Cô giáo Quỳnh Trâm: Người chuyển giới hi sinh rất nhiều trong tình yêu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:09, 11/08/2014
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm từ lâu đã được biết đến như một người 'mát tay' trong việc hỗ trợ các em học sinh bước vào ngưỡng cửa đại học. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô trải lòng về chuyện tình cảm, về khao khát yêu mãnh liệt của người chuyển giới với báo Một Thế Giới.
Tình đơn phương khi 15 tuổi
Cô Quỳnh Trâm lần đầu biết yêu vào năm lớp 10. Khi ấy, cô vẫn còn trong hình hài một chàng trai mới lớn. "Người khiến trái tim tôi lần đầu rung động là thầy giáo dạy môn Toán. Vì khi đó tôi học khá môn Toán nên thầy cũng quý tôi, nhưng chuyện tình yêu thì không thể có. Tôi chỉ yêu thầy đơn phương thôi", cô Quỳnh Trâm tâm sự. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam khi đó vẫn còn khá bảo thủ, tình cảm thầy - trò vốn đã là một chủ đề nhạy cảm và bị cấm đoán, huống hồ còn là tình cảm đồng tính. Do vậy, cô chỉ biết giữ chặt tình cảm với thầy cho riêng mình, nén chặt mọi thứ vào trong lòng.
Tuy nhiên, cũng nhờ mối tình đơn phương ấy mà cô Quỳnh Trâm đã cố gắng học hành tốt hơn. Nguyên nhân vô cùng đơn giản: "Vì thầy quý tôi vì tôi học giỏi, nên chỉ có duy trì thành tích học tập thì tôi mới được tiếp tục gặp thầy trong sự quý mến”.
Năm lớp 12, thầy lập gia đình. Thông tin này đã khiến cô Quỳnh Trâm rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần thực sự. Khoảng thời gian ấy là thời khắc quyết định đối với những ai là học sinh trung học nhưng cô thì lại sa sút tinh thần, chỉ biết khóc trong vài tháng liền. Kết quả học tập cũng theo đó mà tụt dốc theo. "Nhưng rồi tôi nhìn lại hoàn cảnh khó khăn của gia đình, rồi tôi chấp nhận rằng mình còn cả một tương lai phía trước, không thể để trôi tuột thế này được, mình còn cơ hội xây dựng cuộc sống trong tương lai, phải giúp đỡ gia đình! Cứ tự nhủ như vậy, rồi tôi cũng nén lòng và chú tâm vào việc học hơn", cô Quỳnh Trâm nói.
Sau 16 năm nhìn lại, đối với cô Quỳnh Trâm, dù đây là tình đơn phương chứ không phải tình yêu từ hai phía, nhưng qua đó mà "cậu Hiệp" của ngày xưa mới có thể biết đến cái thứ cảm giác nhung nhớ da diết một người, và buồn vô hạn khi không được hồi đáp lại.
Trong nhiều năm dạy học, thỉnh thoảng học trò tâm sự với cô Quỳnh Trâm về chuyện tình cảm. "Tôi cho rằng tình yêu là một tình cảm rất thiêng liêng. Khi học trò yêu nhau, các em chia sẻ với tôi thì tôi chỉ lắng nghe chứ không hề có ý kiến ‘bàn ra’. Tôi chỉ khuyên các em là phải yêu ‘có trách nhiệm’, đừng bao giờ xao nhãng việc học của mình, vì con đường từ tình yêu đến hôn nhân rất xa, nhưng từ việc học đến tương lai thành công, nghề nghiệp vững vàng thì rất gần", cô Quỳnh Trâm nói.
Người đàn ông thay đổi cuộc đời
Cô Quỳnh Trâm gặp gỡ người yêu hiện tại cách đây 10 năm khi còn đang học đại học. "Tôi quen anh trên mạng. Khi đó giữa chúng tôi chỉ là những tâm tình diễn ra qua hai màn hình máy tính, và tôi không hề ngờ rằng anh ấy chính là người đã làm thay đổi cuộc đời tôi", cô Quỳnh Trâm chia sẻ, "Sau khi trò chuyện rất hợp nhau được một khoảng thời gian, anh ấy bất ngờ hỏi tôi: ‘Em có yêu anh không?’. Đó là người đàn ông đầu tiên đã hỏi tôi câu này. Tôi trả lời ‘Có’, vì tôi biết rằng tôi đã yêu anh, yêu một cách say đắm, và cũng có thể ‘mù quáng’ dù đã gần 11 năm nhưng tình cảm của tôi dành cho anh không hề thay đổi".
"Tôi nhớ một lần, có người đem đến nhà tôi bảo anh gửi tặng một chai nước hoa và một giỏ hoa rất xinh. Tôi rất xúc động khi nhận được món quà này từ người yêu mình, vật chất thì khoan kể tới, nhưng món quà tình cảm thì lớn vô cùng”, cô Quỳnh Trâm nhớ lại. Cô khoe rằng mình vẫn còn giữ chai nước hoa đó sau 9 năm, còn hoa thì dù rất muốn nhưng cũng không thể ngăn nó đừng héo.
Khi kể về người yêu, ánh mắt cô Trâm luôn rạng rỡ cùng giọng nói hào hứng. “Lúc nào tôi cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi được gặp anh. Anh chính là món quà lớn nhất mà cuộc đời dành tặng cho tôi. Hơn nữa, nếu không có sự quan tâm, động viên của anh ấy liên tục trong hơn 10 năm qua thì không có một Phạm Lê Quỳnh Trâm như bây giờ. Cho nên, ngoài tình yêu thì tôi còn dành cho anh sự biết ơn và lòng kính trọng của mình”.
Dù nhiều năm liền cô Quỳnh Trâm và người yêu vẫn xa nhau nửa vòng trái đất (người yêu của cô Trâm đang sống và làm việc tại Mỹ) nhưng cô không bao giờ buồn hay có giận hờn gì anh, vì cô luôn xem anh là người đàn ông nhân hậu và có trách nhiệm nhất.
"Đã là phụ nữ thì ai cũng mơ ước mình được hạnh phúc bên người đàn ông sẽ yêu thương mình suốt đời. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng đôi khi cuộc sống lại không diễn ra như mình mong ước. Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi tin rằng người chuyển giới luôn có niềm tin vào tình yêu rất mãnh liệt và khao khát được yêu cháy bỏng. Chúng tôi cũng có xu hướng chấp nhận hi sinh nhiều hơn, đôi khi chấp nhận phần thiệt thòi về mình. Sở dĩ có thể nói chúng tôi luôn sẵn sàng ‘Cho’ nhiều hơn, vì chúng tôi đã dám thay đổi cả cuộc sống của mình, chấp nhận thay đổi cơ thể để thực hiện mơ ước được làm vợ và làm mẹ", cô Quỳnh Trâm chia sẻ.
Là phụ nữ thì chuyện làm vợ, làm mẹ là điều ai cũng mong muốn, cô Quỳnh Trâm cũng luôn mơ về hai điều này dù hoàn cảnh chưa thích hợp để nghĩ tới. Trong khi đó, cô Quỳnh Trâm kể: "Ở quê tôi rất nhiều bạn trẻ chia cưới nhau vài tháng rồi chia tay, có lẽ các bạn không hợp nhau về quan điểm sống. Nếu có thể khuyên một lời, tôi mong các bạn hãy quan tâm đến nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, mà quan trọng nhất là mỗi bên chấp nhận hạ cái Tôi của mình xuống một chút để thích nghi với nhau thì cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn”.
Việt Nam, cùng với nhiều nước với nền văn hóa phương Đông, vẫn còn bảo thủ hoặc dè dặt về vấn đề chuyển giới và người đồng tính. Tuy nhiên, cô Quỳnh Trâm cho rằng người Việt Nam ngày nay không còn cực đoan đối với cộng đồng LGBT, xã hội dần dần đã cởi mở hơn. "Theo tôi, điều quan trọng là các bạn nên xây dựng và duy trì một cuộc sống tốt và tích cực, vẫn cống hiến cho xã hội như bao người. Để từ đó những người dị tính nhìn vào chúng ta và sẽ nhìn nhận người LGBT là một thực thể của xã hội chứ không phải một phần thừa hay bên lề xã hội”, cô Quỳnh Trâm nói.
Hiện tại luật pháp Việt Nam dù chưa cho phép người đồng tính đăng ký kết hôn, nhưng cũng không ngăn cấm người đồng tính tổ chức đám cưới. Những người trong và ngoài cộng đồng LGBT đều cho rằng việc điều chỉnh ngôn ngữ luật và không còn sử dụng từ "cấm" như trước là một bước tiến rất quan trọng về mặt nhận thức xã hội.
Gửi lời nhắn tới cộng đồng LGBT, cô Quỳnh Trâm nói: “Nếu các bạn đang có một mối tình, tôi xin ủng hộ bằng cả tấm lòng của mình. Nếu điều kiện cho phép, tôi mong các bạn mạnh dạn công khai, chia sẻ tình cảm của mình với người ngoài thân, bạn bè, người ngoài cộng đồng LGBT, chứ đừng yêu đơn phương như tôi cách đây 16 năm, như vậy khổ sở lắm, mà đôi khi làm cho mình bế tắc hơn trong cuộc sống”.
Cảnh Toàn (Ảnh NVCC)