Hàng triệu người đồng tính có nguy cơ đứng ngoài luật
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:47, 28/05/2014
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIII, vấn đề hôn nhân đồng giới đã được nhiều đại biểu thảo luận rất sôi nổi dù đa số các ý kiến tại kỳ họp thứ 6 đều cho rằng chưa nên công nhận hôn nhân đồng giới mà cần nghiên cứu một lộ trình cụ thể.
Ông Dương Đặng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - Bộ Tư pháp, cũng là thành viên ban soạn thảo từng khẳng định: “Nhiều ý kiến băn khoăn việc chúng ta không cấm nhưng không thừa nhận, nhưng tôi cho rằng đây là một quan điểm rất thoát, rất tiến bộ, chúng ta không coi hôn nhân đồng giới là điều cấm kỵ, tôn trọng quyền con người, đó là những thay đổi lớn”.
Nhiều người đồng tính cho rằng, đây là bước đầu để hôn nhân cùng giới tính sẽ được nhìn nhận cởi mở hơn. Tuy vậy, nội dung này đã bị đưa ra khỏi điều 16 trong lần Dự thảo luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) được đưa ra tại kỳ họp thứ 7 trình Quốc hội thông qua.
Tại phiên thảo luận chiều 27.5, nội dung điều chỉnh liên quan đến người đồng tính và hôn nhân đồng giới gần như không được nhắc đến khi chỉ có duy nhất một đại biểu đoàn nghệ an – đại biểu Lê Thị Tám đề cập đến vấn đề này.
Đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) |
Đại biểu Lê Thị Tám cũng đưa ra kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, bà cho biết: Tính đến tháng 8 năm 2013 có 16 nước đã công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, 17 nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính.
Đại biểu Lê Thị Tám cho rằng: “Trên thực tế ở Việt Nam chúng ta hiện nay vấn đề đồng tính đang diễn ra hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự. Ví dụ một số án mạng hết sức man rợ liên quan đến người đồng tính gần đây. Vấn đề mại dâm đồng tính cũng đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Chính vì những đòi hỏi thực tiễn như vậy một yêu cầu đặt ra là phải giải quyết các quan hệ mới nảy sinh trong thực tế khi chúng ta với tư cách là những nhà lập pháp”.
Từ quan điểm lập pháp và đảm bảo quyền con người cho một bộ phận không nhỏ những người đồng tính, đại biểu Lê Thị Tám đề nghị Quốc hội bổ sung một chương mới quy định về việc đăng ký sống chung giữa những người cùng giới tính, trong đó quy định mang tính chất nguyên tắc với các nội dung như điều kiện đăng ký sống chung, trình tự thủ tục đăng ký sống chung và giải quyết hệ quả nếu không sống chung nữa với nhau, quan hệ tài sản, quyền nuôi con (nếu có) và đưa ra 5 lý do cụ thể:
Thứ nhất, hiện nay chúng ta có thể thống kê được các chỉ số về dân số như tổng dân số nam bao nhiêu, nữ bao nhiêu, người trong độ tuổi lao động bao nhiêu, trẻ em bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta không thể thống kê được những người đồng tính, song tính và chuyển giới. Quy định về việc đăng ký sống chung giữa những người cùng giới tính sẽ góp cho nhà nước dễ quản lý, dễ tiếp cận đối tượng điều chỉnh từ đó giúp nhà nước hoạch định và ban hành các chính sách một cách đúng đắn trong tương lai.
Thứ hai đây là tiếng nói của Nhà nước, của nhân dân, là cơ sở pháp lý để góp phần không nhỏ giảm sự kỳ thị của dư luận xã hội đối với những người đồng tính, tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng xã hội và sống đúng với con người của mình, được thụ hưởng các chế định pháp luật bình đẳng.
Thứ ba góp phần làm giảm các vụ án hình sự liên quan đến người đồng tính và góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư là tạo hành lang pháp lý và có sự ràng buộc pháp luật giữa những người cùng giới tính sống với nhau để xác định tư tưởng tâm lý, nguyên tắc trách nhiệm thực thi pháp luật đúng đắn khi họ xác định về sống chung với nhau. Tôi rất thống nhất với quan điểm của đại biểu Phương vừa phát biểu trước tôi, đó là việc xây dựng pháp luật thì ngoài các chế định bắt buộc thì còn có ý nghĩa định hướng giáo dục, nếu điều chỉnh họ vào trong luật thì sẽ tạo cơ hội cho họ được thụ hưởng chính sách pháp luật một cách bình đẳng.
Thứ năm, quy định việc sống chung giữa người cùng giới tính sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết các hệ quả sống chung giữa người cùng giới tính nếu hủy đăng ký sống chung, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.
Kết luận phiên thảo luận chiều 27.5, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng chỉ điểm qua các ý kiến góp ý của đại biểu Lê Thị Tám về “các nội dung cấm và các việc liên quan đến việc đăng ký chung sống của người đồng giới” nhưng cũng không đưa ra ý kiến cụ thể.
Theo kế hoạch, Dự thảo luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII. Theo như Dự thảo được trình ra lần này, hàng triệu người đồng tính sẽ có nguy cơ đứng ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Tuấn Ngọc