Người đồng tính có cần gồng mình để được chấp nhận?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 29/08/2014
Một trong những mục đích của cộng đồng LGBT khi vận động xã hội thay đổi, giảm kỳ thị là tạo ra một hình ảnh tích cực trên báo chí. Họ hy vọng, khi mình được miêu tả đáng yêu, bình dị, và gần gũi thì sẽ tăng sự chấp nhận của xã hội. Tuy nhiên, “một hình ảnh tích cực” thường đồng nghĩa với một hình ảnh được chấp nhận bởi văn hóa chính thống, văn hóa của một xã hội độc tôn dị tính. Nói cách khác, để được chấp nhận cộng đồng LGBT phải giống với cộng đồng dị tính!
Đây là lý do nhiều tổ chức giám sát báo chí ngoài các kiến thức sai lệch, kỳ thị hoặc mang tính thóa mạ, họ còn phản đối những hình ảnh “sai lệch” về cộng đồng như người đồng tính nam thể hiện ẻo lả, hoặc người đồng tính nữ thể hiện thô ráp. Họ muốn cổ vũ cho một hình ảnh đồng tính nam đầy nam tính, đồng tính nữ đầy nữ tính với một thông điệp rõ ràng “hey, chúng tôi cũng giống như các anh chị đó thôi, vì thế hãy chấp nhận và đừng kỳ thị chúng tôi”. Rõ ràng, một hình ảnh “nam ra nam, nữ ra nữ” sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn.
Việc đưa ra một hình ảnh tích cực nhân tạo có thể là một chiến thuật tốt để xóa bỏ định kiến và kỳ thị trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nó không phải là một chiến lược hay về lâu dài. Cộng đồng LGBT không nên và không cần phải “gò mình” để được chấp nhận. Họ phải tạo ra giá trị mới cho xã hội, một xã hội chấp nhận sự đa dạng về tính dục, một xã hội khoan dung với những khác biệt cá nhân để ai cũng có quyền được là chính mình.
Thay đổi nền tảng đồng nghĩa với thay đổi nhận thức và thái độ về sự đa dạng của tính dục con người. Ai cũng có quyền thể hiện bản dạng giới của mình như mình mong muốn, vì thế không phải ngạc nhiên khi thấy những người nam thể hiện như nữ, hay những người nữ thể hiện như nam. Một thế giới đa dạng có người yêu người cùng giới, có người yêu người khác giới, có người yêu cả hai giới, và cũng có người không yêu ai. Nếu không có những người đồng tính thì làm sao những người dị tính biết mình là ai, và nếu không có ai là người chuyển giới, thì những người trùng giới sao hiểu được bản thân mình.
Khi xã hội khoan dung với những khác biệt thì những nhu cầu khác nhau của những người khác nhau cũng dễ được chấp nhận hơn. Khi đó, những dịch vụ sức khỏe đặc thù cho người chuyển giới như phẫu thuật, dùng hóc môn hay tiêm silicon sẽ được bảo đảm, và nhu cầu có con người người đồng tính sẽ được hỗ trợ.
Tất nhiên, các bài báo kỳ thị và phân biệt đối xử, các thông tin sai lệch và gây hại cho cộng đồng LGBT vẫn còn xuất hiện, và nó vẫn cần thường xuyên được giám sát và phản hồi. Nhưng song song với việc này, các hoạt động thúc đẩy giá trị mới, giá trị nhân văn, bình đẳng và không phân biệt đối xử cần được kiên nhẫn tạo dựng. Khi đó, chúng ta có thể tạo ra một hình ảnh tích cực và đa dạng của cộng đồng LGBT trên báo chí, và những thay đổi sâu rộng trong xã hội cùng với nó!
Minh Hải (Theo Diễn Ngôn)