Tranh cãi: Người chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh nam hay nữ?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 28/11/2015

Mặc dù chính phủ Mỹ đã ban hành những sắc lệnh và văn bản hướng dẫn, nhưng hàng chục ngàn người chuyển giới ở nước này vẫn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Đặc biệt, trong vấn đề sử dụng nhà vệ sinh, người chuyển giới cũng gặp khó khăn trong việc được sử dụng nhà vệ sinh đúng với giới tính sau khi chuyển giới của mình.
Chính quyền: Đảm bảo quyền bình đẳng của người chuyển giới
Chính quyền Mỹ đã đề nghị các công ty ở nước này cho phép những nhân viên chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh đúng với giới tính của họ sau khi chuyển giới. Đây được cho là một chính sách mới trong nỗ lực đảm bảo quyền bình đẳng cho người chuyển giới, theo tờ The Washington Post (Mỹ).
Cơ quan quản lý Y tế và An toàn Lao động Mỹ (OSHA) hồi tháng 6.2015 đã ra văn bản “Hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh cho người lao động chuyển giới” gửi đến tất cả doanh nghiệp trên nước Mỹ.
“Hạn chế hoặc không cho phép người lao động chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh đúng với giới tính của họ sau khi phẫu thuật chuyển giới có thể khiến họ cảm thấy bất an” - OSHA, là một đơn vị trực thuộc Bộ Lao động Mỹ, cho hay.
Tại một số doanh nghiệp, “câu hỏi được đặt ra là người lao động chuyển giới nên sử dụng nhà vệ sinh nam hay nữ”, OSHA giải thích và hướng dẫn: “Một người nhân dạng là đàn ông nên được sử dụng nhà vệ sinh nam, và một người được nhận dạng là phụ nữ nên sử dụng nhà vệ sinh nữ”.
OSHA cho biết việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là quyền dân sự mà là vấn đề an toàn và sức khỏe phải được luật pháp bảo vệ. Chẳng hạn, nếu một người phụ nữ chuyển giới (tức nam phẫu thuật chuyển giới thành nữ) bị buộc phải sử dụng nhà vệ sinh nam thì cô ấy cảm thấy không an toàn, có thể bị tấn công tình dục.
Nếu một người chuyển giới cảm thấy đồng nghiệp cản trở họ sử dụng đúng nhà vệ sinh theo đúng giới tính sau khi chuyển giới thì họ có thể né tránh dùng nhà vệ sinh trong lúc làm việc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, theo OSHA.
Tranh cãi gay gắt tại trường học và doanh nghiệp
Tuy nhiên, việc người chuyển giới nên sử dụng nhà vệ sinh nào hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt tại các trường học và doanh nghiệp, OSHA thừa nhận. Chính vì lẽ đó, OSHA chỉ ra văn bản hướng dẫn, theo đó dừng lại ở mức “kêu gọi” chứ không phải ra luật hay quy định áp đặt tất cả doanh nghiệp phải tuân theo.
Các nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền cho người chuyển giới ở Mỹ cho hay những người chuyển giới phải đối mặt với đủ kiểu phân biệt đối xử nơi làm việc, việc sử dụng nhà vệ sinh là một trong số những vấn đề nhức nhối nhất.
“Người chuyển giới ở khắp nước Mỹ bị phân biệt đối xử trong vấn đề sử dụng nhà vệ sinh”, bà Sarah Warbelow, giám đốc pháp lý của tổ chức bảo vệ quyền người chuyển giới và đồng tính - Human Rights Campaign (Mỹ), cho hay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2014 đã ký thông qua một sắc lệnh cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng nhân sự đối với những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới.
Nhà Trắng cũng cho xây thêm những nhà vệ sinh dạng "một người sử dụng” và một số doanh nghiệp cũng đã làm theo động thái của Nhà Trắng.
OSHA dẫn lại số liệu của Viện Williams thuộc Đại học California ước tính có 700.000 người chuyển giới (trên 18 tuổi) ở Mỹ.
Tranh cai: Nguoi chuyen gioi su dung nha ve sinh nam hay nu?-hinh-anh-1
Nhà vệ sinh đặc biệt phục vụ tất cả các giới tính và người khuyết tật ở Đại học California - Ảnh: Reuters
Theo The Washington Post, Phòng Thương mại Mỹ, cơ quan đại diện cho trên 3 triệu doanh nghiệp lớn và nhỏ tại quốc gia này, được cho là không mấy ủng hộ OSHA.
“Đây chỉ là văn bản hướng dẫn. Nó không phải là luật và chúng tôi xin miễn bình luận”, người phát ngôn Phòng Thương mại Mỹ Blair Holmes cho biết.
Hồi tháng 6.2015, Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng Mỹ (EEOC) đã gửi đơn kiện Công ty dịch vụ tài chính Deluxe (Mỹ) ở bang Minnesota (Mỹ) vì công ty này không cho phép một người phụ nữ chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh nữ.
Theo đơn kiện của EEOC, đại diện cho người phụ nữ chuyển giới Britney Austin, các quản lý và nhân viên của Deluxe bị cáo buộc trêu chọc Austin là đàn ông và ngăn không cho cô sử dụng nhà vệ sinh nữ. Đây là đơn kiện đầu tiên của EEOC đại diện cho một phụ nữ chuyển giới chống lại một doanh nghiệp tư nhân Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 4.2015, EEOC ra văn bản kiến nghị, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho một nhân viên chuyển giới tên Tamara Lusardi. Lusardi là một thương binh đã làm phẫu thuật chuyển giới từ nam thành nữ vào năm 2010 trong lúc vẫn còn làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Nhưng, cấp trên luôn gọi Lusardi là “anh” và buộc cô ấy không được sử dụng nhà vệ sinh nữ.

Phúc Duy/ Thanh Niên

Một Thế Giới