Đang rất vướng nhà tạm giam người đồng tính, chuyển giới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 01:00, 05/06/2015

Đó là băn khoăn của một số đại biểu khi cho ý kiến vào Dự luật tạm giam, tạm giữ chiều nay 2.6, khi Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật.
Cần có nơi giam giữ người đồng tính
Cho ý kiến vào Dự án luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng cần bổ sung quy định người đồng tính cần có nơi giam giữ riêng. Đồng thời cần có nơi giam giữ đối với phụ nữ có thai và phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng phải nêu rõ tiêu chuẩn nhà tạm giam, tạm giữ được thiết kế như thế nào, kho lưu trữ tài liệu quay phim, ghi hình thực hiện như thế nào để khi cơ quan tố tụng xác nhận đây là nguồn chứng cứ vụ án cũng phải nêu rõ phù hợp với luật tố tụng.
“Tôi đề nghị cần bố trí quản lý người tạm giam, tạm giữ đối với vị thành niên, người chuyển giới, đồng tính phải được giam giữ riêng. Tuy nhiên đối với người chuyển giới phạm tội thì giam ở một mình một phòng không ổn, không quản lý được. Ở chung với nam cũng không được, ở với nữ cũng không xong. Đang rất vướng. Quản lý đối tượng này vô cùng khó, không biết là nam hay nữ mà thực hiện theo chế độ” – ông Ánh nói.
Không đồng tình cho kiểm ngư, thuế, chứng khoán được điều tra
Cho ý kiến vào dự luật, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho biết: Tôi không đồng tình với quy định bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 9). Quy định như vậy sẽ xuất hiện tình trạng rất nhiều cơ quan có bộ phận tổ chức điều tra, tuy nhiên mô hình này mỗi cơ quan làm một kiểu, nơi thì đặt là cấp phòng, nơi cấp ban, cấp vụ rồi gửi cán bộ đi đào tạo mỗi nơi một kiểu, khiến công tác điều tra chồng chéo, khó kiểm soát.
“Tôi đề nghị không bổ sung thêm, nếu cho bổ sung thì Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Xây dựng cũng nói là vì công việc nên muốn thành lập cơ quan điều tra thì giải quyết thế nào” – ông Ngũ nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng quy định mở rộng phạm vi cho kiểm ngư, cơ quan thuế, UBCK được tiến hành một số hoạt động điều tra phải cân nhắc kỹ. Vì giao thẩm quyền tố tụng cho các cơ quan này, thì lo vừa có quyền hành chính, vừa quyền tư pháp nên dễ lợi dụng quyền tư pháp đe dọa người khác. 
Bản thân các cơ quan này không có điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng quản lý hồ sơ rất kém, thu thập chứng cứ, nhân chứng hiện trường không tốt, nên khi chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra lại phải làm lại. Một đất nước nhiều cơ quan điều tra quá không nên, theo tinh thần Bộ Chính trị là thu hẹp đầu mối. Mở rộng chức năng điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán thì  sao không mở rộng cho Cục phòng chống rửa tiền, hay lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao? Vừa rồi lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phát huy rất hiệu quả điều tra ban đầu.
“Tôi không tán thành mở rộng cơ quan điều tra cho thuế, chứng khoán, kiểm ngư, đơn cử điều tra trên biển đã có cảnh sát biển. Không cần trao thêm quyền cho kiểm ngư, thuế vì các cơ quan này đã có chức năng hành chính, chức năng phát hiện, khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra, tại sao không chuyển, mà lại đòi trao quyền điều tra” – ông Đương giải thích.
Đồng tình với ý kiến không nên giao cho cơ quan kiểm ngư, thuế, chứng khoán điều tra, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, nếu mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan này thì thực tế các cơ quan này cũng không có hệ thống, cán bộ, điều tra viên để có thể tổ chức điều tra được. 
Thực tế các tội danh này, ví dụ liên quan đến lĩnh vực chứng khoán thời gian qua, chủ yếu do các vụ việc đã đổ bể rồi hoặc cơ quan điều tra phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ, chứ để cơ quan chứng khoán phát hiện ra các hoạt động chứng khoán ngầm rất khó khăn. “Trên cơ sở phân tích như vậy, tôi đề xuất không nên mở rộng cơ quan điều tra ở các cơ quan này” – ông Chung nói.
Theo Lao Động

Một Thế Giới