Từ chàng trai tự tử ở tuổi 16 chiến thắng giải Oscar
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 23/02/2015
‘Hãy cứ kỳ lạ, hãy cứ khác biệt. Và rồi khi thời cơ của bạn đến và bạn đứng trên sân khấu này, làm ơn, hãy truyền đi thông điệp giống như vậy!’, Graham Moore – biên kịch của bộ phim The Imitation Game, chia sẻ trong xúc động khi nhận tượng vàng danh giá tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87 từ tay Oprah Winfrey. Anh vốn là một người đồng tính nam công khai và từng tự tử ở độ tuổi 16 vì xu hướng tính dục của mình.
Đánh bại nhiều đối thủ sừng sỏ khác, Graham Moore đã giành chiến thắng ở hạng mục “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất” cho bộ phim The Imitation Game. Người trao giải cho anh chính là nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey. Sau khi gửi lời cám ơn đến các cộng sự của mình, chàng trai 31 tuổi này bất chợt ngập tràn cảm xúc khi chia sẻ về quá khứ của mình.
Graham Moore |
"Khi 16 tuổi, tôi đã tự tử bởi vì cảm thấy bản thân mình kỳ lạ và khác biệt. Tôi không nghĩ mình thuộc về nơi nào cả. Vậy mà bây giờ, tôi lại đang đứng ở đây", Graham Moore xúc động, "Tôi muốn nhân khoảnh khắc này gửi một thông điệp đến những người trẻ ngoài kia đang cảm thấy bản thân khác biệt và kỳ lạ. Phải đấy, các bạn kỳ lạ và khác biệt. Hãy cứ thế nhé!".
Màn phát biểu này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả.
Bộ phim The Imitation Game nói về nhà toán học người Anh Alan Turing. Ông được xem là vị cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Tuy nhiên, Alan Turing được biết đến không chỉ vì những đóng góp cho quân đội Anh vào thế chiến II mà còn những gì đã xảy ra với ông khi bị ghép tội "đồng tính".
Sống vào thời điểm mà các hành vi đồng tính luyến ái bị coi là phạm pháp, Alan Turing và người tình lâu năm của mình - Anrold Murray đã bị kết tội có hành vi không đúng đắn. Khi đối diện với sự lựa chọn giữa hai hình phạt tù giam và quản thúc tại gia, với điều kiện là ông phải chấp nhận dùng điều trị bằng hormone.
Kết quả, Alan Turing đã chấp nhận phương pháp tiêm hormone estrogen nhằm kiềm chế khát khao tình dục trong vòng khoảng 1 năm. Chưa hết, ông còn bị tước bỏ giấy phép làm việc trong bộ phận bảo mật của chính phủ, ngăn cản ông tiếp tục với công việc tư vấn cho Trung tâm truyền tin của chính phủ trong các vấn đề về mật mã.
Alan Turing |
Những chuyện này kết thúc bằng cái chết đột ngột của Alan Turing vào năm 1954. Người phục vụ dọn dẹp tìm thấy tử thi của ông bên cạnh một quả táo đang cắn dở. Với kết luận bị nhiễm chất độc cyanide, hầu hết mọi người tin rằng cái chết của Turing là chủ ý và bản điều tra vụ tử vong đã được kết luật là do tự sát. Tuy nhiên, mẹ của ông lại không nghĩ như vậy. Bà khăng khăng cho rằng cái chết đến từ tính bất cẩn trong việc bảo quản các chất hóa học của ông. Khả năng bị ám hại cũng đã từng được cân nhắc vì tầm quan trọng của của ông trong cơ quan bí mật.
Lấy cảm hứng từ cuộc đời Alan Turing, bộ phim "The Imitation Game" với sự tham gia của nam tài tử Benedict Cumberbatch đang gặp nhiều chỉ trích về nội dung. Bộ phim tập trung vào miêu tả thời gian đính hôn ngắn ngủi giữa Turing cùng đồng nghiệp của mình - nhà mật mã học Joan Clarke (do Keira Knightly thủ vai) và không đề cập nhiều đến các mối quan hệ đồng tính của ông.
Minh Chánh