Nhà nước Việt Nam đang đồng hành cùng cộng đồng LGBT?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:23, 21/02/2014
Ngày 5 tháng 2 năm 2014, trong phiên kiểm định nhân quyền định kỳ (UPR) về tình hình bảo vệ quyền con người của Việt Nam, Hoa Kỳ đã hoan nghênh việc Việt Nam ký công ước chống tra tấn, tăng số lượng nhà thờ được đăng ký, và những tiến bộ trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Đây là một điều đáng lưu ý vì lần đầu tiên Hoa Kỳ công khai thừa nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo vệ nhân quyền của một nhóm thiểu số trong một phiên kiểm định nhân quyền
Cộng đồng LGBT nên tự hào vì những việc mình đã làm được, không phải vì Hoa Kỳ khen Việt Nam bảo vệ quyền của họ tốt, mà vì những thay đổi do chính họ góp phần tạo ra trong những năm qua là đáng ghi nhận. Những thay đổi này đã gây ngạc nhiên cho Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác. Một năm trước nhiều người còn nghi ngờ đây là chiến thuật của chính phủ Việt Nam nhằm “ghi điểm” trong thành tích nhân quyền với quốc tế. Tuy nhiên, việc công nhận của Hoa Kỳ trong phiên UPR đã cho thấy các nước đã hiểu những thay đổi là có thật, về bản chất chứ không phải là hình thức, dàn dựng.
Cộng đồng LGBT cũng nên tự hào vì ngoài việc đang chủ động giảm thiểu những định kiến, kỳ thị, thậm chí bạo lực với thành viên của mình, họ đang góp phần nâng cao kiến thức cho người dân về tính dục. Quá trình vận động cũng góp phần thay đổi giá trị xã hội, đặc biệt những giá trị về tôn trọng sự đa dạng, không kỳ thị sự khác biệt, và không áp đặt con người theo khuôn mẫu. Quá trình vận động này, tuy hẹp và chưa lâu, nhưng chắc chắn đang góp phần vào dòng chảy của thời đại, đó là tôn trọng nhân phẩm, tự do thể hiện và quyền con người.
Tuy nhiên, cộng đồng LGBT đang gặp rất nhiều trở ngại ở phía trước. Nhìn lại 5 năm qua, thay đổi lớn nhất có được là sức mạnh cộng đồng. Nhiều người đã tự tin, sống thật là mình, và ngày càng tham gia nhiều vào vận động xã hội. Nhưng quá trình này vẫn chưa bao trùm toàn quốc, mà chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số trung tâm đô thị lớn khác. Việc tổ chức cộng đồng cũng chưa chặt chẽ, và sức mạnh cộng đồng vẫn chưa được huy động đáng kể. Nhiều người tài năng, có nguồn lực chưa tham gia vào quá trình này. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm tầm ảnh hưởng của công đồng LGBT trong xã hội chưa thực sự lớn.
Tuy những thay đổi trong xã hội là đáng ghi nhận, ít nhất là các thảo luận về quyền của LGBT đã được khơi thông trong nhiều tầng lớp, từ người bán hàng rong, công nhân, giáo viên cho đến các vị bộ trưởng và chủ tịch quốc hội nhưng xã hội mới chuyển từ giai đoạn “né tránh” sang giai đoạn “tham gia”, từ trạng thái “im lìm” sang trạng thái “chuyển động”. Dù đang chuyển động đúng hướng nhưng xã hội chưa đạt đến điêm “chuyển đổi” để người ủng hộ trở thành đa số.
Về luật pháp, thay đổi cụ thể nhất mới là việc bỏ điều phạt hôn nhân cùng giới trong nghị định xử phạt hành chính. Tuy điều này gỡ bỏ những hiểu lầm và nguy cơ vi phạm quyền trước đây như ngăn cản hay xử phạt đám cưới, nhưng chưa thực sự tạo thay đổi lớn trong cuộc sống người đồng tính, song tính và chuyển giới. Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình do chính phủ đệ trình còn đang dừng ở bước “không cấm nhưng chưa thừa nhận” chứ chưa đạt đến hôn nhân bình đẳng. Dù kế hoạch thông qua vào tháng 5 năm 2014 nhưng dường như Quốc hội vẫn chưa có phương án cụ thể cho điều khoản liên quan đến quan hệ cùng giới.
Như vậy, các tiến bộ trong tình trạng nhân quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam là có thật và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Gần nhất, đó là 500 đại biểu quốc hội phải quyết định có cho người đồng tính kết hôn hay không, có cho người đồng tính sống chung hay không, và có cho người đồng tính quyền mưu cầu hạnh phúc hay không khi thông qua luật hôn nhân và gia đình vào tháng 5 năm 2014 này. Quyết định của họ chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những con người thật đang mong đợi sự công minh ở họ. Và quyết định của các đại biểu quốc hội cũng thể hiện mức độ bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới của nhà nước Việt Nam.
Hy vọng, các đại biểu quốc hội sẽ lắng nghe và thấu hiểu, không để cử tri của họ đơn độc trên hành trình đi tìm sự bình đẳng và hạnh phúc cho mình.
Mạnh Hải (Theo Diễn Ngôn)