Cô giáo Quỳnh Trâm: “Tôi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại“

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:54, 30/03/2014

Ngoài những công việc thuộc lĩnh vực nghệ thuật, tự kinh doanh ra thì người chuyển giới tại Việt Nam rất khó tìm được công việc tốt ở các ngành nghề khác. Tìm việc làm đã khó, để được nhiều người kính trọng còn khó hơn. Tuy nhiên, câu chuyện của cô giáo đầu tiên được công nhận giới tính sau khi chuyển giới của Việt Nam lại là một ngoại lệ.
Từ bị kỳ thị đến được kính trọng 
So với người đồng tính và song tính, người chuyển giới ở Việt Nam hiện nay có cuộc sống khá khó khăn chủ yếu do bị kỳ thị nặng nề và cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm cũng đã từng trải qua những ngày tháng đó. Bắt đầu phẫu thuật tìm lại giới tính thật từ năm 2008, trải qua nhiều đau đớn về thể xác cuối cùng Quỳnh Trâm cũng hoàn thành được tâm nguyện. Để được công nhận giới tính nữ, Trâm đã tìm đến những cơ sở y tế nhà nước uy tín kiểm tra nhiều lần và được cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ cho việc xác nhận lại giới tính. Năm 2009, sau những cố gắng kiên trì của mình Trâm đã được pháp luật công nhận giới tính nữ và đổi tên từ Phạm Văn Hiệp sang Phạm Lê Quỳnh Trâm trên mọi giấy tờ. 
Co giao Quynh Tram: “Toi hanh phuc voi cuoc song hien tai“
 Cô giáo Quỳnh Trâm trên lớp học của mình
Nhớ lại những ngày đầu sau khi phẫu thuật Trâm cho biết hàng xóm, người quanh vùng thường tỏ vẻ kỳ thị, chọc ghẹo thậm chí còn ném đá vào nhà mình. “Đến việc ra quán uống nước phải cầm theo cái ly riêng vì ly mình uống không ai dám cầm vào nữa”, Quỳnh Trâm kể lại. 
Sau thời gian đầu, Trâm dần ổn định tinh thần, quyết tâm tự mình vực dậy. Để mọi người xung quanh dần bỏ đi thái độ ác cảm và công nhận khả năng của mình, đồng thời giúp đỡ học sinh nghèo ở quê hương, Trâm đã mở nhiều lớp dạy học miễn phí. Ban đầu chỉ vài học sinh nghèo đến học nhưng tiếng lành đồn xa, nhận thấy cô Trâm có khả năng nhiều người dần bỏ qua chuyện kỳ thị, công nhận năng lực sư phạm của cô nên xin cho con em mình được học cô. 
Quỳnh Trâm luôn tâm niệm: “Chỉ cần mình chứng tỏ được năng lực, không làm việc xấu thì nhất định mọi người sẽ phải tôn trọng mình”. 
Hài lòng với cuộc sống hiện tại 
May mắn được sống là chính mình, làm một người phụ nữ đúng nghĩa Quỳnh Trâm luôn quý trọng những thứ mình đang có vì thế luôn cố gắng sống thật tích cực. Với Quỳnh Trâm, sức khoẻ rất quan trọng vì vậy cô luôn thức dậy lúc 5h, tối ngủ trước 10h, không sử dụng bất kỳ chất kích thích nào từ rượu, bia, thuốc lá đến cà phê. Hỏi về bí quyết bảo vệ sức khoẻ của mình, Quỳnh Trâm cho biết cô hạn chế ăn tinh bột, tăng cường ăn rau củ và uống nước ép trái cây. 
Theo Quỳnh Trâm, để khoẻ mạnh trước hết là mình giữ được tâm trạng tốt, bình thản trước cuộc sống nếu có thời gian thì đi chùa để tĩnh tâm, cầu mong sự yên bình trong lòng. “Quan trọng nhất là mình biết hài lòng với cuộc sống hiện tại, với Trâm cuộc sống hiện tại rất viên mãn, không mong gì thêm nữa”, Quỳnh Trâm chia sẻ.
Co giao Quynh Tram: “Toi hanh phuc voi cuoc song hien tai“
 

Quỳnh Trâm đang có cuộc sống rất viên mãn

Co giao Quynh Tram: “Toi hanh phuc voi cuoc song hien tai“
 
Đi chùa lễ Phật để cầu an, giữ được sự bình yên trong lòng 
Mặc dù không được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm nhưng bằng kiến thức và tài năng của mình đến nay Quỳnh Trâm đã đào tạo nên nhiều lớp học sinh, sinh viên giỏi. Từ những học sinh yếu kém, mất căn bản nhưng chỉ qua thời gian ngắn được cô chỉ dạy mà nhiều em tiến bộ rõ rệt thành học sinh khá, giỏi không chỉ đạt điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp, đại học mà có em còn được chọn đi thi học sinh giỏi cấp thành phố - điều trước giờ không dám nghĩ tới. 
Càng ngày, danh tiếng của cô càng vang xa, nhiều bạn học sinh đã nghỉ học lâu hoặc muốn liên thông, thi lại đại học đều tìm tới cô để xin học. Bạn Trung Chánh Tín (24 tuổi, học Tài chính-Ngân hàng) cho biết: “Nghe nói cô Trâm có dạy 2 môn Hoá và Sinh tôi liền đăng ký học để chuẩn bị thi khối B vào trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Mặc dù đã nhiều năm không ôn lại nhưng mới học gần 1 tháng gần như đã lấy lại hầu hết kiến thức, cách dạy của cô rất hay, không rập khuôn theo sách giáo khoa”. 
Tương tự, bạn Thanh Tùng (ĐH Khoa học -Tự nhiên TP.HCM) dù đã học năm cuối hệ cao đẳng nhưng vẫn muốn học thêm ngành khác. Mong muốn của bạn là thi lại đại học ngành Kinh tế học của trường ĐH Kinh tế Luật nên đã tìm tới cô Trâm. “Không hiểu sao cách dạy của cô lại hiệu quả như vậy, mặc dù từng ôn thi ở trung tâm nhưng cô Trâm dạy dễ hiểu hơn rất nhiều”, Tùng chia sẻ thêm. 
Co giao Quynh Tram: “Toi hanh phuc voi cuoc song hien tai“
 Tận tình giảng bài cho học trò.
Khi được hỏi về cơ duyên gắn bó với nghề dạy học, Quỳnh Trâm bộc bạch: “Nghề giáo đến với Trâm như một định mệnh, Trâm chỉ nghĩ là mình không nên phụ lòng tin của các em đối với mình nên cố gắng giảng dạy thật tốt. Các em đến học dù có sức học yếu nhưng luôn chăm chỉ, có ước mơ, hoài bão nên mình không thể để chúng bị dập tắt được”. Ngoài việc giảng dạy học trò, Trâm cũng có mong ước riêng như bao người phụ nữ bình thường khác, đó là một mái ấm gia đình, một ước mơ hoàn toàn chính đáng và đáng được trân trọng.
Hiểu Minh (Theo Sức Khỏe Online)

Một Thế Giới