Sự thật về 'thủ đô của người đồng tính' tại Châu Á
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:43, 22/10/2015
Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng là một quốc gia Châu Á thân thiện với khách du lịch LGBT vào loại bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đối với những người LGBT bản địa thì bức tranh không phải màu hồng như thế.
Hiện nay, tại huyện Chiang Khong thuộc tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) có một ngôi chùa tên là "Wat Kreung Tai Wittaya" chuyên thu nhận các trẻ em vị thành niên để giáo huấn chúng trở nên "nam tính hơn".
"Mặc dù không thể thay đổi tất cả nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức nhằm kiểm soát hành vi của các em để chúng hiểu ra rằng mình vốn sinh ra là nam giới và không được cư xử như nữ giới", trụ trì Phra Pitsanu Witcharato nói với tờ Agence France Presse vào năm 2011.
Tại chùa Wat Kreung Tai Wittaya, các bé trai trong độ tuổi từ 11 đến 18 phải trải qua quá trình huấn luyện khốc liệt để bỏ đi "sự nữ tính" của mình. |
"Theo quy định, các học viên bị cấm dùng phấn, trang điểm và nước hoa cũng như không được hát, chơi nhạc cụ hay đùa giỡn trong chùa", một bé gái chuyển giới nói.
Theo tổ chức Foundation for Sexual Orientation and Gender Identity Rights and Justice, khoảng 2.5% trẻ vị thành niên LGBT tại Thái Lan bị ép phải trải qua giai đoạn tu hành trong các ngôi chùa để được "chữa trị". Không những thế, nhiều em còn trải qua các quá trình trị liệu khác tại gia đình, còn một số khác thì bị đuổi ra khỏi nhà.
Chia sẻ với tờ Bangkok Post, nhà vận động quyền Naiyana Supapung cho biết có rất nhiều người dân Thái Lan vẫn xem cộng đồng LGBT là "một nhóm quái đản" và lấy sách giáo khoa của con trai mình ra để làm dẫn chứng. Trong cuốn sách, có đoạn "đặc biệt cảnh báo về giao tiếp với những người hành xử trái với giới tính của mình" và "khuyên các học sinh nên báo với giáo viên ngay lập tức để giáo viên có thể chỉnh sửa hành động của các học sinh có vấn đề".
Đối với du khách người nước ngoài thì chuyện kỳ thị đồng tính là cực kỳ hiếm thấy ở Thái Lan. Ảnh: một cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới được tổ chức ở thủ đô Bangkok. |
Trong nhiều năm trở lại đây, Thái Lan luôn tự nhận mình là một điểm đến thân thiện đối với người LGBT với vô số các quán bar đồng tính và những cuộc thi sắc đẹp dành riêng cho người chuyển giới. Chính điều này đã giúp cho "xứ sở chùa vàng" thu về hàng trăm triệu USD từ các du khách LGBT và hàng ngàn người đến để phẫu thuật chuyển đổi giới tính mỗi năm. Mặc dù vậy, nhiều nhà vận đồng quyền cho rằng đây chỉ là vẻ bề ngoài.
"Có một nhận định cho rằng xã hội Thái không chính thức chấp nhận nhưng lại chính thức chối bỏ người LGBT", Anjana Suvarnananda - chủ tịch của nhóm vận động quyền LGBT Anjaree - chia sẻ với Phuket News vào năm 2013. "Điều này có nghĩa là người Thái chấp nhận người LGBT trên những phương diện bề ngoài như cách hành xử hay ăn mặc nhưng đối với những vấn đề quan trọng và ý nghĩa hơn thì chưa chấp nhận được".
Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức Khon Thai Foundation, 50% người Thái trong độ tuổi từ 15 đến 24 cho rằng "đồng tính là sai trái". |
Theo nghiên cứu của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) và UNDP (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc) vào năm 2014, người LGBT thường xuyên bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại Thái Lan. Các quy định pháp luật bảo vệ họ là hoàn toàn không có.
Tháng 9 vừa qua, Thái Lan đã thông qua bộ luật bình đẳng giới, trong đó có đề cậo đến việc cấm kỳ thị "dựa trên ngoại hình khác biệt so với giới tính của mình". Đây là bộ luật mang tính quốc gia đầu tiên chống kỳ thị dựa trên thể diện giới ở khu vực Đông Nam Á. Kyle Knight - một nhà nghiên cứu trực thuộc tổ chức Human Rights Watch - đã gọi đây là "một bước tiến lớn trong việc bảo vệ người chuyển giới".
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng đạo luật mới tuy tích cực nhưng chỉ là một bước tiến không đáng kể của nước này. Tại Thái Lan, hiện vẫn chưa có đạo luật chính thức nào có thể bảo vệ người LGBT trên phương diện xu hướng tính dục mặc dù đồng tính đã không còn bị xem là tội danh hình sự từ những năm 1950. Bên cạnh đó, quan hệ đồng giới cũng không được luật pháp công nhận hay bảo vệ.
"Đây là một sự đối lập trắng trợn", Knight nói. "Thái Lan luôn thân thiện với người LGBT và là một trung tâm phẫu thuật chuyển giới nhưng đất nước này vẫn còn thiếu hụt các chính sách bảo vệ những quyện lợi căn bản nhất của con người".
Sự thiếu sót này đã gây ra không ít khó khăn cho cộng đồng LGBT Thái. Trong đó có thể kể đến các vấn đề như kỳ thị tại trường học hay văn phòng, thiếu hụt các phương tiện tiếp cận y tế...
Cũng theo báo cáo của USAID và UNDP, đã có một trường hợp bạn gái của một nhân viên chính phủ đã phải kề cận cái chết sau tại nạn giao thông nhưng cô lại không thể đưa ra các quyết định y tế thay mặt cho bạn đời của mình. Nhân viên giấu tên này cũng tiết lộ hai người họ hoàn toàn không có được các quyền lợi mà những cặp đôi nhân viên dị tính khác có được khiến họ phải chịu một số tiền viện phí khá lớn.
Sau tai nạn, cô chia sẻ: "Bác sĩ nói với tôi rằng chỉ có họ hàng mới có thể thay mặt người bệnh trong các vấn đề giấy tờ y tế. Tôi có thể làm được gì nữa? Tôi đơn thuần chỉ là một người bạn đời không tồn tại trong mắt người khác".
Cô đã phải liên lạc với họ hàng của người bạn gái. Những người này khi ấy đang sống ở các tỉnh khác cho nên cô đã phải chí trả số tiền đi lại của họ. Không chỉ vậy, cô còn không được chi trả viện phí cho bạn gái. "Các quy định của Bộ Tài chính nghiêm cấm lợi ích này đối với các cặp đôi đồng tính", cô đã được thông báo như thế.
Theo một nghiên cứu vào năm 2014 của Plan International, UNESCO và Mahidol University, có đến một phần ba học sinh sinh viên LGBT Thái từng bị kỳ thị và hành hung tại trường. Còn 25% số học sinh - sinh viên được khảo sát nói rằng mình từng bị lạm dụng tình dục vì xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt. Nghiên cứu này cũng cho thấy nạn nhân của các vụ việc này thường sống trong lo sợ, thiếu tự tin và cô lập. 7% trong số đó nói rằng họ từng tự tử trong khi 23% nói rằng họ từng trải qua "thời khắc tuyệt vọng".
Chia sẻ với Bangkok Post, nhà vận động quyền Naiyana Supapung kể lại chuyện một bé trai đồng tính tự tử bằng thuốc trừ sâu sau khi bị "giáo viên sỉ nhục và yêu cầu em phải thôi ăn nói như con gái". Người giáo viên này đã "đe dọa sẽ trừ điểm nếu em không nghe theo" rồi còn tát vào mặt cậu bé giữa lớp.
Một nghiên cứu khác vào năm 2012 của Foundation for Sexual Orientation and Gender Identity Rights and Justice cho thấy 15% người LGBT nói rằng họ từng bị "hạ nhục bằng lời nói" bởi các thành viên trong gia đình mình và 13% nói rằng họ bị cấm chung sống với người yêu đồng giới.
Nikorn Chimkong - chủ tịch của nhóm vận động quyền LGBT Bangkok Rainbow - chia sẻ với tờ Huffington Post rằng nguyên nhân chính của các vấn đề nói trên đều xuất phát từ sự thiếu thông cảm và kiến thức về cộng đồng LGBT.
Nhiều nhà vận động quyền đã bày tỏ niềm hy vọng rằng luật bình đẳng giới vừa được thông qua sẽ là bước đi tiên phong trong quá trình thay đổi của Thái Lan. "Tiến triển của bộ luật cùng những thay đổi nó mang lại sẽ khiến Thái Lan tự hào nhận lấy vai trò lãnh đạo về vấn đề quyền LGBT trong khu vực", Knight nói.
Tuy nhiên, với môi trường chính trị khá phức tạp, các nhà vận động quyền nói trên cũng còn không ít lo lắng về tương lai của quyền LGBT tại đất nước này.
Minh Chánh (Theo Huffington Post)