Cuộc sống khắc nghiệt của người LGBT tại Myanmar

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:32, 20/10/2015

Tại Myanmar, quan hệ tình dục đồng giới vẫn còn là một tội danh hình sự. Chính điều này đã khiến cho cộng đồng LGBT tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình bước ra ánh sáng và tiếp cận với những dịch vụ y tế.
Năm 2013, một nhóm phụ nữ chuyển giới đã bị cảnh sát ép cởi hết quần áo giữa chốn công cộng tại thành phố Mandalay, Myanmar. Họ bị ép phải đi giống như các chương trình biểu diễn thời trang và bị chụp ảnh, rồi còn phải nhảy như ếch, phải lau sạch giày của các cảnh sát và phải trả lời những câu hỏi nhục mạ về đời sống tình dục của mình, theo Telegraph đưa tin. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn bị giải về đồn cảnh sát, bị "đánh và đá liên tục" và bị giam giữ bởi những cảnh sát nói trên. 
Đại diện của cảnh sát cho biết họ chỉ làm nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ đó là ngăn cản nhóm người chuyển giới quấy rối công cộng.
Hla Myat Tun - một nhà vận động quyền thuộc nhóm Colors Rainbow tại Myanmar - nhận định chính "tình trạng kỳ thị được chính quyền chống lưng" này đã khiến cộng đồng LGBT nước này luôn phải dè chừng. 
Đầu năm nay, Myint Kyu - một chính khách ở Mandalay - đã bị nhiều nhóm nhân quyền chỉ trích vì đã "truyền bá thông tin sai lệch, kỳ thị và khích động về người đồng tính và người chuyển giới". Tại một buổi tranh luận của Nghị viện trong tháng 8 vừa qua, Kyu - vốn là Bộ trưởng Bộ Biên giới và Quốc phòng đã chính miệng khẳng định chính phủ Myanmar "thường xuyên giam giữ người đồng tính tại các trạm cảnh sát" để "giáo dục" họ.
Giống như Malaysia, Myanmar vẫn còn giữ Chương 377 trong bộ luật hình sự từ thời chính quyền thuộc địa Anh. Trong đó, "quan hệ tình dục lệch lạc" bao gồm quan hệ đồng tính bị xem là tội danh hình sự với mức án phạt lên đến 10 năm tù giam.
Dưới sự trị vì kéo dài từ năm 1962 đến 2011 của hội đồng quân đội cứng nhắc, Myanmar từ lâu đã được xem là một "đất nước khốn cùng". Phải đến khi các chiến dịch đấu tranh đòi quyền tự do chính trị trong nước bùng nổ bên cạnh các động thái nối lại quan hệ với thế giới bên ngoài thì Myanmar mới bắt đầu có những chuyển biến tốt hơn.
Tun nói mặc dù cộng đồng LGBT đã bắt đầu lộ diện nhiều hơn sau quá trình cải cách nhưng họ vẫn không được nhiều người tôn trọng. "Người LGBT không dám sống công khai trong xã hội", bà nói. "Họ chỉ được xem là một nhóm sai lệch về đạo đức luôn miệng đòi quyền tự do tính dục".
Người LGBT thường xuyên là nạn nhân của các vụ kỳ thị và bạo hành ở Myanmar. Theo tổ chức Civil Rights Defenders, chính những hạn chế trên phương diện pháp luật đã "gây khó khăn trong việc sống công khai và không sợ hãi của người LGBT".
Bên cạnh đó, Tun cho rằng việc thiếu thông tin và kiến thức về các vấn đề liên quan đến LGBT cũng là một khó khăn lớn. 
Cuoc song khat nghiet cua nguoi LGBT tai Myanmar-hinh-anh-1
Năm 2013, chia sẻ với tờ Myanmar Times, Phyo - một người đồng tính nam 28 tuổi - nói: "Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi hoàn toàn không biết đồng tính là như thế nào. Tôi chỉ biết đến cộng đồng LGBT như là một nhóm người bị đối xử tệ hại trong cộng đồng . Vì vậy mà tôi luôn thấy bất an. Nhiều khi tôi chỉ biết khóc một mình".
Năm 2014, một bài báo của tờ The Guardian cho biết đồng tính vẫn còn được xem là nguồn gốc của HIV/AIDS ở Myanmar - đất nước nằm trong nhóm có tỷ lệ người nhiễm cao nhất tại khu vực Châu Á của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Eamonn Murphy - một đại diện của tổ chức UNAIDS - khẳng định các định kiến như thế sẽ càng khiến người đồng tính phải ra sức che dấu bản thân. Ông cũng cho biết hiện chỉ có không đến 30% trong số 240.000 người đồng tính nam ở nước này được tiếp xúc với các dịch vụ và phương pháp phòng chống HIV.
Theo tổ chức Human Rights Watch, phong trào cải cách chính trị ở Myanmar đã không còn mạnh mẽ sau năm 2014. Trong đó, các vấn đề liên quan đến "cải cách tự do và quá trình dân chủ" cũng không còn được quan tâm nhiều nữa.
Minh Chánh (Theo Huffington Post)

Một Thế Giới