10 bộ phim đồng tính nam hay nhất của châu Á
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:23, 23/12/2014
Danh sách này bao gồm các bộ phim đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á: các tác phẩm từ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, đến Malaysia, Philippines và Thái Lan. Quyền của những người đồng tính, hay đại diện của người đồng tính nam trên màn ảnh, có sự khác biệt rất lớn từ nước này sang nước khác, mang lại sự đa dạng và phong phú cho những bộ phim tuyệt vời, như bộ phim bi kịch lãng mạn Lan Yu (2001), bộ phim tội phạm hấp dẫn Macho Dancer (1988), và 2 bộ phim 'tươi mát' của Nhật Bản là Beautiful Mys
1. Funeral Parade of Roses (1969) (tên tiếng Việt: Diễu hành đám tang hoa hồng)
Đạo diễn: Toshio Matsumoto
Funeral Parade of Roses sẽ đưa bạn vào một cuộc hành trình kỳ quặc về tình dục, ma túy, sự lôi kéo và phức cảm kinh dị Oedipal, trong một chuyến đi lạ lùng và đáng sợ bên bờ hoang dã. Bộ phim kể về Eddie (do Peter thủ vai, người sau này vào vai chàng ngốc trong Ran (1985)) bắt đầu cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Shinjuku Ni-Chome, khu đồng tính nam của Tokyo. Eddie phải cố gắng quên đi những ký ức đau lòng về cái chết của mẹ mình – và bất cứ ai biết bi kịch của họ hẳn sẽ tiếp tục tò mò danh tính của người quản lý quán bar đồng tính đã qua đêm cùng.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác phẩm A Clockwork Orange của Stanley Kubrick (1971), Funeral Parade of Roses hân hoan lật đổ tất cả ý niệm về sự tôn trọng, mang đến cho người xem một lát cắt của năm 1960 tiểu văn hóa đồng tính Nhật Bản, khi những người đồng tính ở Tokyo bộc lộ suy nghĩ của họ với máy quay.
2. Farewell My Concubine (1993) (tên tiếng Việt: Bá vương biệt cơ)
Đạo diễn: Chen Kaige
Câu chuyện tình yêu đồng tính không được đáp lại của đạo diễn Trần Khải Ca là tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng năm 1993, khi các nhà phê bình đều tập trung sự ngưỡng mộ của họ trên phạm vi vô cùng tham vọng của bộ phim, cất giấu hơn nửa thế kỷ của lịch sử Trung Quốc. Bộ phim nói về tình bạn giữa hai người đàn ông, được nuôi dưỡng dần trong sự đào tạo nghiêm ngặt của trường Opera Bắc Kinh. Trình Đắc Di (Trương Quốc Vinh) đã được đào tạo để sắm vai phụ nữ, và đóng vai người thiếp của vua Chu, do bạn mình là Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị) thủ vai. Đắc Di yêu Tiểu Lâu, nhưng Tiểu Lâu lại kết hôn với một cô gái điếm là Diệu Linh (Củng Lợi), mở ra một câu chuyện phức tạp của tình yêu và sự phản bội.
Trương Quốc Vinh chính là một điểm nhấn đáng chú ý cũng như số phận bi kịch nhân vật của anh. Trương Quốc Vinh, người đã công khai giới tính của mình, đồng thời là một ca sĩ nổi tiếng của Hồng Kông và là một diễn viên được khẳng định. Anh đã tham gia nhiều bộ phim thành công của đạo diễn Vương Gia Vệ, bao gồm cả Happy Together (1997). Sau nhiều năm chịu trầm cảm, Trương Quốc Vinh đã tự sát vào năm 2003.
3. East Palace, West Palace (1996) (tên tiếng Việt: Đông cung Tây cung)
Đạo diễn: Zhang Yuan
Bộ phim truyền hình này tập trung vào một người đàn ông đồng tính bị bắt giữ trong một công viên và phải ngồi cả đêm trong đồn cảnh sát dưới con mắt nghiêm khắc của các nhân viên cảnh sát. Khi anh ta cố gắng nói chuyện với nhân viên cảnh sát về cuộc sống hỗn loạn của mình, anh ta lộ rõ ý định muốn tinh tế dụ dỗ chàng cảnh sát nam tính. Khi được thả, anh ta lại từ chối ra về, và mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Cục điện ảnh Trung Quốc dĩ nhiên không thích tác phẩm này, nên đạo diễn Zhang Yuan đã bị tịch thu hộ chiếu. Chọn sử dụng một người đàn ông đồng tính để tượng trưng cho tinh thần tự do và một nhân viên an ninh để đại diện cho chính quyền là một bước đi nguy hiểm. Dù bộ phim chỉ có ngân sách thấp nhưng kết quả rất tốt và có tính khiêu khích cao độ. Tiêu đề bộ phim ám chỉ đến những công viên bên sườn Tử Cấm Thành, nơi tụ tập phổ biến của những người đồng tính nam ở Trung Quốc.
4. Happy Together (1997) (tên tiếng Việt: Xuân quang xạ tiết)
Đạo diễn: Wong Kar-wai
Đây là một trong những bộ phim đồng tính thú vị nhất từng được thực hiện, một sự miêu tả sinh động và chân thực về hai người đàn ông đến từ Hồng Kông – Lê Diệu Huy (Lương Triều Vĩ) và Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) – trong một mối quan hệ hợp-tan lặp đi lặp lại. Hai người du lịch đến Argentina thăm thác Iguazu để củng cố tình cảm, nhưng rốt cuộc vẫn lại tiếp tục chu kỳ của sự phản bội và tàn ác. Sau một lần chia tay nữa, Diệu Huy gặp gỡ một chàng trai khác, người đã thức tỉnh trách nhiệm của Diệu Huy, mang lại hy vọng về hạnh phúc và cứu chuộc.
Đạo diễn Vương Gia Vệ hưởng một chuỗi thành công ngoài tưởng tượng từ 1990 đến 2000, bao gồm cả Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm – 1994), và In the Mood for Love (Tâm trạng khi yêu – 2000), một trong những câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất của điện ảnh.
Với Happy Together, ông giành được giải thưởng đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes, đây cũng là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của ông, với diễn xuất tuyệt vời của Lương Triều Vĩ.
5. Gohatto (1999) (tên khác: Taboo – Trái cấm)
Đạo diễn: Nagisa Oshima
“Gohatto” có nghĩa là “điều cấm kỵ” trong tiếng Nhật, ở đây là chủ đề đồng tính luyến ái. Vào thế kỷ 19, một kiếm sĩ trẻ và xinh đẹp (Ryuhei Matsuda) gia nhập một nhóm samurai. Mặc dù đồng tính luyến ái bị cấm, anh ngay lập tức dấy lên sự quan tâm đối với đồng bạn của mình, bao gồm cả phó chỉ huy (Takeshi Kitano). Ghen tuông không thể tránh khỏi đã dẫn đên bạo lực xảy ra sau đó.
Những ám ảnh khiêu dâm không chính thống luôn tràn ngập các tác phẩm nổi tiếng nhất của Nagisa Oshima, đặc biệt là tác phẩm cực kỳ gây tranh cãi Ai no Corrida (1976), với những cảnh quan hệ tình dục chân thật, và bầu không khí đồng tính của các trại tù trong Merry Christmas, Mr Lawrence (1983 ). Gohatto là một lời chỉ trích đặc biệt của Oshima đối với người đồng nghiệp Akira Kurosawa. Một thế giới không hề có sự liên kết giữa những người đàn ông Seven Samurai (1954), khác xa với thế giới không có phụ nữ của Gohatto, một nơi đồi bại và xấu xa.
6. Tokyo Godfathers (2003)
Đạo diễn: Satoshi Kon
Một sự tái tạo đầy hài hước và cảm động của tác phẩm phương Tây 3 Godfathers (1948), bộ phim hoạt hình của đạo diễn Satoshi Kon kể về bộ ba vô gia cư – một kẻ nghiện rượu, một người đồng tính và một cô gái trẻ chạy trốn. 3 người phát hiện ra một em bé trong một đống rác. Họ bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm mẹ đứa trẻ, và dần hé lộ về quá khứ của họ trong thời gian lang thang qua Tokyo đầy tuyết rơi.
Không rõ Hana trong câu chuyện là một người đồng tính hay là một phụ nữ chuyển giới. Dù thế nào, Hana là một nhân vật tuyệt vời, người luôn ao ước được nuôi dưỡng một em bé và là người tử tế nhất trong bộ ba. Thậm chí cả trong khoảnh khắc của sự tàn ác, khi Hana cố tình nhục mạ kẻ nghiện rượu trước mặt con gái mình, thì hành động đó cũng được thực hiện với một lòng tốt nang ngạnh. Mối quan hệ giữa ba người dường như không thể phá vỡ, họ cùng nhau hình thành nên một tổ hợp chặt chẽ, làm thay đổi khái niệm về gia đình. Một câu chuyện cổ tích kì lạ.
7. Tropical Malady (2004) (Căn bệnh nhiệt đới)
Đạo diễn: Apichatpong Weerasethakul
Trong các liên hoan phim, Apichatpong ‘Joe’ Weerasethakul đã khẳng định mình là đạo diễn hàng đầu của Thái Lan, mang về nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes, bao gồm cả giải Cành cọ vàng cho Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (2010). Chủ đề đồng tính luyến ái cũng xuất hiện trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của anh (bản thân Weerasethakul cũng là một người đồng tính). Tuyệt vời nhất phải kể đến Tropical Malady, một câu chuyện về tình yêu đồng tính mê hoặc và siêu thực chưa từng có.
Một người lính và một chàng trai đã đem lòng yêu nhau và thường xuyên gặp gỡ tại một khu rừng nhiệt đới. Sau đó, người lính lại bị cuốn vào một thế giới khác, nơi anh phải đi tìm một thực thể mà không chắc có phải người yêu của mình không. Một sự gặp gỡ đầy lạ kì và đẹp đẽ – khung cảnh bừng sáng bởi đom đóm, một cuộc tao ngộ giữa người hùng và con hổ trong truyền thuyết.
8. The Blossoming of Maximo Oliveros (2005)
Đạo diễn: Auraeus Solito
Một cậu bé đồng tính người Philippines với một thiên hướng thích mặc quần áo phụ nữ là chủ đề của bộ phim hài nhưng gai góc của đạo diễn Auraeus Solito. Chàng trai trẻ Maximo, gia đình kiếm sống bằng nghề trộm cắp vặt, sống trong một khu vực nghèo của Manila. Một sĩ quan cảnh sát điều tra tội phạm đã khiến Maximo phát triển một tình cảm sâu sắc đối với anh. Hai người dần hình thành một tình bạn không bình thường, nhưng rồi tình bạn ấy lại bị đe dọa khi nhiệm vụ của viên sĩ quan cảnh sát đe dọa tới gia đình của Maximo.
Nathan Lopez đã mang tới diễn xuất tuyệt vời cho nhân vật Maximo, người từ khi còn bé đã học ăn mặc như hoa hậu thế giới đến lúc trưởng thành khi cậu dũng cảm bước tới tương lai. Bộ phim đã giành giải Teddy, vinh danh các tác phẩm LGBT xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin.
9. I Don’t Want to Sleep Alone (2006) (tên tiếng Việt: Tôi không muốn ngủ một mình)
Đạo diễn: Tsai Ming-liang
Các nhân vật đồng tính luôn xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của đạo diễn người Malaysia Tsai Ming-liang, từ người đàn ông đồng tính luyến ái tự sát trong Vive L’amour (1994), anh chàng Nhật Bản hay lượn lờ quanh các rạp chiếu phim trong Goodbye, Dragon Inn (2003) và hai cha con trong bộ phim ảm đạm The River (1997). Đáng tiếc rất ít tác phẩm ra DVD, nhưng I Don’t Want to Sleep Alone là một ngoại lệ.
Trong tác phẩm đầu tiên thực hiện tại Malaysia (tác phẩm trước đây của ông được quay tại Đài Loan), Ming-liang sắp xếp Lee Kang-sheng trong hai vai trò – như một người đàn ông hôn mê được chăm sóc bởi một người phụ nữ, và là một công nhân nhập cư tại Kuala Lumpur bị đánh đập và được chăm sóc bởi một người đàn ông đồng tính. Người đàn ông này đã đem lòng yêu bệnh nhân của mình, mặc cho sự bất đồng ngôn ngữ giữa họ. Bộ phim sử dụng rất nhiều kỹ thuật từ những tác phẩm trước đó của Ming-liang – những chuỗi cảnh quay dài, tốc độ chậm rãi, chủ đề của khao khát và cô đơn – để tạo ra một tác phẩm đẹp và khó quên.
10. Soundless Wind Chime (2009) (tên tiếng Việt: Dù gió có thổi)
Đạo diễn: Kit Hung
Trong bộ phim đầu tay của Kit Hung, Ricky, cậu bé giao hàng làm việc tại Hồng Kông, đem lòng yêu tên trộm vặt Pascal (Bernhard Bulling), người đã ăn cắp ví của cậu. Cả hai sau đó đã bắt đầu một mối quan hệ say đắm, nhưng bi kịch lại giáng xuống. Chết lặng trong đau buồn, Ricky tìm tới Thụy Sĩ, quê hương của người cậu yêu, và gặp gỡ Ueli (cũng do Bulling thủ vai), người có vẻ ngoài giống hệt Pascal. Họ cũng bắt đầu một mối quan hệ. Nhưng sự giống nhau giữa Ueli và Pascal liệu có phải đơn thuần là trùng hợp ngẫu nhiên?
Câu chuyện phi tuyến tính có lẽ không dễ hiểu, và đòi hỏi hơn một lần xem để khám phá ra bí mật của nó. Đây là một bộ phim bí ẩn với những khởi sắc tuyệt đẹp, và hình ảnh cực kỳ ấn tượng.
Thanh Vũ (Theo Bookaholic)