chia sẻ.

Có xấp giấy, bà bắt đầu công đoạn lấy mẫu đặt lên giấy để vẽ hình mong muốn. Tùy nhu cầu của khách mà vẽ mẫu, họ đặt về nội dung gì, bà mường tượng ra rồi vẽ rất say sưa. Theo lời bà Hường, trước đây bố mẹ bà làm nghề này và không biết từ lúc nào cô nữ sinh trường Đồng Khánh lại say mê với mùi giấy báo, mùi mực với cái không khí rộn tiếng đục.

Và hơn 30 chiếc đục cùng hàng trăm ngàn bài thơ, cảnh đẹp xứ Huế đi theo bà suốt 40 năm qua. Bà Hường cho biết, khó khăn nhất là đục những câu thơ với nhiều chi tiết nhỏ nên mất rất nhiều thời gian. “Phải giữ đục rồi đè cứng để giấy không chạy, làm cho trên dưới phải đều nhau để hình ảnh và câu thơ sắc nét, đẹp đẽ. Cảm nhận cái đục hết thớt thì giật lên, gõ phải đều, có người gõ 5-7 cái mà chưa tới thớt, còn tôi chỉ cần 2-3 cái đã xuống do làm quen tay” - bà Hường tiết lộ. Bất giác, nhìn những ngón tay chai sần đang cầm chiếc đục, người phụ nữ đeo kính lão không khỏi xót xa: “Nghề này biến đôi bàn tay của tôi ra thế này đây…”.

Theo bà Hường, ban đầu, làm xong bà đem ra chợ Đông Ba bán, dần dà khách hàng tìm đến bà đặt mua, thậm chí nhiều du khách nước ngoài cũng đến tận nhà bà mua về làm quà. “Động lực để tôi cố gắng làm đó là những hình ảnh của Việt Nam, của Huế, những câu thơ tôi đục ra được đến khắp mọi miền đất nước, thậm chí qua các nước châu Âu, châu Mỹ… Gần đây nhất, có đoàn khách du lịch đặt tôi hai câu thơ “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để mang sang Mỹ. Thấy chiếc nón không chỉ che nắng, che mưa mà còn quảng bá hình ảnh đất nước rộng rãi, tôi cũng vui hơn” - bà Hường phấn khởi nói.

Nét duyên xứ Huế liệu có còn?

Theo bà Hường, mấy năm về trước, mỗi ngày 6 tiếng, với sự trợ giúp của người chồng, bà cần mẫn đục khoảng 1.000 bộ, còn giờ, bà chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách. Khách đặt bao nhiêu thì bà làm bấy nhiêu. Công việc bận rộn suốt ngày nhưng tính ra thu nhập chỉ chừng 50 nghìn đồng mỗi ngày.

Bà Hường cho biết, năm 1975, quanh khu vực Phú Cam có 5 nhà làm nhưng sau đó họ bỏ nghề hết vì công việc vất vả mà thu nhập không cao. Giờ trên địa bàn tỉnh, chỉ còn mình bà là người “sống chết” với nghề.

Theo đánh giá của bà Hường, nghề này hiện nay đã giảm hơn so với ngày xưa. Đục bài thơ phụ thuộc vào nghề nón. Thời đó, người ta mua nón nhiều, đội nhiều nên nghề ổn định. Bà luôn nhớ mãi hình ảnh nón lá rợp bóng trên phố, những nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng trong tà áo dài tím Huế cùng với chiếc nón bài thơ mỗi buổi tan trường. Thế nhưng, ngày nay thay chiếc nón lá là những chiếc mũ sành điệu nên nghề xuống dốc. “Dường như chỉ còn tôi theo nghề. Cách đây mấy năm, tôi đục và bán được một nghìn bộ/ ngày, nhưng giờ mỗi tháng chỉ bán được 2.000 bộ” - bà trải lòng.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, dù vất vả và chồng con luôn khuyên bà nghỉ ngơi nhưng đục bài thơ đã trở thành niềm đam mê, thú vui của bà khi ở tuổi này. Thấy vợ cần mẫn với nghề, ông Nguyễn Văn Hải (61 tuổi) luôn dành thời gian rảnh giúp bà bằng cách vẽ chữ hay xếp báo thành từng xấp khoảng 100 tờ để cắt thành các hình tam giác để bà bắt đầu công đoạn lấy mẫu.

Còn những người con của bà thì “chúng thương tôi lắm, thấy mẹ cực nên khuyên nhủ, nhưng vì đam mê với nghề đục bài thơ tôi sẽ không bỏ nghề. Tôi nói với chúng, thấy mẹ còn làm nghĩa là mẹ vẫn khỏe, mấy đứa cũng yên tâm”. Rồi bà nói trong tiếng thở dài: “Mai này, không biết tương lai của nón bài thơ xứ Huế sẽ đi về đâu khi nghề này đang dần mai một đi”. Và nếu như vậy, Huế sẽ mất đi hình ảnh nón lá bài thơ quyến rũ, một nét duyên trong đời sống văn hóa.

Rồi đây, sẽ còn ai theo nghề này nữa để câu thơ này không đi vào dĩ vãng “Ai ra xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”…

Khải Tuấn

DDVN