Cặp đôi đồng tính có nên nuôi con?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 00:01, 30/06/2015
Nhiều người phản đối cho phép các cặp đôi đồng tính nuôi con vì lo sợ đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành đồng tính, hoặc phát triển lệch lạc, không tốt như những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình dị tính “có bố và có mẹ”.
Tuy nhiên, nếu hiểu về xu hướng tính dục là sự hấp dẫn về tình cảm, tình yêu và tình dục, và là tự nhiên, không thể lựa chọn, hoặc “bị lây”, thì có nghĩa các đứa trẻ lớn lên trong gia đình đồng tính sẽ phát triển là chính nó. Nếu nó là đồng tính, nó sẽ là đồng tính; là dị tính thì sẽ là dị tính. Điều này cũng giống như những đứa trẻ đồng tính, sinh ra và lớn lên trong các gia đình dị tính (có bố và có mẹ), vẫn là một người đồng tính.
Một lý do nữa cũng được sử dụng, đặc biệt là ở Mỹ, để ngăn chặn quyền nuôi con của các cặp đôi đồng tính, đó là nguy cơ trẻ bị lạm dụng tình dục. Dẫn đầu phong trào này, Dailey (Hội đồng nghiên cứu Gia đình) và Cameron (Viện nghiên cứu gia đình) ở Mỹ, cho rằng vì có tới 1/3 ca ấu dâm được ghi nhận là giữa đàn ông và bé trai, nên họ kết luận, những người đàn ông này phải là người đồng tính, và như vậy thì tỉ lệ người đồng tính có hành vi ấu dâm rất cao. Chính vì vậy, cần phải ngăn chặn việc để cho các cặp đôi đồng tính, đặc biệt đồng tính nam nuôi con.
Ảnh: cổ động viên nhí cho ngày hội “thức tỉnh để đón cầu vồng” ủng hộ quyền của người đồng tính ở Hà Nội |
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã khẳng định ấu dâm là một xu hướng độc lập, không liên quan đến xu hướng tính dục đồng tính. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, đa số những người đàn ông ấu dâm với trẻ em nam là người dị tính, hoặc không có phản ứng tình dục với người trưởng thành, chứ không phải là người đồng tính. Năm 2002, Hội nhi khoa Hoa Kỳ đã ủng hộ quyền nhận con nuôi của các cặp đôi đồng tính. Năm 2004, Hội tâm lý học Hoa Kỳ tuyên bố “không có bằng chứng khoa học nào chứng minh có sự khác biệt trong việc nuôi dậy con cái của các cặp đôi đồng tính: các cặp cha mẹ đồng tính nữ và đồng tính nam cũng tương tự như các cặp cha mẹ dị tính, cung cấp một môi trường lành mạnh và hỗ trợ cho trẻ nhỏ.” Liên đoàn vì phúc lợi trẻ em Hoa Kỳ, năm 2004 cũng ra tuyên bố, “tất cả các tổ chức chuyên môn chính thống về sức khỏe và phúc lợi trẻ em, đồng ý rằng không có cơ sở nào để loại bỏ người đồng tính nam và đồng tính nữ ra khỏi việc nhận con nuôi.”
Về sự phát triển của trẻ trong các gia đình đồng tính, có rất nhiều nghiên cứu, bao gồm cả Hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, năm 2006 đã kết luận không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ, khi trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính. Trong thực tế, sự phát triển và hạnh phúc của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa trẻ và người lớn, chứ không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình, hay giới tính hoặc xu hướng tính dục của cha mẹ. Giáo sư Judith Stacey của trường Đại học New York đã thống kê khoảng 50 nghiên cứu khác nhau về chủ đề này, và tất cả đều cho thấy trẻ em lớn lên trong gia đình đồng tính không khác so với trẻ em lớn lên trong gia đình dị tính.
Như vậy, các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra việc một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Câu hỏi đặt ra, tại sao vẫn có nhiều người phản đối việc cho phép cặp đôi cùng giới nuôi con?
Những người phản đối các cặp đồng tính nuôi con, thường là những người kỳ thị đồng tính, hoặc phản đối hôn nhân cùng giới. Sự kỳ thị này chủ yếu do quan hệ cùng giới đi ngược lại những giá trị tôn giáo, hoặc truyền thống của họ. Đa số những người này cho rằng, thà để đứa trẻ mồ côi trong nhà tế bần, hơn là cho nó vào một gia đình đồng tính. Việc một đứa trẻ được nuôi nấng bởi hai người đồng tính là tội ác, vì để trẻ tiếp xúc và tiêm nhiễm những giá trị sai trái và tội lỗi.
Các nghiên cứu về xã hội học cho thấy, đa số mọi người đồng ý những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình đồng tính, cũng phải có quyền như những đứa trẻ được nuôi trong các gia đình dị tính. Điều này có nghĩa, cha mẹ của trẻ cũng phải có quyền như nhau. Như vậy, việc cho phép các cặp đôi đồng tính nhận con nuôi, cũng đồng nghĩa nên hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Chính vì vậy, những người phản đối hôn nhân cùng giới lo sợ việc cho phép các cặp đôi cùng giới nuôi con, sẽ dẫn đến việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới nhanh hơn.
Rõ ràng, việc sử dụng phúc lợi của trẻ em chỉ là cái cớ để nhiều người bảo vệ giá trị và thái độ kỳ thị đồng tính của mình. Vì phản đối đồng tính, nên họ cũng phản đối việc cho phép các cặp đôi nuôi dậy con trẻ. Quá trình bảo vệ giá trị của họ, vô hình chung đã làm hại quyền lợi cũng như phúc lợi của những đứa trẻ, đáng ra đã có một gia đình đầm ấm.
Việc không cho hai người đồng tính nhận con nuôi, không ngăn chặn được việc các cặp đôi đồng tính nuôi con, mà nó chỉ làm cho việc nuôi con của họ khó khăn hơn, có nghĩa gây khó khăn cho đứa trẻ. Như vậy, các luật phân biệt đối xử đi ngược lại lợi ích của đứa trẻ, hơn là bảo vệ chúng. Nên hỏi những đứa trẻ mồ côi xem chúng có muốn lớn lên ở trại tế bần không, hay chúng cũng muốn có một gia đình của riêng mình? Hãy hỏi những đứa trẻ, liệu chúng có muốn hai người cha, hay hai người mẹ của mình, có được quyền đưa chúng đến trường, hay mang chúng đến bệnh viện khi ốm đau?
Ai cũng sinh ra trong một gia đình, và ai cũng muốn có một gia đình của riêng mình. Gia đình là sự chia sẻ, đùm bọc và yêu thương. Chính vì vậy, việc không cho người đồng tính kết hôn, cũng như nhận con nuôi là từ chối quyền con người cơ bản nhất của họ.
Theo Diễn Ngôn