Hành trình xuyên Việt để hiểu về cộng đồng LGBT của chàng trai 8X
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:00, 08/03/2015
Anh Lương Thế Huy không phải là một gương mặt xa lạ đối với cộng đồng LGBT Việt Nam. Anh từng làm việc tại Viện iSEE và Trung tâm ICS - hai tổ chức hàng đầu chuyên về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Trong vài năm trở lại đây, chàng trai 8X có gương mặt điển trai này đã góp phần không nhỏ trong tiến trình kêu gọi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cũng như đề xuất dự luật bảo vệ nhóm người chuyển giới lên chính phủ.
"Đi đường nghe chuyện LGBT là một dự án mang đậm tính chất cá nhân của anh Lương Thế Huy, bên cạnh công việc tại Viện iSEE. Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện thân mật với anh để cùng chia sẻ về dự án lần này.
Anh có thể tự giới thiệu về bản thân mình được không?
Mình là Lương Thế Huy, 26 tuổi, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (“iSEE”) chuyên về mảng quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (“LGBT”).
Anh tham gia vào tiến trình vận động quyền cho người LGBT Việt được bao lâu rồi?
Mình bắt đầu tự tìm hiểu và viết về chủ đề LGBT từ khoảng 10 năm trước, và làm tình nguyện cho các hoạt động cộng đồng từ năm 2008. Sau đó, mình làm việc toàn thời gian cho các tổ chức vận động quyền LGBT như trung tâm ICS và Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường iSEE. Chuyên ngành ở trường Đại học của mình là luật. Yếu tố này đã giúp mình rất nhiều trong việc tham gia vào các tiến trình vận động luật và chính sách cho cộng đồng LGBT, nhất là khi bản thân mình cũng là một người LGBT công khai.
Vào ngày 20.6.2014, anh Lương Thế Huy cũng đã có bài phát biểu tại phiên làm việc thông qua Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam, được tổ chức bởi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Anh nghĩ sao về tình hình của cộng đồng LGBT Việt Nam hiện nay?
Có lần mình từng viết cảm nhận về việc cộng đồng LGBT Việt Nam đang "thức tỉnh". Những tiếng nói công khai, tự hào ngày càng nhiều hơn, những cánh cửa liên tiếp mở ra khiến chúng ta cũng không dám hình dung mình có thể bước xa tới đâu. Nhưng mình tin chắc, cánh cửa cuối cùng sẽ mở tới sự bình đẳng, và chúng ta đang đi đúng hướng.
Xin anh cho biết chi tiết về dự án "Đi đường nghe chuyện LGBT"?
Mọi người có thể tạm gọi dự án này là "ăn nhờ ở đậu LGBT" cũng được (cười). Mình hiện đang kêu gọi sự tham gia tình nguyện của các bạn LGBT tại 64 tỉnh thành, mà mình gọi là "kết nối viên". Xuất phát từ Hà Nội, mình sẽ tới ở cùng và "nghe chuyện" với họ trong 1-2 ngày. Sau đó, họ sẽ giúp mình di chuyển tới địa phương tiếp theo và "trao" mình cho kết nối viên ở đó. Cứ thế đi hết Việt Nam, nơi nào có bạn LGBT sẵn sàng, thì mình sẽ tới.
Trong chuyến đi, bạn LGBT nào đồng ý công khai, mình sẽ ghi hình lại, làm tư liệu cho một bộ phim tổng kết lại toàn bộ chuyến đi. Nếu có bạn nào không công khai thì cũng không sao, họ không thể kể không có nghĩa là họ không có gì để kể, mình vẫn muốn gặp nếu câu chuyện của họ thú vị và có sức lay động. Mình cũng muốn có một quyển sách nhỏ sau chuyến đi, bằng hình hoặc chữ gì đó, khắc họa lại chân dung những người mình đã gặp.
Với những đóng góp góp của mình cho cộng đồng LGBT Việt, anh đã 2 lần lọt vào danh sách "5 người đồng tính và chuyển giới nổi bật nhất Việt Nam" do báo Một Thế Giới bình chọn trong 2 năm liên tiếp 2013 và 2014. |
Ý tưởng cho "Đi đường nghe chuyện LGBT" xuất phát từ đâu và khi nào? Mục đích của dự án là gì?
Ý tưởng ban đầu thì cũng đơn giản lắm. Mình hay nói là cộng đồng LGBT có ở mọi nơi, mọi dân tộc, nghề nghiệp, tuổi tác. Nhưng trong những năm làm việc, thì đa phần mình chỉ gặp được những bạn trẻ, trí thức ở các thành phố, đô thị. Vậy thì làm sao để chứng minh cho điều mà mình vẫn hay nói? Cho nên mình nghĩ cần phải "đi đường" để tìm họ.
Mình rất thích gặp những người mới, nghe những câu chuyện mà họ chỉ đang chờ được kể, những ước mơ, suy nghĩ mà có khi đã bị nỗi sợ làm quên lãng, cất vào đâu đó. Những câu chuyện luôn là chất liệu và cảm hứng cho công việc của mình, càng nghe nhiều mới càng hiểu mình đang làm vì cái gì, cho ai và vì sao một cách sâu sắc. Đó chính là ý nghĩa và mục đích của việc "nghe chuyện".
Hiện bạn đã chuẩn bị được tới đâu rồi?
Đi cùng mình còn có một bạn khác nữa sẽ đi xe máy theo cùng và hỗ trợ, tên là Phạm Ngọc Nam. Đây là một bạn trai dị tính ủng hộ cộng đồng LGBT, có kinh nghiệm đi đường trường. Mình rất vui khi nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của bạn, vì mình chưa từng có kinh nghiệm cho những chuyến xa đi dạng này.
Cái thú vị của dự án là nó được hoàn thành bởi rất nhiều người khác nhau. Mình chỉ dựng nên một kế hoạch, việc chuyến đi cụ thể như thế nào, kéo dài hay rút ngắn, tổ chức những sự kiện gì bên lề, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chính những bạn tình nguyện tham gia cùng mình và đóng góp ý tưởng, chia sẻ của họ.
Sau khi đăng thông báo trên trang cá nhân hai ngày, với rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè, đã có khoảng hơn 20 người đăng ký, từ hơn 10 tỉnh thành. Mình hy vọng nhận được thêm nhiều sự tham gia nữa. Đó là phần quan trọng với mình, bên cạnh việc chuẩn bị hậu cần khác.
Hiện nay website www.nghechuyenlgbt.com là kênh thông tin chính thức của dự án.
Anh Phạm Ngọc Nam - bạn đồng hành của anh Lương Thế Huy |
Vậy anh kiếm nguồn kinh phí từ đâu?
Với mình đây là một mô hình "tài trợ cộng đồng" (crowdfunding) từ tài chính, kỹ thuật cho tới ý tưởng, tinh thần. Được sự hỗ trợ ăn ở của các kết nối viên rồi, mình sẽ huy động kinh phí cho việc quảng bá dự án, in ấn, vật phẩm, các thiết bị để tư liệu hóa, sản phẩm truyền thông, dựng phim và xuất bản sách sau đó. Kinh phí theo kiểu có bao nhiêu thì làm quy mô bằng ấy, cho nên dao động khá lớn.
Rất vui vì một vài anh chị em đã ngỏ lời đóng góp cho dự án. Vui hơn nữa là khi mình cảm ơn họ thì được nhận lại một lời cảm ơn mình. Điều này làm mình cảm thấy có trách nhiệm, một chút áp lực, nhưng cũng tự hào vì điều đang làm được mọi người chia sẻ. Thành thật thì mình đang lo về con người tham gia hơn là kinh phí, đồng thời cũng cố gắng huy động thêm đóng góp của mọi người.
Dự án dự định khi nào sẽ kết thúc?
Mình dự kiến khởi hành từ ngày 04.04.2015, và quay trở về vào ngày 17.05.2015, tức đúng ngày Quốc tế Chống kỳ thị Người đồng tính và chuyển giới "IDAHOT". Sau đó mình sẽ dành một tháng để ghi chép, tổng hợp lại mọi tư liệu có được, rồi chuyển sang khâu hậu kỳ để ra mắt các sản phẩm sách, phim vào dịp Việt Pride tháng 08.2015.
Cám ơn và chúc anh thành công!
Mai Thảo (Ảnh do nhân vật cung cấp)