Bạn biết và nghĩ gì về LGBT? (Phần cuối)
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:00, 10/02/2014
Khái niệm LGBT (Lesbian – đồng tính nữ, Gay – đồng tính nam, Bisexual – song tính và Transgender – chuyển giới) không còn quá mới mẻ với chúng ta vào lúc này, nhưng có thể, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu và cảm thông cho họ.
Câu trả lời của chúng ta?
Khi tham gia chiến dịch Tôi đồng ý để kêu gọi thông qua luật cho phép hôn nhân đồng tính, ca sĩ Thu Minh đã nói rằng: “Tôi có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cả các fan hâm mộ là người đồng tính. Với tôi, họ là những người bạn tuyệt vời. Họ rất dễ thương, tài năng và óc sáng tạo rất cao. Nếu như họ được sống thoải mái hơn, được có quyền tự do yêu thương và đi đến hôn nhân thì biết đâu những tài năng đó của họ sẽ càng được phát huy nhiều hơn? Đã đến lúc, chúng ta nên trả lại cho người đồng tính những gì họ xứng đáng được nhận từ khi sinh ra là một con người”.
Ca sĩ Thu Minh |
Cô là một trong nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng để giúp người đồng tính tại Việt Nam có cơ hội sống tốt đẹp hơn bên những người họ yêu thương. Cho đến nay, đã có 77% người Việt Nam khi được hỏi có ủng hộ tình yêu đồng giới không trả lời “Có”. Thế nhưng, những người phải chịu đựng bi kịch tinh thần khi công khai tình yêu với một người đồng giới hay xu hướng tình dục của mình vẫn đang còn đó. Và nếu bạn là một người dị tính, có lẽ điều bạn cần làm chỉ là ngừng coi họ là những người khác thường, chỉ nên coi họ là những người khác mình.
Sự khác biệt và đa dạng tạo ra thế giới này, và hãy ngừng trêu chọc, bình luận, giễu cợt về lựa chọn của bất cứ ai. Đó là một trong những cách để chúng ta có một thế giới tốt đẹp hơn.
Không chỉ các cá nhân, mà đã có những tổ chức công khai lên tiếng ủng hộ cho việc thông cảm và tôn trọng người đồng tính. Một trong số đó là YxineFF, liên hoan phim ngắn trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài các hạng mục tranh giải như tất cả các liên hoan khác trên thế giới, YxineFF có riêng một giải thưởng mang tên Trái tim cầu vồng, dành cho bộ phim xuất sắc nhất làm về vấn đề LGBT. Tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng anh Vũ Mạnh Cường, chủ tịch liên hoan phim, về quyết định mở ra giải thưởng điện ảnh ý nghĩa này.
Anh Vũ Mạnh Cường |
Giải thưởng Trái tim cầu vồng bắt đầu được trao từ bao giờ vậy, thưa anh?
Ngay từ năm đầu tiên 2010, YxineFF đã trình chiếu các phim có liên quan đến LGBT. Đặc biệt vào năm 2012, trong chương trình lựa chọn chính thức (Official Selection) của YxineFF có tới 6 bộ phim chất lượng cao về đề tài này. Để góp phần cổ vũ bình đẳng quyền lợi cho người đồng tính, song giới và chuyển giới, cũng như phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, tôi đã vận động để đưa vào danh mục giải thưởng chính thức của YxineFF một giải mới mang tên Trái tim cầu vồng (Rainbow Heart Award). Sự ra đời của giải thưởng này được trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam) đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về LGBT của năm 2012.
Trên thế giới đã có liên hoan phim quốc tế nào có giải thưởng này chưa?
Giải thưởng nổi tiếng nhất dành cho phim có đề tài liên quan tới LGBT là Teddy Award của LHP quốc tế Berlin, được trao lần đầu tiên vào năm 1987. Hai người nhận giải năm đầu tiên này giờ đây là những tên tuổi của điện ảnh thế giới: Pedro Almod.var (cho phim dài Law of Desire) v. Gus Van Sant (cho hai phim ngắn Five Ways to Kill Yourself và My New Friend). Sự ra đời của giải thưởng này là ý tưởng bột phát của Manfred Salzgeber (khi đó giữ cương vị trưởng danh mục Panorama) cùng người cộng sự Wieland Speck. Giải thưởng ở những năm đầu tiên là một chú gấu bông Teddy đúng nghĩa được mua ngoài cửa hàng. Phải 5 năm sau, giải thưởng mới được đưa vào danh mục chính thức của Berlinale.
Năm 2011, tôi cũng chứng kiến lễ trao giải thưởng Queer Palm (được trao bên lề LHP Cannes kể từ năm 2010 cho phim LGBT, hiện chưa được đưa vào danh sách chính thức) rất đơn giản tại một quán bar bên bờ biển. Sự khởi đầu của một giải thưởng nào cũng khó khăn, điều tôi học được từ họ là lòng quyết tâm và tinh thần không nề hà thử thách.
Là một người sống tại châu Âu (Đức), anh thấy có sự khác biệt gì trong cách nhìn nhận của xã hội đối với những người LGBT tại châu Âu và tại Việt Nam?
Do văn hóa đặc trưng khác nhau, nên cách nhìn nhận về vấn đề này của xã hội tại Việt Nam có khác so với tại châu Âu, theo những gì tôi quan sát và cảm nhận được. Xã hội châu Âu hiện đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, và những điều luật trước đây trong lịch sử kỳ thị người LGBT hiện hầu như đã được loại bỏ. Chỉ còn một số nước như Nga thì có vẻ đang siết chặt lại vì đi ngược tiến bộ. Ở nước Đức nơi tôi sống, không ai lấy làm lo lắng hay bận tâm nhiều, vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hay thị trưởng Berlin là người đồng tính công khai. Xã hội Đức đã quen với việc tôn trọng quyền tự do cá nhân cũng như đánh giá con người qua công việc chứ không phải vì định hướng tính dục của họ.
Tại Việt Nam, trước đây đồng tính luyến ái là một vấn đề thường bị nói giảm nói tránh và nói sai rất nhiều, thì nay trong thời gian ngắn đã có một số thay đổi đáng kể. Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm: cần được đẩy mạnh hơn nữa việc truyền bá kiến thức để người dân có nhận thức đúng về sự đa dạng tự nhiên của tính dục và loại bỏ định kiến về người đồng tính hay chuyển giới. Đồng thời đã đến lúc những người có ảnh hưởng với cộng đồng nên công khai định hướng tính dục, để không chỉ cho cá nhân họ được sống thật với chính mình, mà còn tạo niềm tin cho thế hệ trẻ đang hoài nghi với việc xã hội có chấp nhận bản thân mình hay không.
Nữ ca sĩ Phương Thanh |
Anh có nhận xét gì về cách mà những người làm nghệ thuật đang cố gắng để thay đổi quan điểm bảo thủ của cộng đồng?
Chị Diễm Quỳnh (VTV6) – thành viên BGK Trái tim cầu vồng năm 2012 của YxineFF, đã từng chia sẻ chân thành và đầy xúc động tại lễ trao giải là nhờ có các bộ phim này, chị đã thay đổi định kiến của bản thân về LGBT. Tôi tin và hy vọng có nhiều người nữa như chị Diễm Quỳnh. Sự ủng hộ công khai của các nghệ sĩ đối với chiến dịch “Tôi đồng ý” của trung tâm ICS, các bộ phim như Hot boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đ.ng hay bộ ảnh “Pink Choice” của Maika Elan chắc chắn đều góp phần giúp cộng đồng thay đổi quan điểm bảo thủ nhanh hơn. Tôi nghĩ người làm nghệ thuật mang sứ mệnh xã hội chính là ở những đề tài như thế này.
Theo ELLE Việt Nam