18 điều người đồng tính Việt Nam không nên nói nữa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:52, 10/01/2014

Việc lựa chọn câu nói nào được đưa vào danh sách chủ yếu được phân tích trên khía cạnh thái độ và cảm xúc của người nghe, cũng như sự tương hợp của tác động câu nói đối với mục tiêu mà cộng đồng người đồng tính đang hướng tới.
1. “Tôi vừa công khai giới tính thật của mình…” 
Vậy "giới tính giả" của bạn là gì? Giới tính của loài người có nam, nữ và tình trạng liên giới tính (không xác định rõ là nam hay nữ). Còn “giới tính thật” bạn đang muốn nói là “xu hướng tính dục”, là việc một người thích người cùng giới, khác giới hay cả hai chứ không liên quan giới tính nam hay nữ của bạn. Việc nói “giới tính thật” cũng khiến người nghe nghĩ rằng bạn không nghĩ mình là nam hoặc nữ nữa mà muốn chuyển giới. Nếu muốn tránh dùng thuật ngữ khó hiểu, cứ đơn giản nói “Tôi vừa công khai mình là người đồng tính” một cách thật tự tin.
2. “Tôi bị đồng tính.”
Đừng dùng từ “bị” để nói về việc bạn “là” một người đồng tính. Cũng như đừng dùng từ “người bình thường” để nói về người dị tính. Đồng tính không phải bệnh. Đồng tính cũng như dị tính là những xu hướng tính dục tự nhiên và bình thường. Bạn có thể “bị kì thị” vì là người đồng tính, chứ bạn không “bị đồng tính”. 
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa
3. “…những người như chúng em/chúng tôi.” 
Nhiều người đồng tính rất ngần ngại khi phải nói ra từ “đồng tính.” Thật ra đây cũng là cảm giác của cả những người dị tính khi hay nói “Nó cũng là người ‘giống vầy’ hả?” một cách rất e ngại như thể nói ra từ “đồng tính” sẽ khiến họ ngất xỉu ngay lập tức. Điều này thể hiện bạn vẫn xem đồng tính là một điều cấm kỵ và nhạy cảm. Vậy nên đề nghị “chúng em” là ai thì cứ nói ra - đồng tính, chuyển giới - để người nghe khỏi phải đoán mò!
4. “Thật ra tôi cũng không muốn mình như vậy.” 
Như vậy” là “đồng tính” hay là “bị kì thị”? Hãy phân biệt thật sự vấn đề bạn không mong muốn là gì: là việc bạn là người đồng tính, hay là việc bạn bị kì thị vì là người đồng tính? Tương tự như câu “Nếu được lựa chọn tôi không muốn mình là người đồng tính.” Thứ nhất, việc bạn có sự hấp dẫn tình cảm với giới nào thì bạn hay bất kỳ ai cũng không lựa chọn được. Thứ hai, cái cần thay đổi là thái độ xã hội đối với bạn chứ không phải bản thân việc bạn là người đồng tính. Và thứ ba, cách nói đó cũng không khiến người nghe thấy cảm thương vì sự “bất hạnh” của bạn đâu! 
5. “Xin đừng kỳ thị những người thuộc thế giới thứ ba.” 
Bạn không cần van xin ai cả, chúng ta có quyền để không bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Ai kỳ thị bạn thì người đó đang vi phạm quyền con người. Thêm nữa, “thế giới thứ ba” là thuật ngữ để chỉ những nước kém phát triển, ở hoàn cảnh Việt Nam thì là được dùng gọi chung cho cả người đồng tính, chuyển giới và mang tính phân tách xã hội cao. Thế giới này quá nhỏ bé để phân thành thế giới thứ nhất hay thứ hai, vì một thế giới công bằng là đủ cho tất cả. 
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa
6. “Mặc dù là một người đồng tính…” 
Theo sau cấu trúc câu này là luôn luôn là một vế có nội dung rất tốt đẹp, dạng như “anh ấy vẫn là một nhân viên giỏi của công ty”, hay “tôi vẫn hiếu thuận với gia đình.” Theo ngữ pháp tiếng Việt, thì vế “mặc dù” này sẽ có sắc thái ngược lại, tức là nó là một điều tiêu cực, không mong muốn. Việc là một người đồng tính thì tương phản hay ngăn cản gì việc bạn làm những điều tốt, hay rộng hơn, khiến bạn không được là một người với đầy đủ mặt tốt và cả xấu?
7. “Không ai có quyền lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn cách sống với giới tính mà mình đang có.” 
Đây là câu thoại từ bộ phim “Hot boy nổi loạn” được nhiều người yêu thích và hay trích lại như một tuyên ngôn. Không nhắc tới thuật ngữ “giới tính” như đã đề cập bên trên, vấn đề của câu nói này đó là nó xem đồng tính như một điều không mong muốn hoặc không may mắn, từ đó đưa ra giải pháp là sống tích cực với hoàn cảnh đó. Thật ra người dị tính khi sinh ra họ cũng không lựa chọn mình sẽ thích người khác giới, nhưng họ có “lựa chọn cách sống” với điều đó hay không? Đứng trên quan điểm bình đẳng thì chỉ đơn giản là “tôi có quyền quyết định cuộc sống của tôi.” 
8. “Người đồng tính rất có tài, vượt trội hơn người dị tính trong nhiều lãnh vực.” 
Nhận định trên thường được đưa ra để gây thiện cảm, tuy nhiên nó nên được người khác nói ra hơn là việc bạn tự giới thiệu về cộng đồng, vì thật sự không có căn cứ khoa học nào để nói như vậy cả. Thêm nữa, người đồng tính không phải là búp bê mà tất cả đều xinh đẹp, hoàn hảo như nhau. Chúng ta cũng như tất cả mọi người, có những người tốt, kẻ xấu, những người rộng lượng cũng như hẹp hòi, người giỏi và không giỏi. Việc xây dựng hình ảnh lung linh về người đồng tính có thể tạo ấn tượng ban đầu, nhưng không thể tạo dựng nên niềm tin về lâu dài. 
9. Hôn nhân cùng giới có ích vì dân số thế giới đang quá nhiều, trẻ em mồ côi sẽ được chăm sóc.
Thoạt nghe thì câu nói này rất ổn, rất có lý. Tuy nhiên nó xuất phát từ việc xem người đồng tính chỉ nên được ủng hộ khi họ đi giải quyết những hậu quả mà người dị tính gây ra: dân số đông, trẻ em bị bỏ rơi. Vậy nếu người đồng tính vẫn muốn có con sinh học của mình, làm tăng dân số, không nhận nuôi trẻ em mồ côi thì chúng ta không có quyền kết hôn sao? Điều này cũng tương tự như nói “người nhập cư cũng rất có ích vì họ chịu khó làm những công việc vất vả, lương thấp mà ở đô thị không ai chịu làm” vậy. Sự chấp nhận không nên có điều kiện kèm theo.
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa
Đọc thêm: 10 lầm tưởng về hôn nhân đồng giới
10. “Thừa nhận hôn nhân cùng giới sẽ giúp người đồng tính chung thủy hơn.”
Thứ nhất, chưa có một nghiên cứu khoa học uy tín và toàn diện nào cho thấy người đồng tính có bản chất không chung thủy. Thứ hai, chúng ta không thể lấy một vài trường hợp công khai không chung thủy để đổ lỗi đó là hậu quả của việc pháp luật không thừa nhận hôn nhân cùng giới. Thứ ba, hôn nhân cùng giới hay khác giới đều có thể dựa trên nhiều giá trị khác nhau, cũng như đều có hợp có tan không chỉ vì chung thủy hay không. Một người đồng tính hay dị tính không cần (và cũng không thể) chứng minh mình sẽ chung thủy thì mới được quyền kết hôn, vì vậy không thể lấy sự chung thủy để “mặc cả” quyền được kết hôn. 
11. “Được kết hôn mà gia đình không thừa nhận thì cũng như không.” 
Vậy bạn có muốn không được kết hôn và gia đình không thừa nhận luôn không? Tương tự câu này là câu “pháp luật thừa nhận mà xã hội còn kỳ thị thì cũng vô ích.” Sự bảo vệ của pháp luật và thái độ của xã hội cũng như hai cái chân đang bước đi. Tất nhiên không thể chỉ cử động một chân mà muốn đi tới đích, nhưng tùy hoàn cảnh thuận lợi thì việc bước chân nào lên cũng sẽ kéo chân còn lại tiến tới. Còn nếu được, thì cứ nhảy cóc cả hai chân cùng lúc! 
12. “Các bạn đừng làm quá người ta ghét mình luôn. Cứ bình thường đi mà sống.” 
Nhìn vào sâu bên trong câu nói này là một sự mặc cảm thua kém dẫn tới tự nhượng bộ. Điều này cũng từng xảy ra với nhiều phụ nữ khi mà phong trào nữ quyền diễn ra. Nhiều phụ nữ, nhất là những người đang có cuộc sống tương đối dễ chịu, thường cho rằng phụ nữ không nên đòi hỏi quá nhiều. Đối với người đồng tính thì đó là tâm lý sợ rằng nếu kêu gọi quyền bình đẳng thì người ta sẽ nghĩ rằng mình đang muốn đặc quyền, trong khi thực tế nó chỉ là những quyền cơ bản ai cũng có. Tóm lại là bạn có quyền ngồi im, nhưng bạn không có quyền ngăn cản người khác đứng dậy!
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa

13. “Bạn là top hay bot?” 
Nếu chỉ muốn quan hệ tình dục với người được hỏi, thì câu hỏi này chấp nhận được. Còn nếu chỉ là một thông tin mà bạn muốn biết từ một người mới quen thì câu hỏi này là tọc mạch và thiếu lịch sự. Một câu hỏi khác “Bạn là uke hay seme?” mặc dù có thể được cho là không liên quan tới tình dục, nhưng cũng là không phù hợp. Nó sẽ lại một rào cản và cân nhắc ở người nghe rằng sẽ như thế nào nếu mình trả lời một trong hai lựa chọn đó, nó ảnh hưởng gì tới mối quan hệ giữa hai người. Ngoài ra không phải ai cũng sử dụng hệ thống phân loại giống như bạn, họ có thể lựa chọn cả hai, hay không cái nào cả. 
14. “Ẻo miễn tiếp.” 
Nhiều người cho rằng việc họ sàng lọc mối quan hệ (tình dục lẫn tình cảm) bằng việc đưa ra trước một tiêu chuẩn nào đó là hoàn toàn chấp nhận được: Nếu tôi không thích người ẻo lả, tôi có quyền nói ra để tránh phiền phức cho cả hai. Thật ra tất cả chúng ta đều có một bộ lọc trong đầu: trên 30 tuổi, có nghề nghiệp ổn định, nghiêm túc… Tuy nhiên việc nói, ghi nó ra lại là một điều khác. Có lập luận cho rằng giả sử tôi ghi “menly miễn tiếp” thì tôi có bị coi là kỳ thị những người nam tính không, và cho rằng thật ra đó chỉ là lập luận đạo đức giả khi mà bản thân những người phản đối là những người bị “miễn tiếp” mà thôi. Vấn đề ở đây là phát ngôn của bạn có làm tổn thương người khác không. Nếu tôi nói “not looking for sex” thì những người chỉ tìm kiếm bạn sex sẽ không cảm thấy tổn thương, và đó là sàng lọc mối quan hệ. Tất nhiên đây vẫn là một điều sẽ còn gây nhiều tranh cãi. 
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa
15. Gọi nhau là “con này, con kia.” 
Bên cạnh việc rất đề cao giá trị nam tính, người đồng tính nam lại cũng rất hay sử dụng nữ tính để đùa giỡn trong cộng đồng, thực chất cũng xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên những gì thuộc về nữ tính sẽ được dùng trong trường hợp không nghiêm túc. Trong bối cảnh mà người Việt Nam vẫn còn nhầm lẫn đồng tính với chuyển giới, và bạn vẫn không muốn phải trả lời câu hỏi “chừng nào đi chuyển giới” thì tốt nhất những giao tiếp dùng danh xưng nữ giới chỉ được giới hạn trong cộng đồng ở mức độ chấp nhận được. Điều này cũng tương tự như việc gọi nữ giới bằng danh xưng “bánh bèo” sẽ rất phản cảm khi bạn sử dụng trước mặt người ngoài cộng đồng. 
16. “Đẹp trai vậy mà là xì-trây.” 
Hay một biến thể khác là “trai càng gay càng đẹp.” Mặc dù là một câu nói đùa, nhưng việc lạm dụng hoặc đưa ra không đúng không gian sẽ làm xuất hiện định kiến người đồng tính luôn muốn sấn sổ tới mọi thanh niên đẹp trai. Nó cũng tạo tâm lý e ngại ở người nghe (nam giới dị tính) khi họ nhận thấy tất cả những gì bạn quan tâm tới họ chỉ là ngoại hình và xu hướng tính dục. Tuyệt đối không nên sử dụng câu nhận xét này trước mặt người mà bạn nhận xét! 
17. “Chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau.” 
Không có nhiều điều để nói về phát ngôn vốn xuất phát để châm chọc người đồng tính này. Thứ nhất, nó quá cũ, không còn buồn cười nữa. Thứ hai, đàn ông với phụ nữ hay phụ nữ với phụ nữ cũng có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. 
nhung dieu nguoi dong tinh khong nen noi
 Ảnh minh họa
18. “Không có tình yêu trong thế giới này đâu.” 
Nhận xét vừa mang tính chiêm nghiệm, vừa mang tính sầu não này được sử dụng khá nhiều, nhất là với những người từng trải. Thật ra nhiều người dị tính cũng rất hồ nghi về việc có tồn tại hay không một tình yêu đích thực và vĩnh cửu giữa con người với nhau. Tuy nhiên việc bạn giới hạn lại trong “thế giới này” – cộng đồng người đồng tính – thì lại là một chuyện khác. Việc bạn thất bại trong chuyện tình cảm của mình không có nghĩa là người khác cũng không còn hy vọng. Mặc dù có cả một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng không có tình yêu vĩnh cửu, tuy nhiên bạn cũng nên ghi nhớ câu nói “Không có tình yêu vĩnh cửu, nhưng luôn có những khoảnh khắc vĩnh cửu của tình yêu.” Tình yêu như cuốn truyện, truyện ngắn cũng có thể hay mà truyện dài cũng có thể hay. Không quan trọng bạn đọc được nhiều hay ít trang, mà là có lưu giữ được những khoảnh khắc hạnh phúc mà bạn đã thực sự có ở từng trang sách đó. 
Và điều cuối cùng…
Đừng nói “bạn không được nói như vậy” khi bạn có nghe ai nói một trong những điều trên. Hãy bắt đầu bằng việc giải thích, đặt câu hỏi gợi mở chứ không phải ngay lập tức dập tắt những phát ngôn của người khác. Rất khó để chính bản thân chúng ta cũng thực sự ngẫm nghĩ lại những gì lâu nay chúng ta vẫn hay nói ra. Và sự thay đổi tốt hơn chỉ xảy ra khi chúng ta hiểu rõ và tự lựa chọn lấy sự thay đổi đó cho mình.
Theo 6 Sắc

Một Thế Giới