Nam tính nữ tính và tự do thể hiện của giới trẻ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:17, 30/11/2014

Bình đẳng giới và tự do thể hiện giới là chủ đề luôn nóng vì nó liên quan đến tất cả mọi người, đặc biệt giới trẻ. Quan niệm về nam tính, nữ tính và ảnh hưởng của nó đến quyết định của người trẻ trong tình yêu, gia đình, và công việc rất quan trọng. Với các nhà hoạt động xã hội, một câu hỏi lớn được đặt ra là người trẻ hiện nay quan niệm thế nào về nam tính, nữ tính và liệu các khuôn mẫu và định kiến giới có còn là rào cản cho tự do thể hiện của người trẻ khi xã hội ngày càng tự do hơn, người dâ
Một nghiên cứu trực tuyến trên 2,200 người trẻ tuổi từ 14 đến 30 của Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE), Quỹ châu Á và trung tâm CGFED tiến hành năm 2013 cho thấy 60% người trẻ cho rằng phụ nữ phải có nữ tính như dịu dàng, khéo léo, chăm chỉ và an phận, còn nam giới phải có nam tính như mạnh mẽ, quyết đoán, nóng tính và hào phóng. Đây là những tố chất mong đợi, làm kim chỉ nam để thanh niên thể hiện con người mình. Chính vì vậy, những bạn nam có nhiều nữ tính hoặc các bạn gái có nhiều nam tính bị coi là “lệch chuẩn”, “bất thường” và cha mẹ cần uốn nắn. Trong trường học và công sở, nhiều khi họ còn bị trêu chọc, thậm chí bị tẩy chay. 
Nghiên cứu cho thấy việc tuân thủ khuôn mẫu giới còn rất mạnh trong giới trẻ vì bản thân họ cũng tin rằng việc tuân thủ chuẩn mực giới có lợi cho mình. Có tới 75-80% cả nam và nữ đều cho rằng nam tính và nữ tính ảnh hưởng đến khả năng tìm người yêu hoặc khả năng dành được cảm tình của những người xung quanh. Có nghĩa người nữ có nữ tính sẽ dễ tìm bạn trai hơn người nữ có nam tính và ngược lại. Điều này cũng được thể hiện qua nghiên cứu khi có đến 76% nữ thanh niên tìm kiếm sự mạnh mẽ và bản lĩnh ở bạn trai/chồng trong khi chỉ có 20% nam thanh niên mong bạn gái/vợ có đặc tính này. Tương tự như vậy, có 60% nam giới tìm kiếm sự khéo léo ở bạn gái/vợ nhưng chỉ có 11% nữ giới mong bạn trai/chồng mình có đặc tính khéo léo. 
gioi tre
 Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, đa số người trẻ cho rằng lãnh đạo phải có những đặc điểm nam tính (mạnh mẽ và quyết đoán), và như vậy có sự trùng lặp giữa “nam tính” và “lãnh đạo tính”. Điều này mang lại lợi thế cho nam giới vì từ nhỏ nam giới đã được khuyến khích để thể hiện nam tính của mình. Những người phụ nữ lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán thì bị chê là “thiếu nữ tính”, ngược lại nếu họ dịu dàng và khéo léo thì bị chê là “không có oai lãnh đạo”. 
Nghiên cứu cũng cho thấy có 66,6% nam giới và 72,5% nữ giới được hỏi không thấy có vấn đề gì về việc tỉ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ở Việt Nam rất thấp. Theo họ, đây không phải là bất bình đẳng giới, mà do bầu lãnh đạo phải bầu theo năng lực chứ không bầu theo giới tính. Như vậy, đa số người trẻ chưa thấy chính những giá trị “trọng nam khinh nữ” hay sự đồng nhất “nam tính” và “lãnh đạo tính” đã góp phần tạo nên sự bất bình đẳng giới trong lãnh đạo mà phần thiệt thuộc về phụ nữ. 
Ngoài việc nam tính và nữ tính ảnh hưởng đến cơ hội làm lãnh đạo, thanh niên cũng tin nữ tính và nam tính có ảnh hưởng đến khả năng xin việc của họ. Có tới 60% người được hỏi tin rằng nữ tính và nam tính giúp họ dễ xin việc hơn và cho họ nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Niềm tin này đã ảnh hưởng và điều chỉnh hành vi của họ khi đi phỏng vấn xin việc, cũng như khi đi làm. 
Bên cạnh đó, có sự phân định khá rõ ràng giữa nghề nghiệp nào phụ nữ nên làm, nghề nghiệp nào nam giới nên làm. Theo nghiên cứu, những nghề người trẻ cho là “trung tính” hợp với cả nam và nữ là bác sĩ, chuyên gia kinh tế, doanh nhân, hoặc giáo viên đại học; nghề “nữ tính” hợp với phụ nữ là nhân viên văn phòng, thợ may, giáo viên tiểu học, buôn bán nhỏ, và nội trợ; những nghề “nam tính” hợp với đàn ông là quan chức cấp cao, lập trình viên, cảnh sát. Nhìn vào danh mục cho thấy những nghề được cho là hợp với phụ nữ thường có thu nhập thấp hơn khá nhiều so với những nghề hợp với nam giới. Đây chính là cội nguồn của bất bình đẳng thu nhập và vị thế xã hội giữa nam và nữ. 
Về thể hiện giới và chăm sóc cơ thể, đa số thanh niên (trên 90%) chấp nhận việc phụ nữ sử dụng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp/spa, trang điểm, dùng kem dưỡng, và đeo khuyên tai. Trong khi đó, chỉ có khoảng 20% đến 30% thanh niên chấp nhận nam giới làm những việc này. Như vậy, việc làm đẹp vẫn là độc quyền của phụ nữ, còn nam giới thì theo thanh niên chỉ được chấp nhận tập thể dục thể thao, cùng lắm là ăn kiêng giảm cân hoặc dùng nước hoa. 
Trong nghiên cứu, có một xu thế là phụ nữ ủng hộ các giá trị giới truyền thống hơn nam giới. Ví dụ, trong hẹn hò có tới 54% phụ nữ muốn đàn ông phải là người chủ động trong khi chỉ có 47% nam giới nghĩ như vậy. Trong quan hệ tình dục, 40% nữ cho rằng nam phải chủ động trong khi chỉ có 34% nam giới nghĩ như vậy. Trong thu nhập, 56% phụ nữ muốn người yêu/chồng mình có thu nhập cao hơn, trong khi tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 19%. Như vậy, phụ nữ dường như vẫn muốn mình bị động và phụ thuộc vào người yêu/bạn đời của mình. 
Như vậy định kiến giới vẫn còn đeo bám rất sâu trong người trẻ Việt Nam và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và quyết định của giới trẻ trong tình cảm, cuộc sống và công việc. Đặc biệt, người trẻ tin vào tác động tích cực của việc tuân thủ khuôn mẫu giới trong việc tìm kiếm người yêu, công việc, cũng như khả năng thăng tiến và làm lãnh đạo. Đây chính là rào cản lớn nhất cho việc xóa bỏ định kiến giới vì người trẻ đang tin, thực hành theo khuôn mẫu giới. Bên cạnh đó, dường như nữ giới là người đang níu kéo các giá trị truyền thống mạnh hơn nam giới. Điều này một lần nữa cho thấy cả nam giới và phụ nữ cần tham gia vào công cuộc xóa bỏ bất bình đẳng giới để mọi người đều có quyền tự do thể hiện giới, lựa chọn công việc cũng như chăm sóc cơ thể theo mong muốn của mình. 
Theo Lê Quang Bình (Người Đô Thị)

Một Thế Giới