Bí quyết tìm việc của người đồng tính, song tính và chuyển giới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:15, 18/08/2015
Làm gì khi "bề ngoài nam, hồ sơ ghi nữ"?
“Khi một người chuyển giới đi xin việc, chủ doanh nghiệp nhận thấy có sự khác biệt lớn giữa giới tính ghi trong hồ sơ với vẻ bề ngoài của người này. Trong tình huống đó, biết làm sao?”. Anh Trí (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đã đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng xin việc cho cộng đồng LGBT, diễn ra vào chiều 15.8 tại TP.HCM.
Một người đồng tính nam ấm ức: “Nhiều người bạn của tôi đã rớt từ vòng... gửi xe. Có bạn đã được tuyển rồi, mọi chuyện có vẻ thuận tiện nhưng khi phát hiện ra anh này là người đồng tính, các nhân viên trong công ty không hợp tác. Họ bảo rằng anh phải thay đổi lối sống của mình hoặc là anh đi xin làm chỗ khác. Nhiều khi chúng tôi bất lực chứ không phải là không làm được công việc nào đó”.
Trái với những lời than thở trên, Hải Minh (25 tuổi, quê Đồng Nai, là người chuyển giới) có cái nhìn lạc quan hơn. Hải Minh cởi mở: “Tôi phải chờ đến ngày 28 Tết âm lịch để được chủ tịch công ty phỏng vấn. Câu đầu tiên ông hỏi tôi là: Em là con gái sao nhìn giống con trai vậy? Tôi cười, đáp: Vì em thích làm con trai”. Minh cho hay ở những cuộc phỏng vấn khác, Minh cũng thường nhận được thắc mắc: “Em để giới tính nữ, nhưng tôi thấy hình của em là nam?”, Và Minh từ tốn giải thích: “Khi sinh ra em là nữ, nhưng bây giờ em là nam. Ba mẹ và mọi người xung quanh đều đã xem em là nam”.
Từ kinh nghiệm bản thân, Hải Minh lưu ý: “Các bạn đừng bao giờ rụt rè, né tránh những câu hỏi về giới tính từ nhà tuyển dụng. Bởi mình càng né tránh, họ càng tò mò. Hãy trả lời khéo léo hoặc dẫn dắt người ta đến sự thông cảm. Hãy biến tình thế bị động thành chủ động”.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Theo Nguyễn Hải Long (đồng tính nam, hiện làm việc trong một công ty truyền thông tại Tp.HCM), một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên để được tuyển dụng và trọng dụng là phải có chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó là biết hòa nhập với mọi người. “Tôi chọn cách tiếp cận từ những cái nho nhỏ và quan tâm chu đáo tới đồng nghiệp. Thêm vào đó, cần để ý tác phong, quần áo, lời ăn tiếng nói cho phù hợp nơi mình làm việc”, Long đúc kết.
Làm thế nào để vượt qua những lời nói xấu, kỳ thị nơi làm việc? Long chia sẻ: “Nên xây dựng những nhóm người thấu hiểu mình trong công ty. Mình phải rất kiên nhẫn vì quan niệm yêu ghét của người ta không thể nào thay đổi được chỉ trong một sớm một chiều. Đặc biệt, bản thân mỗi người LGBT phải chủ động làm và chứng tỏ mình, không thể ngồi đó trông chờ vào tình thương của người khác”.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Huỳnh Trang (chủ một quán cà phê tại Tp.HCM) cho rằng, người lao động LGBT sẽ được “ghi điểm” khi thể hiện phong thái tự tin, diện mạo phù hợp, có kỹ năng làm việc theo nhóm cũng như khả năng vượt khó...
Sau 8 tháng thử việc không lương cộng với nhiều thử thách khác, Hải Minh được nhận vào làm chính thức. Hiện anh là trưởng phòng quảng cáo của một công ty vận tải nổi tiếng trên cả nước. Anh nhắn nhủ với cộng đồng LGBT: “Các bạn có quyền lựa chọn môi trường làm việc. Nếu thấy không phù hợp thì nên chia tay, vì nơi này có người kỳ thị bạn nhưng nhiều nơi khác thì không. Đừng vì khó khăn một chút là đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho giới tính của mình và tự đẩy mình vào nỗi bất hạnh. Cứ hy vọng và cố gắng hết sức, rỗi bạn sẽ nhận được thành quả!”.