Ở Việt Nam, không ai nổ súng vào người đồng tính
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:47, 17/12/2013
Diễn đàn “Hiểu và hành động vì Quyền con người” sáng 17.12 tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Hiến pháp 1992 sửa đổi mới được thông qua, trong đó có nhiều quy định cụ thể về quyền con người; mặt khác Việt Nam cũng đã ký tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người.
Khẳng định tầm quan trọng của việc hiểu về Quyền con người, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường cho rằng: “Quyền con người không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà phải đảm bảo quyền của mình không ảnh hưởng đến quyền của những người khác và ảnh hưởng đến đạo đức của xã hội. Vì thế, việc hiểu về quyền của mình vô cùng quan trọng. Đặc biệt, nhóm người yếu thế cần phải được ưu tiên, quyền con người của họ cần phải được bảo vệ”.
Có mặt tại tọa đàm, diễn giả Ngô Minh Hương – Giám đốc Trung tâm hội nhập và phát triển mang đến cho người nghe những khó khăn mà những người di cư, trong đó đặc biệt là công nhân gặp phải trong việc thực hiện các quyền cơ bản của mình và các giải pháp nâng cao quyền của nhóm này.
Với diễn giả Lương Thế Huy – một người đồng tính đã phải bước qua rất nhiều cánh cửa trước khi được sống đúng với bản thân mình khẳng định: Cộng đồng LGBT đã tiến một bước dài trong việc thực hiện các quyền của mình. Ghi nhận vai trò của cộng đồng trong việc giúp người đồng tính trở nên bình đẳng hơn song Lương Thế Huy cho rằng: “Sự ủng hộ của cộng đồng là vô nghĩa nếu cộng đồng LGBT không hiểu quyền của mình”.
Lấy ví dụ về những người sắp bị tử hình không ai nghĩ tới “quyền được sống” được ghi trong các công ước quốc tế về quyền con người và những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải khi phải di chuyển ở những nơi công cộng, diễn giả Nghiêm Kim Hoa khẳng định: “Chúng ta không ai mong muốn mình bị tử hình, cũng không cần phải là người khuyết tật nhưng ngay cả những người bình thường cũng gặp rất nhiều khó khăn khi những thiết kế ở những nơi công cộng không mang lại tiện ích khi phải mang vật nặng. Vậy nên, không phải đến lúc tử hình hay ngồi xe lăn mới nghĩ đến nhân quyền”.
Từ góc nhìn tiếp cận sư phạm trong giáo dục nhân quyền, diễn giả Nghiêm Kim Hoa dẫn câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp về chiế hộp Pandora và cho rằng: “Nhân quyền không có gì bí mật, xấu xa. Mở hộp nhân quyền chính là chìa khóa trong giáo dục cho mọi người hiểu về quyền của con người bởi mục đích của nhân quyền và giáo dục nhân quyền là bảo vệ phẩm giá của con người”.