Câu chuyện cảm động về người phụ nữ có 2 người con LGBT

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:57, 19/03/2015

Chị Cao Thị Minh Nguyệt (55 tuổi), hiện đang sinh sống tại thành phố Nha Trang, có 3 người con và 2 trong số đó là người LGBT. Câu chuyện về gia đình của chị tuy là những chuỗi ngày đau khổ triền miên thế nhưng đến sau cùng nó lại sở hữu một cái kết đẹp và hạnh phúc. Hiện chị Nguyệt đang là thành viên tích cực của PFLAG - Hội người thân của người LGBT Việt Nam.
Chị có thể tự giới thiệu về bản thân được không? 
Tôi tên là Cao Thị Minh Nguyệt, 55 tuổi, hiện tại thì tôi đã nghỉ hưu và mở một quán café nho nhỏ để kinh doanh. 
Chị có tổng cộng bao nhiêu người con và bao nhiêu trong số đó thuộc cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới)?
Gia đinh tôi gồm có 3 người con trong đó có 2 đứa thuộc cộng đồng LGBT. Một người con là chuyển giới (nữ sang nam) và một người con là đồng tính nam.
Chị phát hiện ra con mình là đồng tính và chuyển giới từ khi nào? Cảm giác khi đó ra sao?
Là một người mẹ, tôi ở bên cạnh con mình từ nhỏ cho đến khi chúng trưởng thành. Tôi luôn luôn quan sát đến cuộc sống và sự hình thành nhân cách của chúng. Tôi phát hiện ra con mình có những biểu hiện khác những đứa trẻ đồng trang lứa qua cách chúng chơi những trò chơi thời trẻ con. Ví dụ phái nữ thì chơi những trò chơi nhẹ nhàng như búp bê hay đồ hàng… Nhưng con gái tôi (thật ra là con trai bởi vì nó là chuyển giới nam nhưng xin thứ lỗi, tôi xin gọi nó là con gái trong bài phỏng vấn) lại thích chạy nhảy, đá banh, bắn bi và những trò chơi mà con trai hay chơi. 
Khi ấy, tôi chỉ nghĩ chúng có một phần phá cách hơn những đứa trẻ khác chứ cũng không nghi ngờ gì. Thời gian sau, khi cháu bắt đầu học cấp 2, cái "cá tính" ấy càng được bộc lộ nhiều hơn nữa qua cách ăn mặc. Con gái tôi không bao giờ thích mặc váy mà chỉ thích ăn mặc như một đứa con trai, đầu tóc thì cắt ngắn. Bạn bè của nó cũng chỉ toàn là con trai. Lúc đó cảm giác của tôi là thất vọng và đau khổ. Thế nhưng tôi vẫn cố nén vào lòng và nung nấu một hi vọng là mọi chuyện sẽ không xảy ra như tôi nghĩ đâu… 
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 Người con chuyển giới nam của chị Nguyệt
Suốt thời gian sau, tôi im lặng đứng ở ngoài cuộc và quan sát cuộc sống của nó một cách âm thầm. Khi nó lên cấp 3 thì tôi đã hoàn toàn sụp đổ. Những nghi ngờ trong đầu tôi hiện lên trước mắt. 
Con gái tôi không bao giờ chịu mặc áo dài tới lớp. Vấn đề đi học của nó trở nên cực kỳ khó khăn đối với tôi lẫn nhà trường. Tôi không nhớ hết bao nhiêu lần nó bị bạn trêu chọc, kì thị, bị bạn bè xô xát, bạo hành…  Những lần đi học về, nó luôn phải trốn tránh tôi vì sợ tôi phát hiện ra những vất thương do bạn bè trong trường gây ra. Nó trốn tránh gia đình vì sợ bị hỏi những câu hỏi liên quan đến giới tính. Là mẹ của nó, tôi hiểu rõ cảm giác của con mình. Nó cô đơn, lẻ loi và không có một điểm tựa an toàn để bám víu.  
Thầy cô cũng nhiều lần gọi điện về đến nhà sỉ vả cách nuôi dạy của tôi, trách móc con tôi khác người… Đau đớn lắm chứ! Tôi từng khuyên bảo con, nuôi hi vọng uốn nắn nó. Nó cũng bảo tôi “Nếu má muốn như vậy thì chuyển nhà, chuyển trường cho con đi. Con không muốn học trường này nữa”. Vì thương con, tôi cũng đã chuyển nhà. Hết trường này đến trường khác. Thậm chí, tôi còn gửi nó lên Đà Lạt nhưng kết quả vẫn như vậy, vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn nuôi hi vọng, cho rằng khi đến tuổi yêu đương, tình yêu sẽ thay đổi con người nó. Nhưng rồi một ngày đẹp trời. con gái tôi lại dẫn về một cô nàng… Ừ thì thôi vậy. Tôi nghĩ: "Thôi kệ, con mình yêu ai cũng được miễn là hạnh phúc” và điều này sẽ bù đắp cho khoảng thời gian mất mát thời tuổi thơ của nó.
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
Chị phải mất bao lâu để có thể chấp nhận sự thật? 
Vấn đề thời gian cụ thể thì tôi cũng không chắc. Tôi đã quan sát quá trình trưởng thành của con mình cho nên tâm lý của bản thân cũng chia ra nhiều giai đoạn, từ ngờ vực cho đến âm thầm quan sát, phát hiện ra sự thật rồi chấp nhận nó. Những giai đoạn ấy trải qua trong nội tâm của tôi từng ngày từng giờ. Khi ở giai đoạn nghi ngờ tôi cũng chuẩn bị cho mình một tinh thần và lí trí tốt để sau khi biết được sự thật thì không quá đau xót.
Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn chung cả một quá trình mấy chục năm ấy, có lẽ quá trình chấp nhận chính là quá trình ngắn nhất. Bởi vì là một người mẹ đã theo con mình gần nửa cuộc đời, trải qua quá nhiều sự kì thị và khó khăn thì tôi nghĩ, hạnh phúc của con mình quan trọng hơn rất nhiều so với cái được gọi chuẩn mực ấy của xã hội. 
Phải, tôi từng rất sốc nhưng chưa bao giờ nỡ làm tổn thương nó và cũng không muốn làm điều đó.
Cô có thể chia sẻ một vài câu chuyện mà cô và các con trải qua được không? 
Về đứa con gái của tôi, cứ tưởng khi được đón nhận tình yêu và được hạnh phúc thì cuộc đời của nó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, nhưng mọi chuyện chả bao giờ được như ý muốn cậu ạ! Nó đã trải qua rất nhiều cuộc tình nhưng mọi thứ đều kết thúc bằng sự đau khổ cho cả hai bên. 
Tôi còn nhớ rất rõ cuộc tình thứ nhất. Đó là lần rung động mạnh mẽ đầu tiên trong cuộc đời của con tôi với một cô gái khác nhưng lại bị gia đình bên kia phản đối một cách kịch liệt. Có lần phụ huynh của cô gái đó còn xông thằng vào nhà tôi đập phá đồ đạc và hét to cho hàng xóm nghe rằng: "Chị có biết con chị bị bệnh không hả?! Tại sao lại cho nó giao du với con nhà tôi?!”. Sau đó là hàng loạt những lời chửi mắng thậm tệ trong khi con của tôi lại đóng chốt cửa, tắt đèn và nằm thu mình lại một góc ở trên gác. 
Tôi buồn lắm, vừa buồn vừa tức cho con mình, bèn chạy lên gác kéo con mình xuống và nói với phụ huynh đứa con gái kia “Chính con chị chủ động giao du với con gái của tôi, đây có mặt nó đây nó vẫn lành lặn không bị bệnh gì cả, mà nếu bệnh gì đi chăng nữa thì chị là phụ huynh con chị, trách nhiệm của chị là giáo huấn con mình. Từ giờ tôi cấm con tôi qua lại với con chị, và xin mời chị về cấm con chị không được qua lại với con tôi, chứ chị không có quyền qua nhà tôi chửi bới như vậy!”. 
Sau ngày hôm đó, tôi lại thấy nó cứ thẫn thờ, cũng không thấy cô bé ngày nào hay qua nhà chơi nữa. Hằng ngày, cứ mỗi chiều tôi đi làm về rồi lại xuống dưới bếp nấu ăn. Ở trên gác, tôi nghe thấy tiếng con mình đang thút thít khóc nhưng lại cố kềm lại không phát ra tiếng. Nó thường mở mấy bài hát ngày xưa 2 đứa hay hát cùng nhau rồi cứ lẩm bẩm trong miệng. Nó vừa khóc vừa hát ở trên, tôi thì khóc ở bên dưới. Lòng tôi đau như cắt. Con đau một nhưng mẹ đau mười.
Tôi cầm điện thoại, tay thì run run nhắn tin cho bạn gái của con tôi, năn nỉ nó xuống gặp mặt con gái tôi một lần, năn nỉ rằng có muốn chia tay thì hãy làm từ từ đừng có dứt khoát như vậy đau cho con cô lắm… Thế nhưng cuối cùng hai đứa cũng chia tay do sự nóng vội của bậc làm cha làm mẹ như tôi đây. 
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
Vài tháng sau tôi nghe được tin cô bé ngày nào theo đuổi con mình đã có chồng và có chửa. Chưa đầy một năm sau tôi lại nghe tin cô bé ấy li dị và phải sống một mình nuôi con. Lúc này, tôi chợt thấu hiểu, hạnh phúc cả đời của con cái không thể nào do cha mẹ tự ý định đoạt được. 
Cứ tưởng rằng sau vài năm, vết thương của con tôi sẽ được chữa lành bởi một tình yêu mới.
Cô gái ấy tên N. Tụi nó hay ở lại nhà ăn cơm và vui đùa. Tôi chấp nhận hết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là ai làm con mình vui, hạnh phúc thì tôi xem người đó như con cái trong nhà. Thế nhưng chỉ được một thời gian thì gia đình N phát hiện. Họ cho rằng con tôi bị bệnh và lây cho N nên đã tìm mọi cách để chia rẽ tình yêu của chúng nó. Ngoài việc gọi điện chửi bới tôi bằng những từ ngữ chợ búa, họ còn kêu công an vào nhà tôi lục soát và nói gia đình của tôi bắt cóc con gái mình. Sau một thời gian bị ngăn cách, chúng nó vẫn tiếp tục gặp nhau mặc dù gia đình bên kia đã có giàn xếp cho con gặp gỡ những người đàn ông khác nhằm “uốn nắn” lại N.
Một lần nữa, mẹ của N lại khẳng định khăng khăng rằng con tôi đã chuốc bùa mê thuốc lú con bé N, bất chấp việc tôi đã hết sức khuyên can và giải thích. Bà ấy xuống tận Tiền Giang và bỏ ra 10 triệu để mua “bùa giải ngải” về. Họ nhốt N trong nhà liên tiếp 5 ngày rồi đốt “bùa giải ngải” và đánh đập, bắt ép con gái mình uống. Sau đó, bà ta lại đi mua “nước đái khỉ” ném vào con tôi với mong muốn được “giải bùa”. Kết quả vô ích, con bé N. vẫn không chịu từ bỏ con gái của tôi.
Không còn cách nào khác, họ nghĩ ra hạ sách là bắt cóc con gái tôi. Họ mướn giang hồ bắt cóc con gái tôi về nhà và đánh đập nó dã man trước mặt N , và cảnh cáo 2 đứa không được tiếp tục duy trì mối quan hệ này nữa. Bé N. vì đỡ cho con gái tôi nên cũng bị thương tích đầy mình. Sau đó, con tôi bị đe dọa là sẽ bị bắt ra đèo Rù Rì thả xuống. 
Hai thanh niên kẹp tay con gái tôi lại và bắt ép lên xe, may mắn lúc đó con tôi vùng ra được khỏi tay bọn xấu và chạy về nhà. Thấy con thương tích đầy mình, tôi vô cùng đau xót. Chả có một từ ngữ nào có thể diễn tả được tâm trạng đau đớn tột độ lúc đó đâu cậu ạ! 
Lúc đó con gái tôi lại nhìn tôi bằng một ánh mắt mà suốt cuộc đời mình cũng chẳng thể nào quên được. Nó hét to lên, vừa hét vừa khóc: “Tại sao má lại đẻ con ra như thế này!? Tại sao? Tại sao biết vậy lúc nhỏ má không bóp mũi con chết đi!? Tại sao con không được yêu? Tại sao Thủ tướng chính phủ đã chấp nhận rồi mà mọi người vẫn xa lánh những người như con!?”  
Tôi biết làm sao đây cậu ơi? Tôi biết làm sao đây? Chẳng lẽ lại gọi cho công an trong khi bố của bé N cũng thuộc chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia vụ việc?
Tôi tự dằn vặt, tự đặt cho mình câu hỏi liệu luật pháp có thể bảo vệ cho đứa con đáng thương của tôi không? Tôi nghĩ đi nghĩ lại và quyết định gọi cho mẹ N. cảnh báo nếu bà ta còn làm vậy nữa tôi sẽ đem giấy chứng thương ra và kiện tới cùng! 
Cuộc tình thứ 2 của con bé thế đó. Kết thúc một cách trống vánh và vô cùng chua xót. Khoảng 4 tháng sau, tôi cũng nghe được tin rằng bé N đã lấy chồng, cũng có con và trùng hợp, cũng như diễn biến như cuộc tình đầu tiên, bé N đã li dị và đang sống cảnh một mình một con. Tôi chợt nghĩ liệu đó có phải là tất cả những gì mà các bậc làm cha làm mẹ ấy muốn cho con mình hay không? 
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 Gia đình nhỏ của chị Nguyệt tại quán cafe gia đình
Vậy là hiện giờ người con trai chuyển giới của chị vẫn đang độc thân?
À không. Còn cuộc tình cuối cùng nữa. Một cuộc tình mà lúc đầu tôi đã chẳng còn thiết tha gì. Tôi nghĩ rằng chắc rồi con mình cũng sẽ lại đau khổ nữa. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng vui vẻ và cổ vũ cho con mình cứ sống, cứ yêu.
Lần này, thay vì cứ để mặc cho mối quan hệ đó tiến triển, tôi quyết định tới nhà cha mẹ của H với mong muốn có thể giải thích, tác động đến suy nghĩ của cha mẹ H trước khi mối quan hệ này lại có kết cục như trước. Ngồi trên xe mà tôi hồi hộp và sợ hãi. Hình ảnh khuôn mặt giận dữ của cha mẹ cô gái đầu tiên và N. cứ hiện ra trong đầu tôi. Hơn nữa, nhà H. ở thị Xã Ninh Hòa, cha mẹ làm nông, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin hiện đại. 
Cuối cùng, tôi nghĩ thôi mình cứ đánh liều một phen vậy, “sống chết” gì cứ để ông trời quyết định. Vậy mà nhà H lại khác hoàn toàn với những gì mà tôi từng tưởng tượng. Cha mẹ cháu tuy đã lớn tuổi và đang ốm nặng nhưng vẫn ra đón tiếp tôi rất mực vui vẻ và mời tôi uống nước, cười nói hết sức bình thường. 
Khi tôi đề cập đến vấn đề chính, nói rằng con gái tôi đã quen H lâu rồi và 2 đứa hiện đang có ý định sống chung với nhau và tôi ra đây để xin phép anh chị cho phép tôi cho H một danh phận và được về sống chung với nhà của chúng tôi. Hoàn toàn ngạc nhiên, ông bà đã vô tư trả lời “Nhà tôi thì cũng nghèo, không lo lắng gì được cho cháu, chỉ mong cháu có thể tìm được hạnh phúc, sống vui là tụi tôi vui rồi”. Một cảm giác vỡ òa trong tôi. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc và sung sướng trước câu nói đó. 
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 3 người con của chị Nguyệt
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 Cùng con trai út - một người đồng tính nam và cũng là một người hoạt động quyền LGBT năng động tại Nha Trang
H đã trở thành con dâu của tôi như thế. Tuy pháp luật chưa công nhận, nhưng tôi vẫn coi H như đứa con trong nhà dưới danh phận “con dâu” và con gái nhà tôi hiện giờ đã sống với H được hơn 5 năm rồi. Vì tôi coi con dâu như con cái trong nhà  cho nên cứ ai hỏi gì là tôi trả lời nhà tôi có 3 người con trong cộng đồng LGBT.
Chị có cảm nhận như thế nào về 3 người con LGBT của mình ở hiện tại? 
Tôi rất tự hào và yêu quý 3 người con LGBT của mình. Mẹ con tôi đã và đang sống rất hạnh phúc với nhau. Chúng tôi mở một quán café nhỏ và kinh doanh riêng. Tôi nghĩ mọi thứ thật đơn giản khi mọi người bỏ đi những định kiến, những chuẩn mực về giới tính và xu hướng tính dục. LGBT thì sao? Là con người, bất kỳ ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc mà. Chúng ta không bao giờ có thể cấm cản được quyền “yêu” của một con người cả. 
Khi được yêu, con người chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn , còn nếu “cấm” thì câu chuyện của tôi đã cho mọi người một minh chứng sống động nhất. Từ khi tham gia PLLAG VN, tôi được phỏng vấn và lên báo nhiều. Chính vì thế người ta đã đổ xô tới quán café của tôi vì tò mò, nhưng không có một lời kì thị hay cái nhìn thiếu thiện cảm nào mà người lại họ rất yêu mến những đứa con của tôi .
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 Chị Nguyệt tại buổi tập huấn kiến thức của trung tâm ICS dành cho thành viên PFLAG
PFLAG Viet Nam, dong tinh, chuyen gioi, nguoi me co 2 nguoi con LGBT
 
Tại sao chị quyết định tham gia PFLAG cũng như tiến trình vận đồng bình đẳng quyền cho cộng đồng LGBT Việt? Công việc này liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống của chị? Một vài kỷ niệm đáng nhớ?
Tôi có 2 người con ruột thuộc LGBT. Tôi đã nhìn thấy cuộc sống của chúng từ nhỏ lúc nào cũng bị ám ảnh bởi sự cô đơn và định kiến, đến nỗi ra đường không bao giờ chúng dám ngẩng mặt lên. Tôi lại suy nghĩ đến những gia đình khác, những người con thuộc cộng đồng LGBT khác cũng đã và đang có hoàn cảnh giống con mình. Tôi không muốn chúng tiếp tục diễn ra nữa. Tôi muốn con mình đường đường chính chính ra ngoài đường , sống thật, và luôn ngẩng cao đầu lên mà đi.
Đứng trên cương vị một người mẹ, tôi sẽ đấu tranh và đấu tranh tới cùng cho con mình cũng như cộng đồng LGBT vì thế nên tôi đã tham gia PFLAG. Tuy có bận rộn hơn tí nhưng tôi cảm thấy rất vui khi được tham gia tiến trình vận động quyền cho cộng đồng LGBT Việt. Tôi đã có một khóa tập huấn khá thú vị về LGBT dành cho phụ huynh do trung tâm ICS tổ chức. Ở đó tôi đã được gặp rất nhiều “đồng minh” cùng trang lứa cũng có hoàn cảnh như tôi. Và tôi nghĩ mình sẽ không lẻ loi trên con đường đấu tranh này.
Cám ơn và chúc gia đình chị mãi hạnh phúc!
Mai Thảo - Ảnh NVCC

Một Thế Giới