Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chuyển mô hình thành Công ty TNHH một thành viên
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:08, 05/04/2016
Theo Quyết định số 1395/QĐ-TTgngày 13.8.2013, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Còn theo Quyết định 527/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1TV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Riêng việc tổ chức, quản lý, điều hành của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện theo quy định tại Chương III Điều lệ này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28.6.2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty TNHH 1TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cũng theo quy định vừa được sửa đổi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các khoản chi mang tính chất lương theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH 1 TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Chế độ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn căn cứ cơ chế tài chính đối với Công ty TNHH 1 TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các đặc thù hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Trước đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bị Thanh tra Chính phủ phanh phui nhiều sai phạm. Theo thông báo kết luận Thanh tra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã không chấp hành nghiêm túc kế hoạch tài chính, kế hoạch mua sắm tài sản cố định được Bộ Tài chính giao.
Cụ thể, năm 2011-2012 chi vượt kế hoạch nhưng không báo cáo, không được Bộ Tài chính chấp thuận số tiền trên 45,6 tỉ đồng, vi phạm quy định và quy chế nội bộ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với một số khoản chi hoạt động, gây lãng phí; vi phạm Luật Kế toán đối với chứng từ chi công tác phí; vi phạm trong đầu tư công, xây dựng quỹ lương, quỹ khen thưởng…
Kết thúc thanh tra tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và các thành viên HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thời kỳ 2011-2013 liên quan trực tiếp đến những khuyết điểm, vi phạm xảy ra tại đây.
Trí Lâm