Những người kỳ thị đồng tính chết sớm 2.5 năm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:00, 01/04/2015
Những người có quan điểm phản đối người LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) chết sớm hơn những người có quan điểm cởi mở. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu được đăng trên tờ American Journal of Public Health (Nhật báo Sức khỏe Cộng đồng Mỹ).
"Định kiến kỳ thị người đồng tính có liên hệ mật thiết với tỉ lệ tử vong của người dị tính hơn hẳn những yếu tố khác", các nhà nghiên cứu - dẫn dắt bởi Mark L. Hatzenbuehler - của trường Đại học Colombia viết. Theo đó, những người không quá thành kiến đối với người đồng tính có mức tuổi thọ trung bình cao hơn 2.5 năm so với những người có thành kiến nặng nề.
Nhóm nghiên cứu kết hợp tỉ lệ tử vong với các câu trả lời cho một bài khảo sát đo mức độ thành kiến với người đồng tính, bao gồm 4 câu hỏi sau:
- Nếu một số người xung quanh bạn đề nghị gỡ bỏ một cuốn sách ủng hộ đồng tính khỏi thư viện công cộng, bạn có ủng hộ gỡ bỏ không?
- Một người đàn ông thừa nhận đồng tính có nên được phép giảng dạy ở trường đại học/cao đẳng hay không?
- Giả sử một người đàn ông thừa nhận đồng tính muốn có một bài nói trước cộng đồng của bạn. Anh ta có nên được phép nói hay không?
- Bạn nghĩ rằng quan hệ tình dục giữa hai người trưởng thành có cùng giới tính là luôn luôn sai trái, gần như luôn sai trái, chỉ đôi khi sai trái, hay không hề sai trái?
Các nhà nghiên cứu thừa nhận những câu hỏi này chỉ đại diện "một phần nhỏ những khía cạnh bộc lộ sự kì thị đồng tính" và cho rằng ảnh hưởng của sự kì thị đồng tính trong thực tế lớn hơn mức đo đếm được.
Những người được khảo sát bao gồm 20.226 người dị tính từng tham gia các buổi phỏng vấn giữa năm 1988 và 2008. Trong đó, 4.216 người đã qua đời trước khi cuộc khảo sát kết thúc.
Các nhà nghiên cứu muốn đảm bảo rằng họ thật sự tìm thấy mối liên hệ giữa tử vong sớm và định kiến đối với người đồng tính - chứ không phải một thứ gì khác có liên quan đến việc kì thị đồng tính. Chính vì thế nên họ đã loại bỏ những biến số có thể làm nhiễu kết quả, bao gồm tuổi tác, thu nhập, học vấn, tình trạng hôn nhân, giới tính, mức sùng đạo và thậm chí kì thị chủng tộc.
Sau khi loại bỏ toàn bộ những biến số trên, nhóm nghiên cứu tìm thấy một "sự chênh lệch về 2.5 năm tuổi thọ giữa các cá nhân có mức độ kì thị cao và thấp". Cụ thể, định kiến đối với người đồng tính "có liên hệ với tỉ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch".
Tại sao người kì thị đồng tính chết sớm hơn?
Dù bài nghiên cứu không hướng đến việc tìm hiểu tại sao những người có thành kiến với người đồng tính chết sớm hơn những người ít thành kiến hơn nhưng các tác giả có nêu ra một số giả thiết.
Nóng giận là một phần thiết yếu của sự kì thị, đặc biệt đối với những người đàn ông dị tính. "Những biến đổi tâm sinh lý gắn liền với cơn nóng giận, chẳng hạn như nhịp tim đập nhanh hơn, đã được chứng minh là góp phần dẫn đến huyết áp tăng và bệnh tim mạch", các tác giả viết.
Nói cách khác: Những người nổi nóng mỗi khi thấy một đám cưới đồng giới trên báo hoặc một cặp đồng giới ở tiệm tạp hóa có thể có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Ngoài ra, những nghiên cứu trước đó về kì thị chủng tộc đã cho thấy rằng khi con người có định kiến, việc giao tiếp với những người họ kì thị tạo ra nhiều căng thẳng. Và căng thẳng thường xuyên có ảnh hưởng tồi tệ tới sức khỏe nói chung.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nếu phản ứng stress cấp "thường xuyên bị kích hoạt, về lâu dài những cá nhân có định kiến có thể mắc nguy cơ nhiễm bệnh, cũng như tử vong, cao hơn."
Tin tốt?
Định kiến kì thị người đồng tính đang có xu hướng giảm, và bài nghiên cứu cho thấy rằng sự chuyển dịch xã hội này có thể sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng. Tất nhiên, một thái độ cởi mở với những người LGBT sẽ không kéo dài tuổi thọ hiệu quả như ngừng hút thuốc hoặc tập thể dục - nhưng bài khảo sát này cho thấy nó không có ảnh hưởng xấu.
"Thật tốt là thái độ của người Mỹ đối với người đồng tính đang chuyển hướng sang đồng thuận và chấp nhận," Tom Jacobs của Pacific Standard viết. "Bài khảo sát cho thấy rằng sự chuyển hướng này có thể tạo ra một tác dụng phụ không ngờ tới: sống lâu hơn."
Nguyên Phong (Theo GSN)