Việt Nam có thể thất bại trong phòng chống HIV vì dán nhãn người đồng tính nam
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 10/05/2014
Theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) ở Việt Nam vào năm 2013 là 7,4%. Ở một số địa phương tỉ lệ này rất cao, ví dụ như Hà Nội và Cần Thơ là 10,4% và thành phố Hồ Chí Minh là 13,5%.
Các chuyên gia công tác trong lĩnh vực phòng chống HIV đều cho rằng diễn biến dịch trong cộng đồng MSM rất phức tạp, khó kiểm soát, và là một trong những vấn đề lớn nhất của công tác phòng HIV ở Việt Nam hiện nay.
Từ sợ hãi đến tự hào - cộng đồng người đồng tính Việt Nam đang đấu tranh cho quyền bình đẳng của mình (nguồn: iSEE) |
Để phân tích nguyên nhân, cần phải hiểu khái niệm MSM – Nam quan hệ tình dục cùng giới. Về cơ bản, Nam quan hệ tình dục cùng giới chỉ một người có giới tính sinh học là nam quan hệ tình dục với một người nam khác. Hành vi quan hệ tình dục này có thể do xu hướng tính dục đồng tính (người có tình cảm yêu đương và ham muốn tình dục với người cùng giới tính) của họ, hoặc do hoàn cảnh môi trường chỉ có nam giới như quân đội, nhà tù, ký túc xá sinh viên mà những người có xu hướng tính dục dị tính (ngươi có tính cảm yêu đương và ham muốn tình dục với người khác giới) cũng quan hệ để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Ngoài ra còn có một nhóm những nam giới do điều kiện kinh tế xã hội đi bán dâm cho người nam giới khác. Như vậy, MSM là khái niệm nói về hành vi tình dục hơn là xu hướng tính dục. Nó được đưa ra bởi các tổ chức y tế vì hành vi quan hệ tình dục cùng giới bị coi là một trong những hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Như vậy, nhóm MSM rất đa dạng và không đồng nhất, họ có những hành vi tình dục khác nhau. MSM có thể là một người đồng tính nam, và theo nghiên cứu năm 2008 của Viện iSEE, cộng đồng đồng tính nam như một xã hội thu nhỏ, họ có thể là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, sinh viên, hoặc nông dân; họ có thể sống ở thành phố hoặc nông thôn, có tôn giáo hay không có tôn giáo. MSM cũng có thể là những người nam giới dị tính hành nghề mại dâm, mà bản thân những người làm mại dâm nam cũng rất khác nhau, có người làm ở công viên, bờ hồ, hoặc là trai gọi làm việc tại nhà khách, họ có thể là người đồng tính, dị tính hoặc chuyển giới. Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV từ trước đến nay luôn coi cộng đồng này là một, không bóc tách ra để truyền thông và can thiệp đúng đích. Ví dụ, các nghiên cứu hay giám sát trọng điểm chỉ có thông tin về tỉ lệ có HIV trong cộng đồng MSM là bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm MSM không sử dụng bao cao su, bao nhiêu phần trăm MSM làm nghề mại dâm. Các thông tin này không phân loại dẫn đến sự hiểu chung chung, thậm chí sai lệch giống như “thầy bói xem voi” khi nói về tình trạng có HIV trong MSM.
Một vấn đề khác cũng nghiêm trọng đó là khả năng tiếp cận đến cộng đồng MSM trong các nghiên cứu, giám sát hoặc can thiệp của nhiều tổ chức làm về HIV. Các nghiên cứu của Viện iSEE cho thấy đa số người đồng tính nam vẫn đang che dấu xu hướng tính dục của mình. Chính vì vậy, các nghiên cứu về HIV và MSM có thể chỉ tiếp cận được với những người làm nghề mại dâm, hoặc đã công khai và không e ngại khi tiếp xúc với người khác, làm cho mẫu nghiên cứu không đại diện. Đây chỉ là phần băng nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên, các nghiên cứu và hoạt động chỉ xoay quanh phần băng nổi này, và dùng nó để miêu tả cả tảng băng chìm. Việc này không những làm cho thông tin số liệu không chính xác, gây hiểu nhầm, mà còn dẫn đến việc dán nhãn, kỳ thị cả cộng đồng người đồng tính.
Ví dụ, trong một cuộc họp được tổ chức bởi Văn phòng chính phủ năm 2014, một chuyên gia kỳ cựu và quan trọng của ngành y tế đã miêu tả cộng đồng MSM gồm có những người đồng tính, lưỡng tính, dị tính, và bán dâm. Sau đó, chuyên gia này đã hướng dẫn các quan chức nhà nước hiểu người đồng tính họ gọi nhau như thế nào, và đưa ra một danh mục các tên gọi như “Bóng, bóng kín, bóng lộ, Bê đê/pê đê, đồng tính, gay, bóng nửa mùa, bóng già, bóng kính, bóng bao tử, bóng mén, xăng pha nhớt, người mang hai dòng máu, toilette, osin, hột vịt lộn, những người thế giới thứ ba.” Theo nghiên cứu của Viện iSEE năm 2010, đây là những tên mang tính kỳ thị người đồng tính được báo chí sử dụng trước đây nhiều năm nhưng giờ không còn dùng nữa. Đa số cộng đồng người đồng tính cũng không còn sử dụng các tên gọi này. Tuy nhiên, có thể do các nghiên cứu về HIV và MSM mới chỉ tiếp cận được một nhóm nhỏ những người bán dâm hoặc cộng đồng người chuyển giới, nên những tên gọi này vẫn được duy trì. Đây là một ví dụ rất cụ thể cho việc “thấy bói xem voi” hoặc “dùng chỏm băng nổi để miêu tả cả tảng băng chìm”.
Ngoài việc cung cấp thông tin không đầy đủ và tạo hiểu sai gây định kiến kỳ thị, những thông tin này còn làm cho cộng đồng người đồng tính nam không coi mình thuộc nhóm MSM. Với họ, nhóm MSM được gắn với HIV, mại dâm, ma túy nên họ không coi họ là MSM, họ cố tình né tránh các chương trình phòng chồng HIV cho MSM. Điều này làm cho các chương trình phòng chống HIV thêm khó tiếp cận tới đa số những người đồng tính nam có quan hệ tình dục với nhau. Đây chính là vấn đề lớn nhất của các chương trình y tế, vì các nghiên cứu và can thiệp chỉ quanh quẩn trong một cộng đồng MSM nhỏ, thường là người làm nghề mại dâm, người chuyển giới và các khách hàng của họ.
Như vậy, việc sử dụng khái niệm chung chung, có phần dán nhãn tiêu cực cho những người nam có quan hệ tình dục đồng giới nói chung và người đồng tính nói riêng đã ngăn cản việc tiếp cận cộng đồng này trong công tác phòng chống HIV. Để có sự tham gia chủ động của chủ thể, những người đồng tính nam vào công tác phòng chống HIV, điều đầu tiên phải làm là gọi họ như tên họ mong muốn, chứ không phải như người ngoài mong muốn. Điều này đơn giản nhưng sẽ giúp bắt đầu một cuộc đối thoại mới, cởi mở và công bằng, một cuộc đối thoại về sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng người đồng tính, gia đình và cả xã hội.
Theo Minh Hải (Diễn Ngôn)