Facebook kiên quyết giữ qui định về tên người dùng dù bị lên án
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 21/09/2014
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của hàng ngàn 'drag queen' tại Mỹ về qui định buộc người dùng phải sử dụng tên thật, trang mạng xã hội Facebook vẫn không hề có dấu hiệu lùi bước.
Trong mấy tuần qua, Facebook đã xóa nhiều trang cá nhân của các "drag queen" (nam ăn mặc như nữ và thường là người chuyển giới) cũng như các nghệ sĩ giải trí khác vì không thỏa mãn điều kiện sử dụng "tên thật" của trang này.
Thứ 4 tuần này, Facebook từ chối hủy bỏ qui định này trong một buổi đối thoại với các "drag queen" và những thành viên hội đồng giám sát của thành phố San Francisco. Đại diên Facebook nói rằng những tài khoản sử dụng tên giả chỉ bị xóa sau khi hãng đã kiểm tra các ý kiến phản hồi tiêu cực của người dùng. Tuy nhiên, họ đồng ý sẽ tạm thời khôi phục hàng trăm tài khoản đã bị hủy trong vòng hai tuần. Sau đó, người sử dụng sẽ phải đổi lại tên thật của mình hoặc chuyển trang cá nhân của mình thành một trang dành cho fan hâm mộ.
Buổi gặp mặt diễn ra vào thứ 4 |
David Campos, một giám sát viên ủng hộ quyền lợi của các drag queen đã phát biểu: "Qui định này thật sai lệch".
Những "drag queen" này cũng như rất nhiều người sử dụng thuộc cộng đồng LGBT khác cho rằng nhiều người ngại sử dụng tên thật trên Facebook vì rất nhiều lý do, chẳng hạn như là lý do an toàn, lý do nghề nghiệp…
Một "drag queen" tên Heklina phát biểu: "Trong gia đình tôi có rất nhiều người khó chịu nên tôi không muốn có bất kì liên hệ với họ trên Facebook".
Ông Campos và các thành viên đứng đầu của Sisters of Perpetual Indulgence - một nhóm nghệ sĩ "drag queen" và hoạt động xã hội của San Francisco ra đời từ năm 1979 - cho biết họ sẽ gặp đại diện của Facebook thêm một lần nữa với hy vọng hủy bỏ qui định này. Nếu không, họ sẽ tổ chức biểu tình phản đối.
"Phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị bắt nạt, những người chuyển giới…và hàng triệu con người với hàng triệu lý do buộc họ phải sử dụng tên giả", Sister Roma, một thành viên của Sisters of Perpetual Indulgence phát biểu.
Tuy nhiên, Facebook lại cho rằng nhờ quy định trên mà có thể "giúp phòng ngừa những hành vi không hay để xây dựng một môi trường an toàn và đáng tin cậy hơn". Ngoài ra, những nghệ sĩ này còn nhiều cách khác để giữ được nghệ danh của mình, chẳng hạn như lập những trang dành riêng cho hoạt động kinh doanh hay dành cho người nổi tiếng.
Rất nhiều "drag queen" là những nghệ sĩ chuyên nghiệp và họ đều dựa vào Facebook để thông báo về các chương trình biểu diễn của mình. Với họ thì các trang dành cho người hâm một khác hẳn với trang cá nhân.
"Phạm vi của các trang này rất hạn chế", Rosa Sifuentes, một vũ công được biết đến với tên gọi "Bunny Pistol" phát biểu.
Điều lệ này không phải chỉ mới ra đời gần đây, mà đã có từ những ngày đầu mạng xã hội này hoạt động. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên nó bị chỉ trích.
Những lời than phiền còn đến từ nhiều nhà hoạt động xã hội, đặc biệt là những người đang sinh sống tại những quốc gia mà nếu danh tính bị tiết lộ, họ sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Trong năm 2011, Michael Anti, một blogger và nhà hoạt động chính trị người Trung Quốc tên thật là Zhao Jing, đã bị hủy tài khoản mặc dù anh là một nhân vật đã hoạt động hơn mười năm và được rất nhiều người biết đến. Ngay cả Lady Gaga cũng phải lùi bước mà cho đăng tên thật Stefani Joanne Angelina Germanotta của mình trên trang Facebook của cô.
Không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng quyết định cái tên nào là thật. Rất nhiều người có những cái tên thật hơi lạ một chút cũng bị hủy tài khoản.
Với Facebook, qui định về tên gọi này không chỉ là để hãng dễ quản lý người sử dụng hơn mà còn nhằm giảm thiểu tình trạng ứng xử kém trên mạng. Và qui định này cũng nhằm hướng đến mục tiêu 1.32 tỷ người dùng của hãng.
Trong năm 2013, Facebook ước tính hàng tháng, có đến 6 -11 % tài khoản giả hoặc bị trùng lập. |
Facebook đã viết trong một tờ tường trình cho Ủy ban Giao dịch và Chứng khoáng như sau: "Chúng tôi tin rằng các tài khoản giả hoặc bị trùng đều không xuất phát từ các thị trường đã phát triển như Mỹ hay Anh mà là từ các thị trường mới như Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, số liệu này chỉ dựa vào việc kiểm tra một số tài khoản mẫu nên không thể đưa ra kết luật hoàn toàn chính xác về việc xác nhận tính chân thật của tên người dùng cũng như các hành xử không phù hợp khác".
Toàn Tăng (Theo Huffington)