Cộng đồng LGBT Việt Nam - 5 năm nhìn lại

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:19, 17/05/2014

Hãy cùng Một Thế Giới điểm lại những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong tiến trình xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội dành cho người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT (Đồng tính nam - nữ, song tính, chuyển giới) nói chung.
Tệ nạn xã hội?
Có thể chia tiến trình LGBT tại Việt Nam thành hai giai đoạn: trước năm 2008 và sau năm 2008. Trước năm 2008, "đồng tính" là một khái niệm còn khá mơ hồ đối với nhiều người. Hầu hết đều nhận định rằng "đồng tính" gắn liền với các tệ nạn xã hội như: giết người, lừa gạt, chiếm tài sản... Nguyên nhân chủ yếu là do giới truyền thông đã quá tập trung khai thác những góc tối của cộng đồng LGBT.
Sau một vài các đám cưới đồng giới diễn ra trong những năm 1997 - 1998, Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi vào năm 2000. Trong đó khoản 5 điều 10 ghi rõ: "Cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Thậm chí năm 2001 còn có các đề xuất kêu gọi liệt kê "đồng tính" vào danh sách các tệ nạn xã hội cần được loại trừ. Điều này minh chứng rằng đây là khoảng thời gian không lấy gì làm tốt đẹp đối với người đồng tính tại Việt Nam. 
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 Người dân từng xem người đồng tính gắn liền với tệ nạn xã hội (Ảnh minh họa)
Hầu như tất cả những người đồng tính đều phải che giấu xu hướng tính dục của bản thân. Mọi giao lưu tiếp xúc lẫn nhau chỉ được thực hiện thông qua các diễn đàn cộng đồng trực tuyến. Những tâm sự của người đồng tính trên các diễn đàn lúc đó mang nặng u buồn, cô độc, chán nản và bi quan. 
Trong xã hội, người dân thường kì thị, xa lánh những người đồng tính. Đa phần họ cho rằng đồng tính là một trào lưu, là biểu hiện của một lối sống thiếu lành mạnh và là sản phẩm du nhập từ phương Tây. 
Đến hôn nhân đồng giới
Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặc khá quan trọng cho cộng đồng LGBT Việt. Nhận được hỗ trợ từ Tổ chức Oxfam, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Môi trường (iSEE) đã triển khai một dự án với mục đích xóa bỏ kỳ thị và định kiến của xã hội đối với người đồng tính tại Việt Nam. 
Dự án này đã tập hợp được những đại diện của các diễn đàn LGBT trên cả nước và thành lập nên một nhóm hoạt động với tên gọi “Nhóm Chia sẻ và Kết nối Thông tin” (Information Connecting & Sharing – ICS). Một trong những hoạt động đầu tiên của dự án là chương trình tập huấn kiến thức về người LGBT cho giới truyền thông và báo đài tại Vịnh Hạ Long vào năm 2009.
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 
Các sáng lập viên của Nhóm Kết nối và Chia sẻ Thông tin (Tiền thân của Trung tâm ICS ngày nay)
Bằng chiến lược tiếp cận đúng đắn, dần dần các tờ báo lớn trong cả nước đã thay đổi cách nhìn nhận về người đồng tính và bắt đầu có những bài viết mang tính tích cực và cởi mở hơn. Cùng với sự thành công ban đầu của dự án, Viện iSEE và các tổ chức quốc tế đã tiếp tục hỗ trợ để phát triển nhóm ICS trở thành một tổ chức với sứ mệnh bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT Việt Nam. 
Đến năm 2011, Trung tâm ICS chính thức đi vào hoạt động với cơ cấu tổ chức được hoàn thiện bao gồm các nhân viên toàn thời gian cùng đội ngũ cộng tác viên và tình nguyện viên đông đảo. Từ năm 2008 – 2011 là khoảng thời gian mà Viện iSEE phối hợp với ICS để lên kế hoạch và chiến lược cho tiến trình xóa bỏ kỳ thị của xã hội đối với người LGBT. 
Cũng nhờ chiến lược truyền thông hiệu quả kết hợp với sự lan tỏa trên báo đài mà Trung tâm ICS dần được cộng đồng biết đến và tạo ra niềm tin về một tương lai tương sáng hơn trong chính những người LGBT. 
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 Sự kiện Thức tỉnh đón cầu vồng năm 2012
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 Việt Pride 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2012 và 2013 đánh dấu sự lớn mạnh và bùng nổ của cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Sự kiện LGBT Flashmob "Yêu là Yêu" trong tháng 10 quy tụ hơn 1.000 bạn trẻ tham gia đã tạo nên một tiếng vang lớn và cho thấy khát khao được sống thật của những người đồng tính tại Việt Nam. 
Hai sự kiện cộng đồng lớn trong năm kế tiếp là "Thức tỉnh đón Cầu vồng" (Tháng 5) và VietPride 2013 (Tháng 8) đã chứng minh được rằng người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng có ước mơ khát khao được công nhận và không còn phải chịu bất kỳ những định kiến, kỳ thị nào nữa. 
VietPride 2013 là lần đầu tiên cộng đồng LGBT diễu hành công khai và đầy tự hào trên đường phố ở khắp mọi miền đất nước. 
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 
Chính phủ Việt Nam đang xem xét Hôn nhân đồng giới. Trong ảnh: Đám cưới của cặp đôi Đức Nghị - Công Luận tại tỉnh Bình Phước năm 2014
Cũng trong năm 2013, một tin vui bất ngờ khác đã đến khi chính phủ Việt Nam xem xét khả năng công nhận hôn nhân đồng giới trong tiến trình sửa đổi Luật Hôn nhân & Gia đình. Tuy là một vấn đề còn mới đối với các nhà làm luật trong nước, nhưng rất nhiều các cơ quan, ban ngành đã lên tiếng ủng hộ quyền được kết hôn của người đồng tính. Điển hình là Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Đoàn Thanh niên... Rõ ràng rằng đây là một bước tiến vượt bậc của phong trào xóa bỏ sự kỳ thị và định kiến của xã hội dành cho người đồng tính. Đặc biệt hơn khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa hôn nhân đồng giới vào xem xét sửa đổi về mặt luật pháp. 
Từ việc gần như bị xem là một tệ nạn xã hội đến việc được chính phủ lên tiếng ủng hộ, tất cả chỉ mất gần 15 năm. Một bước nhảy vọt chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Xã hội Việt Nam cũng đã thay đổi một cách nhanh chóng, số lượng người công khai ủng hộ quyền bình đẳng không ngừng tăng lên từng ngày.
Cong dong LGBT Viet Nam - 5 nam nhin lai
 Chiến dịch ‘Tôi đồng ý’ ủng hộ bảo vệ quyền cho người đồng tính
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải sự thay đổi này, một phần xuất phát từ chiến lược đúng đắn của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự trong nước và một phần có thể từ nền văn hóa bao dung, yêu chuộng tự do, bình đẳng của người Việt Nam… Nhưng dù là vì lý do gì, Việt Nam cũng xứng đáng tự hào vì những gì đã đạt được trong cuộc chiến chống lại sự kỳ thị, phân biệt và định kiến mà hiện rất nhiều quốc gia khác vẫn còn đang phải đối mặt. 
Clip ICS - Một chặng đường (Nguồn ICS)
Clip LGBT và những người bạn (Nguồn ICS)
Anh Khang - Ảnh Internet

Một Thế Giới