Câu chuyện về những người đồng tính cuối cùng bị treo cổ tại Anh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 05/04/2015

James Pratt và John Smith là hai người đàn ông đã bị treo cổ vào năm 1835 tại London (Anh) với tội danh 'gian dâm' (quan hệ tình dục bằng hậu môn). Trong thời gian bị giam giữ ở nhà ngục Newgate, một trong những vị khách cuối cùng đến thăm họ chính là nhà văn Charles Dickens - người sau này đã viết về họ trong cuốn Sketches by Boz với đoạn miêu tả 'Những người này chẳng còn gì để trông đợi từ lòng nhân từ của ngai vàng. Ngày tàn đã điểm'.
Ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 8 năm 1835 là một ngày ấm áp và rất đẹp. James Pratt (30 tuổi) chào tạm biệt vợ cùng hai cô con gái nhỏ của mình ở Deptford, phía Nam London để đi tìm việc làm cùng lời hứa sẽ về nhà trước 6 giờ chiều. Anh là một người lao động chân tay và đang mong muốn tìm một công việc tốt hơn.
Đầu tiên, Pratt đến nhà của cô mình ở Holborn. Anh uống khá nhiều rượu đến nỗi bà cô khuyên anh nên nghỉ ngơi. Thế nhưng anh vẫn tiếp tục đi đến Blackfriars. 
Trong một quán rượu, anh gặp John Smith, một người lao động 40 tuổi và William Bonill, 68 tuổi. Cả hai đều không thể cho anh một công việc có thể cải thiện tình trạng tài chính thế nhưng họ lại rất hiếu khách. Bonill mời Pratt và Smith về căn hộ của mình, và hai người này đều đồng ý. Tuy nhiên, chính cuộc gặp gỡ này đã dẫn đến án tử hình sau này của họ, còn Bonill thì bị lưu đày đến Úc. Toàn bộ quá trình đó chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng.
Nguoi dong tinh bi treo co, Anh Quoc, LondonChủ căn hộ của Bonhill ở số 45 George Street, Southwark, phía Nam Luân Đôn là Jane và George (cũng được biết đến với tên John) Berkshire. Cả hai đều quyết tâm sẽ vạch trần khách thuê của mình. Với họ, William Bonill là một "lão già thủ ác" bởi vì lão đã nhiều lần mang các "cặp đàn ông" về căn hộ. George Berkshire quyết tâm phải chấm dứt chuyện này và tống cổ kẻ thuê nhà rắc rối. 
Ngay sau khi 3 người về đến căn hộ, George lập tức theo dõi mọi động thái trong căn phòng của Bonill từ cửa sổ. Một lúc sau, ông thuật lại cho vợ mình nghe hình ảnh Pratt ngồi trên đùi Bonill rồi trên đùi Smith. Họ cười nói và trò chuyện rất vui vẻ.
Jane liền lên lầu và nhìn trộm qua lỗ khóa của căn phòng. Chỉ một thoáng sau, bà trở lại và kể với chồng rằng mình đã nhìn thấy hành vi giao cấu của ba người đàn ông. Người chồng nổi giận đùng đùng và lên lầu xem thử. Ngay lập tức, ông phá cửa vào bên trong phòng nơi mà Pratt và Smith đang ở trong tư thế quan hệ tình dục. 
Lúc này, Bonill vừa đi ra ngoài uống nước đã trở về. Ông cố làm dịu Berkshire nhưng không thành công. George quyết định đi tìm cảnh sát. 
Không lâu sau, Pratt, Smith và Bonill bị bắt giữ. Pratt và Smith bị kết tội gian dâm (quan hệ bằng đường hậu môn) còn Bonill được xem là đồng phạm. Vào ngày 21 tháng 9 năm 1835, họ đối diện với Thẩm phán Baron Gurney tại Old Bailey, tòa án hình sự London.
Nguoi dong tinh bi treo co, Anh Quoc, London
Các cảnh sát bắt giữ họ không có bằng chứng cụ thể. Điều mà Jane Berkshire kể với thẩm phán cũng không có cơ sở. Bà kể bà chỉ xem khoảng một phút nhưng nhìn thấy rõ hành vi giao cấu của những người đàn ông này. Nhiều người cũng nghi ngờ rằng lỗ khóa quá nhỏ, bà không cách nào có thể nhìn thấy rõ những điều đang diễn ra bên trong. Tương tự như vậy, George cũng không thể chứng minh những điều ông thấy là sự thật. 
Còn về phía James Pratt và John Smith, cả hai đều không được đưa ra bằng chứng cho mình. Mặc dù họ khẳng định mình "không có tội" nhưng bồi thẩm đoàn vẫn kết án họ. Theo luật lệ thời bấy giờ (phải đến năm 2003 mới bị gỡ bỏ), quan hệ tình dục đồng giới là một hành vi kinh tởm và phải nhận hình phạt của cái chết. Nó được xem là một trong những trọng tội cần phải bị xử phạt triệt để. 
James Pratt và John Smith ngay lập tức lãnh án tử hình. Vị thẩm phán nhắc nhở họ rằng khả năng khán án của họ là không có, và rằng họ đừng mơ được giảm án. Ông nói cả hai nên chuẩn bị để nhận hình phạt của Chúa. Họ đã rời khỏi phiên tòa trong nước mắt.
Còn về phần William Bonill, ông bị kết án 14 năm lưu đày ở Úc. Ông mất tại Tasmania vào năm 1841.
Tương tự như trường hợp của Pratt và Smith, nhiều người đã phải lãnh án tử hình vì nhiều tội danh khác nhau vào mùa thu năm 1835. Chính vì thế, nhiều cuộc đấu tranh biểu tình đòi giảm hình phạt đã diễn ra.
Trong thời gian bị giam giữ ở nhà ngục Newgate, Pratt và Smith đã được nhà văn Charles Dickens ghé thăm. Ông về sau đã miêu tả họ là "Những người đàn ông chẳng còn gì để trông đợi từ lòng nhân từ của ngai vàng. Ngày tàn đã điểm".
Johm Smith hầu như không có bạn bè. Nhưng bạn của James Pratt đã đưa ra một chiến dịch nhằm cứu lấy anh. Họ tập hợp ý kiến đồng tình của các công tố viên, chủ cũ và hàng xóm của anh, ngay cả George và Jane Berkshire cũng ký tên. 
Những tài liệu này sau đó đã được gửi đến cuộc họp Hội đồng kín với sự tham gia của vua William IV tại Brighton.
Ngày 24 tháng 11 năm 1835, 12 người với mức án tử hình đã được nhà vua xá tội thế nhưng Pratt và Smith không nằm trong số đó. Phán quyết của Thẩm phán Baron Gurney vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Vào thứ 6 ngày 27 tháng 11, hai kẻ tử tù được dẫn đến nơi hành hình. Họ luôn miệng khẳng định sự trong sạch của mình. Pratt lúc này rất yếu, phải có người dẫn anh đến đoạn đầu đài. Đám đông bắt đầu la ó, bày tỏ sự bất bình đối với án tử. Và đó cũng là những âm thanh cuối cùng mà hai người đàn ông này nghe được. Pratt và Smith nhanh chóng bị treo cổ cho đến chết.
Nguoi dong tinh bi treo co, Anh Quoc, London
Họ được chôn cất tại một nghĩa trang chung như những phạm nhân khác ở Newgate. Đó chính là nghĩa trang của thành phố: Công viên Manor, tọa lạc ở phía Đông London.
Đây là câu chuyện được kể lại trong cuốn sách The Law To Take Its Course – Redeeming The Past, Securing Our Future của Cha Frank Ryan. Ông đã nghiên cứu tường tận về vấn đề này từ các nguồn thông tin tại Phòng lưu trữ quốc gia, Thư viện Anh và Phòng lưu trữ Trung tâm Luân Đôn cũng như từ nhiều báo cáo báo chí khác. 
Năm 2014, Cha Frank Ryan đã kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh - Chris Grayling, hy vọng James Pratt và John Smith sẽ được xá tội. Bộ trưởng đã trả lời rằng ông rất tiếc về án tử của hai người đàn ông này và chuyện đó không nên xảy ra. Mặc dù vậy, những điều kiện để xét ân xá không đủ. Nhưng có thể trong tương lại, những trường hợp như vậy sẽ được xem xét lại, đặc biệt là sau khi lệnh ân xá của Alan Turing được công bố. 
Toàn Tăng (Theo GayStarNews)

Một Thế Giới