'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng' - kiếp sống của người chuyển giới

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 02:00, 16/12/2014

'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - 86 phút phim tài liệu về người chuyển giới trong gánh hát nghèo giúp khán giả len lỏi vào cuộc đời những con người khao khát được xã hội công nhận và tôn trọng.
Bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng bắt đầu với lời tự sự của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm về những hội chợ lô tô. Lời tâm sự mở đầu cùng hình ảnh bãi đất trống với những lều rạp, khung sắt và những con người nhếch nhác đang làm công việc bốc dỡ hay dựng sân khấu trong cơn gió thổi mạnh... gợi không khí buồn tẻ của một miền quê. Nơi đó, những con người nhỏ bé đang cố gắng sinh tồn bằng thứ nghề trôi dạt.
Không mang chủ đề giống nhau, nhưng vô tình, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm giống như nhà văn Phan Thị Vàng Anh đều gợi lên được sự buồn bã, hẩm hiu của hội chợ lô tô vùng quê. Nếu như Phan Thị Vàng Anh tài tình trong việc dùng từ ngữ, con chữ, Nguyễn Thị Thắm gây ấn tượng khi tìm được những chi tiết rất thực, rất đời đưa vào bộ phim.
Chuyen di cuoi cung cua chi Phung
 Chị Bích Phụng (trái) trong gánh hát của mình.
Có hai dạng chi tiết gây ám ảnh trong phim. Đầu tiên là những chi tiết miêu tả cảnh vật. Máy quay của đạo diễn lia nhanh những góc rộng để diễn tả bao quát cảnh gánh hát. Rồi góc máy đi vào những cận cảnh: đoàn xe tải nhồi nhét người và vật sau những lần di chuyển điểm diễn, khung cửa xe bể nát lởm chởm, chiếc loa rè để rao quảng cáo đêm diễn, bức tượng Phật được thành viên trong đoàn nâng niu mỗi khi hạ trại... Các chi tiết được liên kết để mọi người thấy rõ cái nghèo khó của gánh hát rong, cũng như đức tin, điểm tựa tinh thần nơi thành viên trong đoàn bấu víu khi gặp nạn.
Chi tiết miêu tả con người và vật trong phim để lại nhiều xúc động. Hai nhân vật chính được khắc họa trong phim là chủ gánh hát lô tô - chị Bích Phụng và chị Hằng - một người phụ trách hậu trường. Họ có ánh mắt buồn bã khi nói về nỗi khát khao được sống cuộc đời bình thường, nụ cười méo xệch nhưng vẫn giữ được chút tếu táo, lạc quan. Hoặc có những phút họ đắm mình trong âm nhạc, thoáng chốc quên đi hình hài "nửa trai nửa gái" để được thấy mình tỏa sáng dù là trên sân khấu tuềnh toàng...
Chị Bích Phụng và chị Hằng là hai nhân vật có nhiều tâm sự về cuộc đời họ. Họ hiểu rõ số phận từ lúc sinh ra. Mong ước được làm người đàn bà thực sự, có người yêu, có chồng con... trong hình hài đàn ông là giấc mơ quá đỗi xa vời. Nhận sự kỳ thị từ những người xung quanh mình, họ chỉ biết dựa vào điểm khác biệt này để kiếm ăn qua ngày. Sâu bên trong, họ vẫn là những con người bình thường với yêu, ghét, giận hờn... vẫn biết sống dựa vào nhau có tổ chức, đụng chuyện va chạm thì chờ công an giải quyết, tôn trọng pháp luật và tinh thần hào hiệp.
Chuyen di cuoi cung cua chi Phung
 Poster phim tài liệu "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng".
Ngoài ra, còn nhiều nhân vật khác như chị Ngọc Phụng, các cô gái trẻ bán vé, những thanh niên theo đoàn dựng lều rạp, đứa bé canh vòng quay ngựa gỗ... Theo họ là con bọ mồi cho các trò chơi, con chó mẹ và đàn chó con. Người và vật cùng quây quần sống chung với nhau trong cuộc mưu sinh.
Phim có vài cảnh xung đột khi đoàn hội chợ va chạm với những đám thanh niên gây gổ trong làng nơi họ đến diễn. Ở xung đột đầu tiên, ngay cả khi đoàn đang hoảng loạn tìm cách chạy trốn để chờ công an đến cứu, nữ đạo diễn - người trực tiếp ôm máy quay - vẫn tiếp tục ghi lại khung cảnh bất chấp nguy hiểm rình rập. Hình ảnh xung đột cuối phim là một đám cháy lớn. Nhưng lần này, ngoài tiếng la thất thanh của các chị trong đoàn muốn cứu đàn chó đang nằm dưới gầm giường, cảnh ghi hình mau chóng tắt lịm.
Nhớ lại khoảnh khắc này, Nguyễn Thị Thắm kể, khi cô đang quay cảnh mọi người chạy vì đám cháy thì có người trong đoàn bất ngờ trách cô "quay gì mà quay hoài vậy". Từ một người đứng ở phía những người bị nạn, Thắm thấy như mình bị gạt ra khỏi môi trường mà trước đó họ chấp nhận mình. Cô chỉ còn biết chui vào một góc cùng mọi người chờ đến khi trời sáng. Người thật, việc thật, cảm xúc thật... là những điều mang đậm dấu ấn trong phim.
Bộ phim tài liệu này được Nguyễn Thị Thắm bắt tay quay từ tháng 10/2010. Sau khoảng thời gian dài trở thành người của đoàn hát, rong ruổi khắp nơi để cùng ăn, cùng ngủ, cùng lắng nghe những tâm sự, cùng họ trải qua những biến cố, Thắm đóng máy khi có đủ tư liệu sống động để khán giả có được cái nhìn về chân dung những con người bị cho là dị biệt trong xã hội. 7 tháng sau khi cô đóng máy, vào khoảng tháng 5/2011, chị Bích Phụng và chị Hằng đều qua đời vì HIV-AIDS.
Xem bộ phim nhiều lần, diễn viên Hồng Ánh vẫn tâm đắc chia sẻ: "Làm phim tài liệu rất khó, nhất là việc đạo diễn lúc nào cũng kè kè máy quay theo bên người cũng dễ tạo cảm giác không thật và phòng thủ cho nhân vật trong nhiều tình huống. Thế nhưng, Thắm có tài ở chỗ đã lấy được niềm tin của nhân vật, hòa nhập vào cộng đồng họ đang sống giúp cho những khung hình mượt hơn. Tôi nể phục là Thắm đã làm cho các chị quen với hình ảnh của mình đến mức không có sự giấu diếm".
Chuyen di cuoi cung cua chi Phung
 Cindy Thái Tài xúc động chia sẻ cảm nhận về bộ phim tài liệu.
Ở suất chiếu đầu tiên tại cụm rạp BHD, TP HCM vào ngày 9/12, ca sĩ Cindy Thái Tài bật khóc khi phim khép lại. "Có một chi tiết ở bộ phim này khiến tôi ấn tượng bởi tôi từng nhiều lần chứng kiến nó ngoài đời, và ngay chính bản thân cũng là nạn nhân. Đó là cảnh cô gái rất xinh trong đoàn lô tô đi rao bán vé cho khách. Có một người thanh niên khuôn mặt trông rất khôi ngô, dù biết thân phận người ta, vẫn cố tình trêu chọc hỏi: Anh tên gì? . Liệu những cách hành xử như vậy có công bằng với chúng tôi hay chưa? Mỗi khi những người chuyển giới gặp chuyện không may, họ thường phải nhận những lời như chúng mày là pê đê, bóng lại cái, bị như vậy là đáng lắm rồi . Bản thân tôi từng bị như vậy nên tôi rất hiểu những gì các chị trong gánh hát phải chịu đựng", Cindy Thái Tài bộc bạch.
Theo tìm hiểu của công ty Hồng Ánh, hiện trong nước có hơn 100 đoàn lô tô hội chợ hoạt động như đoàn Bích Phụng khắp các tỉnh thành, nhất là những vùng sâu vùng xa. Chính họ là những người một phần mang đời sống văn hóa tinh thần đến cho người dân vùng quê nghèo. Tuy vậy, họ hoạt động không có giấy phép, không chuyên môn. Các chị trong cộng đồng LGBT cũng không có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân. Họ cũng không ý thức được việc phải thăm khám bệnh và chữa bệnh định kỳ. Vì thế, với việc nỗ lực đưa bộ phim này đến với công chúng, những người thực hiện hy vọng góp thêm tiếng nói giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người đồng tính, người chuyển giới.
Sau các suất chiếu thành công ở TP HCM dịp cuối tuần qua, Hồng Ánh và êkíp quyết định tăng thêm suất chiếu cũng như lên lịch mang phim ra Hà Nội để giúp tác phẩm tiếp cận với khán giả thủ đô. (xem lịch chiếu chi tiết)
Là một bộ phim tài liệu dài nhưng Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tiếp cận khán giả thông qua những trung tâm văn hóa, sân khấu giới hạn chỗ ngồi như Idecaf (TP HCM) hay L Espace (Hà Nội) thay vì các rạp chiếu lớn. Đây cũng là một thử nghiệm mới trong khâu phát hành phim tại Việt Nam để những bộ phim ít tính giải trí nhưng có giá trị cao về nghệ thuật có thể đến được với công chúng, hơn là chiếu vài ba suất ngắn ngủi, khung giờ xấu ở các hệ thống rạp chiếu lớn rồi bị thay thế bằng các phim bom tấn hay phim hài. 

Theo VNExpress

Một Thế Giới