4 từ khiến người đồng tính "nóng mặt" khi được gọi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:48, 30/12/2013
Bởi vì đối với họ những từ ngữ đó mang nghĩa miệt thị, phân biệt đối xử, định kiến xấu...
Trên thế giới, cụm từ LGBT đã xuất hiện từ rất lâu và được chấp nhận một cách rộng rãi. Trong đó “L” là viết tắt của từ lesbian, “G” là Gay, “B” là Bisexual và T là “Transgender”. Dịch sang tiếng Việt có nghĩa cộng đồng người đồng tính nam-nữ, song tính và chuyển giới. Xét về mặt học thuật, đây là những từ ngữ chính xác được thừa nhận bởi các nhà khoa học.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cụm từ “LGBT” chỉ mới được biết đến và sử dụng rộng rãi trong vài năm gần đây. Kéo theo đó là những từ như “đồng tính”, “gay” hay “lesbian”…
Ngày trước, để gọi những người thuộc cộng đồng LGBT, người Việt đã sử dụng một số từ có gốc pháp như pê-đê, ô-môi… Mặc dù vậy, do thiếu kiến thức về LGBT nên hầu hết đều mang ý nghĩa miệt thị và khiếm nhã kèm theo.
Hãy cùng Một Thế Giới điểm lại một số từ phổ biến nhất nhé:
4. Hi fi – Xăng pha nhớt
Ngày xưa, băng video được chia ra làm 2 hệ là PAL và NTSC. Những đầu đọc băng video nào có thể đọc được cả 2 hệ thì gọi là đầu hi-fi. Một số người kỳ thị hay thiếu kiến thức về LGBT đã dùng từ này để gọi những người chuyển giới. Họ cho rằng người chuyển giới có cả 2 giới tính trong người, nam muốn thành nữ và ngược lại.
Mặc dù vậy, cùng với từ “xăng pha nhớt”, từ “hi-fi” thường đi đôi với một thái độ khinh thường và miệt thị.
|
Yuki - một người chuyển giới (Nguồn Thanh Niên) |
3. Bóng
Đây được xem là một trong những từ ngữ phổ biến nhất mà người Việt Nam thường dùng để gọi những người thuộc cộng đồng LGBT. Nó còn được chia ra thành 2 từ riêng là bóng kín và bóng lộ.
Do thiếu kiến thức, nhiều người vẫn cho rằng tất cả những người đồng tính đều có hành động và mong muốn trở thành giới tính trái ngược với giới tính sinh học của họ. Ví dụ người đồng tính nam thì sẽ có cử chỉ ẻo lả và muốn trở thành nữ. Người nào thể hiện điều đó ra ngoài thì gọi là “bóng lộ” còn ngược lại là “bóng kín”. Tuy nhiên, đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, người chuyển giới (transgender) là những người có giới tính mong muốn khác với giới tính lúc sinh ra. Trong khi, người đồng tính là người có tình cảm với người cùng giới.
Đặc biệt, một biến thể của từ này là “bóng lẻ cái” còn mang một ý nghĩa miệt thị nặng nề dành cho người đồng tính nam.
|
Một bộ phim Việt sử dụng từ "bóng" (Nguồn Internet) |
2. Ô-môi
Tại Việt Nam, “ô-môi” thường được dùng để nói về những người đồng tính nữ. Nó là biến thể bị nói nhại đi của một từ gốc Pháp, “homo” (những người đồng tính). Đặc biệt, từ này vẫn được sử dụng rộng rãi ở những tỉnh không phải TP.HCM và Hà Nội.
Đối với một số người đồng tính nữ, họ cảm thấy bị coi thường khi được gọi là “ô-môi” dù gốc của nó hoàn toàn không có ý xúc phạm. Bởi vì những người sử dụng nó thường kèm theo một thái độ khiếm nhã nhất định. Chính điều đó đã làm cho họ khó chịu.
1. Pê-đê
Theo ý kiến của nhiều người trong cộng đồng LGBT, “pê-đê” là từ mà họ cảm thấy khó chịu nhất khi bị gọi bởi những người xung quanh. Nó có gốc từ tiếng Pháp là pédéraste, ám chỉ những người có quan hệ tình dục đồng giới.
Từ này đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu và được sử dụng khá rộng rãi. Mặc dù ý nghĩa của “pê đê” là trung tính thế nhưng trong bối cảnh tại Việt Nam kiến thức về người đồng tính vẫn chưa được truyền bá rộng rãi thì nó vẫn thường mang ý nghĩa miệt thị nặng nề.
Một người đồng tính nam 30 tuổi sống tại TP.HCM, chia sẻ: “Hồi nhỏ, do không đi chơi chung với đám con trai nên tôi luôn bị kỳ thị và kêu bằng "pê đê". Tuy những người đó chỉ trêu chọc vô thưởng vô phạt nhưng lại ảnh hưởng lên tôi ghê gớm, còn hơn cả những trận đòn roi. Mỗi lần bị kêu bằng từ đó, tôi lạnh cả sóng lưng và khó chịu kinh khủng khiếp. Đôi khi, bản thân còn có cảm giác mình là một con quái vật khác người và bị đẩy ra khỏi rìa của những chuẩn mực của xã hội.
Tôi không biết cái từ ‘pê đê’ xuất phát từ đâu nhưng xung quanh tôi họ đều nhắc đến nó với thái độ khinh bỉ. Chính vì vậy tôi mặc định những người bị kêu như thế đều là những người không tốt và sẽ bị ruồng bỏ. Khi đi ngoài đường, chỉ cần có người nhắc đến chữ đó thì tôi lại giật thót tim, như có ai đang cố trêu chọc và gán tội cho mình vậy.”
Tuấn Trinh
Một Thế Giới