Thiếu vắng hôn nhân đồng giới gây tổn thất đến kinh tế châu Á
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:42, 30/07/2015
Việc không có quốc gia nào hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng chính là một tổn thất về mặt kinh tế cho châu lục lớn nhất thế giới này.
Với quyết định của Tòa án Tối cao vào tháng 6 vừa qua, Mỹ đã chính thức trở thành quốc gia thứ 21 hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Có rất nhiều lý do để ủng hộ hôn nhân đồng giới. Trong số đó,nổi bật nhất chính là những ảnh hưởng tích cực của nó đến sự phát triển kinh tế. Xét cho cùng, hôn nhân là một dạng hợp đồng với đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi về kinh tế cũng như luật pháp. Do đó, hôn nhân có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn là chuyện cá nhân. Chính vì vậy, châu Á đang đứng trước khá nhiều nguy cơ và rủi ro kinh tế khi hầu như chưa có một quốc gia nào trong khu vực này công nhận hôn nhân đồng giới.
Đám cưới của một đôi đồng tính nữ tại Nhật Bản |
Đã có nhiều báo cáo từ phía truyền thông về các lợi ích kinh tế có thể được mang đến thông qua các lễ cưới đồng tính. Nếu 6% dân số trước đó không thể kết hôn (vì xu hướng tính dục) giờ có thể thực hiện thì nhiều hoạt động kinh tế liên quan sẽ có các bước tiến tích cực. Nếu nghĩ tiêu cực hơn, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cũng mang đến 6% dân số có thể ly thân – một quá trình cũng có tác động thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, loại ảnh hưởng kinh tế này không tác động nhiều đến xu hướng phát triển cũng như không ảnh hưởng nhiều đến các quốc gia khác.
Hôn nhân đồng giới thúc đẩy phát triển kinh tế và ảnh hưởng đối ngoại thông qua thị trường lao động. Nguyên nhân chính của việc này chính là sự phát triển của luân chuyển lao động và năng suất lao động nhờ vào hôn nhân đồng giới.
Luân chuyển lao động
Luân chuyển lao động là một nhân tố quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế. Thật vậy, thị trường chung châu Âu hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn là vì mức độ luân chuyển lao động tại đây vẫn còn khá thấp.
Hôn nhân đồng giới có thể làm thay đổi sự luân chuyển này. Tại hầu hết các quốc gia hiện nay, hôn nhân thường gắn liền với các quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý (chẳng hạn như thuế và chi phí phúc lợi). Các quyền này được trao cho người đã kết hôn tại nơi họ sinh sống.
Hãy xem xét trường hợp trước khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết ủng hộ, nếu một công ty có một nhân viên ở thành phố New York và muốn chuyển người đó đi nơi khác làm việc thì sẽ gặp không ít khó khăn nếu nơi chuyển đến là nơi không công nhận hôn nhân đồng giới. Nhân viên này cùng bạn đời của mình sẽ bị thất thoát về thu nhập vì những qui định về thuế khác biệt giữa người đã và chưa kết hôn. Chuyện sẽ còn nghiêm trọng và rắc rối hơn nữa nếu người nhân viên đó có con cái.
Tại Mỹ, điều này có nghĩa là các công ty sẽ không thể chắc chắn về việc tuyển dụng đúng người, đúng địa điểm cho công việc vì phải xem xét lại tình trạng hôn nhân của các đối tượng tuyển dụng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự luân chuyển lao động. Xét cho cùng, tuyển dụng một người không phù hợp vào vị trí cần tuyển hoàn toàn không phải là cách hay để nâng cao năng suất.
Đám cưới đồng tính tại Myanmar |
Theo một khảo sát của Pew Research Center vào năm 2013 thì các cặp đôi LGBT Mỹ xem trọng các vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp hơn các cặp dị tính. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc các cặp đôi LGBT không muốn chuyển đến sống tại những nơi mà hôn nhân đồng giới chưa được công nhận.
Việc công nhận hôn nhân đồng giới toàn nước Mỹ cho phép các cặp đôi ở đây đến sinh sống tại bất cứ tiểu bang nào họ muốn mà không còn phải lo ngại về thất thoát kinh tế. Tuy vậy, hiện thế giới chỉ có 1/6 các quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới thì các mong muốn chuyển đến sống và làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới cũng bị hạn chế. Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng luân chuyển lao động quốc tế.
Chính phủ Mỹ ước tính hiện có khoảng gần một triệu người Mỹ đang sống và làm việc tại Đông Nam Á. Tuy vậy, hiện chưa có quốc gia nào trong khu vực này công nhận hôn nhân đồng giới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các cặp đôi LGBT của Mỹ, của Argentia hay của Anh… hiện đang hoặc đang có mong muốn sống và làm việc tại đây. Sẽ có nhiều người bỏ cuộc và Đông Nam Á có thể bị cắt mất 6% người nhập cư có thể mang đến nhiều kỹ năng và đóng góp cho nền kinh tế tại khu vực này.
Việc dựng nên rào cản đối với lực lượng lao động quốc tế sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, tài chính… luôn đòi hỏi trình độ nhân lực cao. Tại Hongkong, lĩnh vực tài chính chiếm 16% nền kinh tế, còn tại Singapore, con số này là 14%, do vậy họ luôn cần lực lượng lao động với trình độ cao. Tuy vậy, việc không chấp nhận hôn nhân đồng giới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người lao động LGBT có trình độ tìm đến đây.
Năng suất và định kiến
Vấn đề thứ hai về tổn hại của việc không nhìn nhận hôn nhân đồng giới nằm ở mặt tâm lý và hành vi. Để hiểu rõ điều này, cần phải phân việt giữa kỳ thị và định kiến. Kỳ thị, trong kinh tế, là đưa ra một lựa chọn, chọn cái này thay vì cái kia, chọn người này thay vì người kia. Còn định kiến trong kinh tế là hành vi kỳ thị không lý do chống lại một nhóm xã hội. Định kiến cỏ thể được dựa vào chủng tộc, giới tính, tôn giáo, xu hướng tính dục hay bất kỳ điểm nào khác. Điểm mấu chốt của định kiến là làm cho một nhóm thấy mình yếu kém vì một bản chất nào đó,mặc dù bản chất đó trên thực tế không hề làm họ yếu kém.
Hôn nhân đồng giới là một vấn đề định kiến. Nếu cụm từ "hôn nhân" là một trạng thái xã hội và một nhóm trong xã hội được bảo rằng các thành viên của nhóm đó không thể đạt được trạng thái đó, thì điều mà các nhà kinh tế học gọi là "ảnh hưởng tín hiệu" sẽ diễn ra. Đó là một tín hiệu để nhóm bị cô lập này thông báo với các thành viên cũa mình rằng họ yếu kém.
Đã có không ít báo cáo và khảo sát ở nhiều mức độ khác nhau cho thấy nếu bạn liên tiếp nói với một nhóm xã hội nào đó họ yếu kém hơn thì bạn sẽ gây ra nhiều tổn thất nặng nề. Những người này sẽ không làm hết sức mình. Nhiều nhóm xã hội khác cũng sẽ đối xử với họ khác biệt. Nhiều người sẽ làm những việc không đúng với năng lực của mình, do đó sẽ không thể thể hiện hết khả năng của mình….
Về mặt vĩ mô, sự kỳ thị và định kến này cũng mang đến những tổn thất có thể thấy được. Theo các dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những quốc gia còn ngần ngại về đồng tính (định kiến) thường là những quốc gia ít có khả năng cạnh tranh về kinh tế hơn. Ngược lại, những quốc gia cấp tiến và cởi mở thường có những nền kinh tế rất phát triển.
Khi mọi thứ thay đổi
Thế kỷ 21 là lúc mọi thứ thay đổi. Nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ liền đã lạm dụng thiên nhiên để đạt được các tiêu chuẩn sống cao đã không thể tiếp tục. Nền kinh tế mới phải dựa vào các nhân tố khác, mà trong đó, quan trọng nhấn vẫn là nguồn nhân lực. Một nền kinh tế để có thể phát triển cần biết cách tận dụng và nuôi dưỡng kỹ năng, kiến thức của lực lượng lao động .
Vấn đề này lại càng đặc biệt quan trọng tại châu Á. Nền dân số già của Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang mang đến những ảnh hưởng khó tránh khỏi cho nền kinh tế ở đây. Do vậy, họ cần phải thu hút nhiều nguồn nhân lực từ bên ngoài và tận dụng hết khả năng của nguồn nhân lực trong nước. Nhưng với tình hình hiện hay, các nền kinh tế châu Á đều đang tự dựng nên rào cản cho các nguồn nhân lực bên ngoài muốn tìm đến đây. Không chỉ vậy, nguồn nhân lực trong nước cũng không thể thỏa mãn các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tất cả cũng chỉ vì hôn nhân đồng giới vẫn còn là điều cấm kỵ. Chính điều này sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế khó tránh được.
Toàn Tăng (Theo Nikkei)