Chân dung kẻ phản bội gây ra cuộc biến động chính trị Brazil
Quốc tế - Ngày đăng : 12:31, 05/04/2016
Vụ phản bội của Amaral giống như một bộ phim hồi hộp kiểu Hollywood, bắt đầu lúc 6 giờ sáng một ngày cuối tháng 11.2015. Hôm ấy, cảnh sát liên bang đạp cửa dãy phòng của Amaral khách sạn hạng sang Royal Tulip, nơi Amaral đang tạm trú.
Cảnh sát trang bị máy ghi hình bí mật, bắt quả tang Amaral - còn mặc quần áo ngủ - đang lên kế hoạch cứu một cựu quan chức Petrobras lên một máy bay riêng để trốn khỏi Brazil.
Nghệ sĩ trẻ lừa thượng nghị sĩ vào tròng
Amaral bị chỉ trích là kẻ gian dối, thừa nhận lẽ ra ông không nên tin tưởng Bernardo Cervero, một nam nghệ sĩ trẻ chưa nổi danh ở Rio de Janeiro.
Ông ta kể từng đồng ý gặp Cervero, 34 tuổi, vì cha của diễn viên tênNestor là bạn của ông ta. Nestor đã bị tuyên án tù vì tội tham nhũng khi làm việc ở Petrobras.
Ở cuộc gặp tại khách sạn Royal Tulip hình móng ngựa ở thủ đô Brasilia (không xa dinh tổng thống) Cervero dùng điện thoại di động để ghi âm cuộc trò chuyện giữa anh ta với Amaral.
Amaral trước tiên trấn an Cervero rằng sẽ thuyết phục các thẩm phán ở Tòa án tối cao Brazil thả Nestor. Rồi ông ta giải thích cách cấp cho gia đình Cervero 1 triệu USD cùng một khoản trợ cấp 13.000 USD/tháng.
Ngành công tố nghi Amaral dùng tiền để “bịt mồm” gia đình Cervero không khai báo chuyện làm ăn mờ ám của ông ta ở Petrobras, nơi ông ta làm giám đốc mảng khí và năng lượng từ năm 2000 đến năm 2001.
Amaral cũng kể cách ông ta sẽ giúp cha của Cervero trốn qua Tây Ban Nha, gồm chi tiết phá vòng đeo chân (thiết bị giám sát bằng điện) cho Nestor.
Cervero gợi ý giúp cha anh ta trốn ra nước ngoài bằng tàu thủy, nhưng Amaral nói nên chọn cách đi máy bay riêng: “Tốt nhất là để cha cậu đến Paraguay”.
Vậy là quá đủ để buộc tội cản trở cuộc điều tra đối với Amaral và Andrea Esteves, một tỉ phú chủ ngân hàng tài trợ cho cuộc trốn chạy, theo lời Amaral.
Tay nghị sĩ phản loạn của thế kỷ 21
Các nhà điều tra đặt tên chiến dịch truy bắt này là Catiline, theo tên của một vị nguyên lão phản loạn, tạo ra những âm mưu chọc ngoáy Viện nguyên lão của Đế chế La Mã hồi thế kỷ 1 trước Công nguyên.
Trước khi bị bắt, Amaral tóc bạch kim 61 tuổi là một lãnh đạo quyền lực của đảng Công nhân ở thượng viện Brazil.
Ông ta bào chữa hành vi phản bội với báo New York Times: “Tôi cảm thấy như mình đâm sầm vào bức tường sau một cuộc rượt đuổi tốc độ cao. Tôi làm rối mọi chuyện nên tôi nghĩ cần phải có cơ hội sửa sai. Sống trên đời cần phải thực tế”.
Ngành công tố bỏ mặc ông ta trong tù suốt nhiều tuần, chỉ đồng ý một thỏa thuận giảm tội với điều kiện Amaral khai báo mọi hoạt động mờ ám của chính phủ nữ Tổng thống Dilma Rousseff và đảng Công nhân cầm quyền.
Vậy làAmaral trở thành kẻ phản bội góp phần thúc chính phủ Brazil sụp đổ, phản bội các cựu đồng chí.
Tháng 2.2016, Amaral được trả tự do, đã khai về những vụ đưa hối lộ “khủng”, những hợp đồng dầu khí “đi đêm” cùng các nỗ lực che giấu, giúp soi nhìn vào đảng Công nhân cánh tả vốn vươn lên quyền lực bằng lời hứa quét sạch nhóm chính khách tham nhũng và hưởng nhiều biệt đãi.
Vụ tai tiếng nổ ra hồi hai năm trước, khi ngành công tố phát hiện một đường dây tham nhũng ở Petrobras: các nhà thầu chi gần 3 tỉ USD để hối lộ các quan chức chính phủ. Những vị này chuyển tiền vào các chiến dịch tranh cử của các đảng phái trong liên minh cầm quyền.
Sau đó, gần 40 chính khách, đại gia và bọn chợ đen bị bắt, và danh sách đen này sẽ còn dài, vì ngành công tố đang điều tra các nghi can gồm lãnh đạo Thượng-Hạ viện Brazil.
Mãi đến khi Amaral bắt đầu phản bội chính phủ mà ông ta từng trung thành tuyệt đối, nhiều người Brazil mới biết được tầm cỡ vụ lừa bịp dân:
Ông ta trở thành nhân chứng của vụ điều tra, khai rằng cựu Tổng thốngLuiz Incio Lula da Silva (gọi tắt là Lula) đã thu xếp để “mua” sự im lặng của một doanh nhân bị bắt về tội điều hành một đường dây mua lá phiếu của cử tri.
Amaral khai phó Tổng thống Michel Temer dính líu một đường dây mua xăng ethanol trái phép.
Amaral còn tố cáo thủ lĩnh phe đối lập Acio Neves cùng gia đình có một tài khoản bí mật ở công quốc Liechtenstein. Neves nói mẹ ông mở tài khoản để chi trả học phí cho cháu của bà.
Trước khi Amaral khai báo, bà Rousseff ráng tránh khỏi vụ đấu đá, tuyên bố ủng hộ sự độc lập của ngành tư pháp bằng cách cho phép ngành công tố điều tra nạn tham nhũng trong đảng Công nhân của bà.
Nhưng Amaraltố cáo: bà Rousseff chỉ đạo ông ta phá cuộc điều tra Petrobras, bằng cách thuyết phục một quan tòa cấp cao tìm cách thả những trùm xây dựng bị buộc tội tham nhũng.
Ông Lula và bà Rousseff đều nói Amaral khai láo. Gần đây, bà Rousseff nói không hề biết vụ tham nhũng ở Petrobras, nơi mà bà từng là chủ tịch Petrobras từ năm 2003 đến năm 2010 thì trúng cử tổng thống, có sự giới thiệu của ông Lula. Chính trong thời kỳ bà làm lãnh đạo, nạn tham nhũng ở Petrobras bùng nổ.
Bà cũng nhấn mạnh: chiến dịch tranh cử tổng thống của bà không hề nhận tiền tài trợ trái phép.
Amaral đã nhận hối lộ 10 triệu USD?
Trước khi bị bắt, Amaral nổi tiếng là một nhà hùng biện, giỏi thương lượng ở hậu trường, nhờ kinh nghiệm lâu dài ở mảng dầu khí. Từng được đào tạo thành kỹ sư, ông ta từng làm việc cho tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell ở Hà Lan hồi đầu thập niên 1990.
Khi về Brazil, ông ta leo dần lên các bậc thang công danh ở ngành công nghiệp năng lượng nhà nước. Chính khi làm việc ở Bộ Năng lượng năm 1993, ông ta quen bà Rousseff, một quan chức vô danh của chính sách năng lượng của bang Rio Grande do Sul (nam Brazil).
Năm 2001, Amaral gia nhập đảng Công nhân, năm sau trúng chức thượng nghị sĩ, khi ông Lula đắc cử tổng thống.
Amaral giàu lên khi Brazil giàu hơn nhờ phát hiện được các mỏ dầu dưới đáy biển. Một số đảng viên Công nhân còn nhớ ông ta cùng vợ tổ chức sinh nhật rất hoành tráng cho con gái mừng được 15 tuổi hồi năm 2011.
Hồi tháng 12.2015, khi Amaral ngồi tù, ông bạn Nestor (không thể trốn qua Paraguay) khai với các nhà điều tra: Amaral bỏ túi 10 triệu USD tiền nhận hối lộ hồi năm 2001, trong vụ thỏa thuận mua các turbin của công ty điện lực Alstom (Pháp).
Amaral chối tất cả các buộc rằng ông ta làm giàu trái phép: “Tôi không phải kẻ tham nhũng”.
còn tiếp...
Vĩnh Thụy (theo New York Times)