Phạm nhân chuyển giới không dám tắm vì 'sợ bị nhìn vòng 1'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:00, 04/05/2015
Khi vào thụ án ở trại giam Phước Hòa, dù giam ở phòng giam nam nhưng bề ngoài của phạm nhân Lan Anh lại là một cô gái.
Phạm nhân chuyển giới Lan Anh (tên thật Cao Phước Nguyên, chuyển giới nửa chừng từ nam sang nữ) được đưa vào trại giam Phước Hòa thuộc Tổng cục VIII (Bộ Công an) năm 2010. Lan Anh phải thụ án 5 năm 6 tháng về tội Cướp giật và Trộm cắp tài sản.
Dù đã đổi tên thành Lan Anh nhưng tên giấy tờ thì phạm nhân này vẫn là nam. Do đó, Lan Anh được giam chung với 60 phạm nhân nam khác tại trại giam Phước Hòa.
Theo thông tin trên tờ Công Lý, trại giam Phước Hòa có 2.600 phạm nhân nam và thi thoảng cũng tiếp nhận những phạm nhân đồng tính nhưng Lan Anh là trường hợp đặc biệt. Bởi, khi vào trại, phạm nhân này nổi bật với tóc dài đến thắt lưng, gương mặt và vòng một cùng giọng nói hoàn toàn là nữ.
"Trong phòng giam vốn chật hẹp nhưng có 60 người, người thì chọc tôi là pê đê, người nói lời khiếm nhã. Mấy ngày đầu tôi không dám tắm cũng không dám thay đồ vì sợ bị nhìn vòng 1. Muốn tắm phải đợi lúc mọi người tắm xong hết. Muốn thay quần áo cũng phải đợi khi không có ai", tờ Công Lý thuật lại lời của phạm nhân Lan Anh.
Ngoài trường hợp của Lan Anh thì gần đây có rất nhiều người chuyển giới phạm tội. Theo đó, vấn đề giam những phạm nhân chuyển giới này ở trại giam nam hay nữ đã và đang khiến nhiều cán bộ trại giam lúng túng.
Một trường hợp phạm nhân chuyển giới khác có thể kể đến đó là phạm nhân Nguyễn Văn Ri (SN 1989, trú tại thôn Tân Lạc, Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam).
Trong hồ sơ của Nguyễn Văn Ri ghi giới tính nam nhưng vẻ bề ngoài của Ri lại là một cô gái khá xinh đẹp. Báo giới trong nước thông tin, Ri được đưa về thi hành án tại Trại giam An Điềm (Bộ Công an) nhưng khi vào đó, cán bộ trại giam không biết xếp Ri vào trại nam hay nữ và phải trưng cầu giám định pháp y về giới tính.
Nguyễn Văn Ri được đưa đến Sở Y tế Quảng Nam nhưng ở đây, các y bác sĩ cũng không biết phải xử lý ra sao vì đây là trường hợp đầu tiên họ gặp. Sau đó, ngày 26/9/2014, Ri được cơ quan chức năng đưa đi khám phụ khoa để xác định giới tính.
Ngày 29/9/2014, cơ quan chức năng kết luận, Nguyễn Văn Ri mang giới tính nữ. Nguyễn Văn Ri sau đó đã được chuyển sang trại giam khác vì ở trại giam An Điềm không có phân trại dành cho nữ.
Phạm nhân Nguyễn Văn Ri. |
Được biết, khi sinh ra, Ri vẫn trong hình hài một cậu bé. Từ khi học cấp 2, Ri bắt đầu thích ăn mặc giống con gái. Năm 2007, một người đàn ông Quốc tịch Pháp đã giúp Ri một khoản tiền là 700 triệu đồng để Ri sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Về nước trong hình hài một thiếu nữ xinh đẹp, Ri mở quán cắt tóc gội đầu để làm ăn. Do cần nhiều tiền để tiêm hormon duy trì giới tính nữ, Ri đã sa vào con đường phạm pháp. Ri từng bị xử phạt về tội Cưỡng đoạt tài sản và Trộm cắp tài sản.
Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu XH-KT-MT (iSEE)
"Với những phạm nhân chuyển giới nửa chừng thì nên để chính người đó tự nhận mình thuộc giới nào và cán bộ trại giam phân theo buồng có giới mà họ muốn ở. Chỉ có bản thân người đó mới định được bản dạng giới của mình (nghĩa là “tôi biết tôi thuộc giới nào”). Điều này sẽ tránh được rủi ro về việc những người chung phòng quấy rối hoặc trêu chọc. Ví dụ như người chuyển giới nửa chừng từ nam sang nữ, phạm nhân tự nhận mình là nữ mà lại giam chung với những người nam thì rất thiệt thòi cho họ. Nếu họ được giam chung với nữ thì rủi ro về việc bị quấy rối, trêu chọc lẫn nhau gần như không có". (Theo Pháp luật TP.HCM)
Theo thông tin trên tờ Tiền Phong, Bộ Công an đã có đề xuất phân loại phạm nhân "giới tính thứ ba".
Cụ thể, theo Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, đối với người bị tạm giữ, người tạm giam chưa xác định được giới tính, gồm những người bị dị tật bẩm sinh; người đã chuyển đổi một phần hoặc hoàn toàn giới tính, thì thủ trưởng cơ sở giam, giữ đề nghị cơ quan điều tra thụ lý vụ án phối hợp với cơ quan y tế có thẩm quyền tiến hành xác định lại giới tính để phân loại giam giữ.
Trong thời gian chờ thủ tục xác định lại giới tính, thủ trưởng cơ sở giam, giữ bố trí giam, giữ riêng số người nói trên.
Theo Tri Thức Trẻ