Cặp đồng tính được xin thị thực di dân sang Mỹ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:59, 23/04/2014

Bạn là người Việt Nam, có mong muốn kết hôn hợp pháp với bạn đời cùng giới có quốc tịch Mỹ và sinh sống tại Mỹ. Đây là điều là hoàn toàn có thể.
Cuối tháng 6.2013, khi Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố Điều 3 trong Luật Bảo vệ hôn nhân (DOMA) là vi hiến, Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo các cơ quan liên bang phải bảo đảm quyền lợi cho những cặp vợ, chồng đồng tính đã thực hiện đám cưới hợp pháp. Một trong những quyền lợi đó là các cặp đôi đồng tính có quyền như nhau đối với các loại thị thực di dân tương tự như cặp vợ chồng dị tính. 
Ngày 1.7.2013, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Janet Napolitano cho biết "Tôi đã chỉ đạo Cơ quan Nhập tịch và Di trú (USCIS) xem xét hồ sơ xin cấp thị thực di dân của những cặp vợ chồng đồng tính tương tự như hồ sơ của các cặp vợ chồng dị tính". 
Cap dong tinh duoc xin thi thuc di dan sang My
 Công Khanh và Thái Nguyên - cặp đồng tính hợp pháp gốc Việt hiện sinh sống tại Canada
Trên website của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM giới thiệu Luật Bảo vệ Hôn nhân Bổ sung (có hiệu lực ngay lập tức) như sau: “Vợ chồng đồng tính và các con của họ có quyền như nhau đối với các loại thị thực di dân, như các thành viên phụ thuộc khác trong gia đình. Vợ chồng đồng tính của công dân Mỹ, hoặc của thường trú nhân Mỹ (LPR), có thể xin thị thực di dân sau khi được Sở Di trú Mỹ chấp thuận trên mẫu I-130. 
Con nuôi được nhìn nhận thông qua cuộc hôn nhân đồng tính cũng có quyền tương tự như con nuôi của hôn nhân giữa vợ chồng khác giới tính. 
Vợ chồng đồng tính (cùng các con ruột hoặc con nuôi hợp pháp) cũng có thể hội đủ điều kiện như các thành viên phụ thuộc đối với các loại thị thực làm việc, thành viên gia đình đi cùng hoặc đi sau đó”. 
Cụ thể hơn, website Đại sứ quán Mỹ cho biết: “Hôn nhân đồng tính hợp lệ cho mục đích di dân ngay cả khi hai vợ chồng dự định định cư tại một trong 37 tiểu bang thuộc Mỹ hiện chưa công nhận hôn nhân đồng tính”.  
Cap dong tinh duoc xin thi thuc di dan sang My
 Ảnh minh họa
Trong trường hợp người chồng (hoặc vợ) là công dân của một quốc gia chưa công nhận hợp pháp hôn nhân đồng tính (trong đó có Việt Nam) thì sứ quán Mỹ cũng giải thích rõ: “Hiệu lực của hôn nhân tuỳ thuộc vào sự nhìn nhận hợp pháp của hôn nhân đồng tính tại nơi đăng ký kết hôn, mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của đương đơn” và “Hôn nhân đồng tính cũng có hiệu lực khi đương đơn xin visa tại các quốc gia coi hôn nhân đồng tính là bất hợp pháp”. 
Đối với những người chưa thực hiện đăng ký hôn nhân đồng tính hợp pháp do rào cản pháp luật tại nước sở tại thì sao? Đây là một trong những câu hỏi thường trực được giải thích trên website USCIS; theo đó, đối với những cặp đôi chưa kết hôn nhưng đã hứa hôn, thì có thể chọn hồ sơ bảo lãnh diện hôn phu/hôn thê theo mẫu đơn I-129F. "Nếu những điều kiện di trú khác cũng được bảo đảm thì hôn phu, hôn thê của công dân Mỹ có thể được nhập cảnh Mỹ để tổ chức đám cưới". 
Luật DOMA bổ sung ngay lập tức đã xóa bỏ cánh cổng ngăn cách những công dân Mỹ và bạn đời nước ngoài. Hồi đầu năm nay, như Một Thế Giới đã đưa tin, Maria Cecilia Limson Gahuman là người phụ nữ đầu tiên được cấo visa với vị hôn phu đồng tính là Carla Antonio (người Mỹ) tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila. Hai người đã yêu nhau được 10 năm và lễ thành hôn của họ được tổ chức tại Quãng trường Tự do ở Santa Clara, California vào cuối năm 2013 (Đọc thêm: Chính phủ Mỹ lần đầu tiên cấp visa bảo lãnh cho cặp đôi đồng tính nữ ở Phillipines)
Cap dong tinh duoc xin thi thuc di dan sang My
 Cặp đồng tính nữ tại Phillipines
Hồi tháng 8.2013, hai cặp Sergey Shepshelevich và Alexander Polyakov cùng với Elad ben-Yosef và Idan Frumin là những cặp đồng tính đầu tiên tại Israel được Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv cấp thị thực để được làm việc tại Mỹ. Trước đây, Microsoft đã bảo lãnh để Ben-Yosef được cấp thị thực làm việc tại Mỹ nhưng Frumin thì không, do vậy anh được xem như khách du lịch nếu muốn đến Mỹ. Với sự thay đổi của DOMA, cả hai đã được nhận thị thực đến Mỹ để làm việc. Là đương đơn phụ thuộc, Frumin có thể ở cùng với Ben-Yosef tại Mỹ để học tập hoặc tìm việc (dù cần sự phê chuẩn của Bộ An ninh Nội địa), trong khi thị thực du lịch giới hạn thời gian cư trú và không cho phép đi làm hoặc học tập.
Nói về việc trao thị thực cho các cặp đồng tính Israel, Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro phát biểu trên báo Haaretz rằng: "Quyền lợi của người đồng tính cũng là nhân quyền. Chính sách thị thực mới của chúng tôi là một bước tiến quan trọng". 
Cảnh Toàn (Ảnh Internet)

Một Thế Giới