Cái tình hay cái lý mới mở cửa hôn nhân cùng giới?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:39, 15/01/2014
Câu hỏi được đặt ra ở đây là ở Việt Nam khi mà “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” thì cái lý hay cái tình sẽ thực sự giúp mở cánh cửa hôn nhân cùng giới?
Bàn thêm về cái tình
Có lẽ câu tục ngữ trên không phải cổ xúy cho việc hành xử cảm tính mà nó chỉ muốn nhấn mạnh rằng người Việt Nam chúng ta trọng cái tình. Những câu như “Bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng là đề cao cái tình giữa con người với con người. Trong một xã hội như vậy thì việc tác động đến tình cảm của con người là rất quan trọng trong bất kỳ cuộc vận động nào, và với bất kỳ mục đích nào bao gồm cả tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng hay là để vận động chính sách.
Một lý do nữa để thấy tác động đến cái tình rất quan trọng, đó là vì trong não chúng ta có một vùng ghi nhớ những cảm xúc và vì thế cảm xúc là thứ xuất hiện đầu tiên và ra đi sau cùng khi nhớ về một sự kiện, một con người nào đó. Trong cuốn “Think fast and slow” của Daniel Kahneman (Nhà tâm lý học đạt giải Nobel kinh tế 2002) đã mô tả một thí nghiệm: người ta cho một nhóm sinh viên xem một loạt các bức ảnh các khuôn mặt với các sắc thái cảm xúc khác nhau. Mỗi bức ảnh hiện lên trong 10”. Sau đó các sinh viên được yêu cầu mô tả lại là họ đã nhìn thấy gì. Kết quả là những bức ảnh của những khuôn mặt hoàn toàn bình thản không có cảm xúc thì ít được nhớ trong khi đó những khuôn mặt thể hiện rõ trạng thái cảm xúc như sự tức giận, hạnh phúc v.v thì được nhiều người nhớ.
Tương tự như vậy, sau khi xem một bộ phim và được hỏi, chúng ta sẽ nói ngay là phim đó hay hay không, thích hay không chứ ít khi mô tả nội dung. Và như trong bài viết về quản lý cảm xúc tôi đã chia sẻ cảm xúc là thứ điều khiển hành vi tiếp theo của chúng ta . Chính vì vậy, khi muốn tác động đến hành vi của ai đó, chúng ta cần phải tác động đến cảm xúc của họ. Hay nói một cách khác chúng ta không chỉ dùng cái lý mà còn phải tác động đến cái tình.
Ảnh: những câu chuyện cảm động luôn làm lay động các nhà làm luật cũng như giới truyền thông (Nguồn Internet) |
Lý lẽ mở cánh cửa hôn nhân cùng giới?
Trong những năm vừa rồi cộng đồng LGBT đã tạo ra được những sự cảm thông từ số đông và những nhà làm luật. Đạt được điều này, tôi tin rằng cộng đồng LGBT không chỉ dùng cái tình như tác giả Sáu Sắc đã đề cập mà thực sự là đã dùng cả cái lý. Cái lý lẽ của các bà mẹ có con là đồng tính trong hội PFLAG đã thuyết phục những nhà làm luật. Họ nói về việc chính họ đã từng kỳ thị con mình cho đến khi tìm hiểu và biết con mình là người đồng tính tự nhiên, chứ không phải vì “đua đòi” như mình nghĩ. Cái lý lẽ các bạn chuyển giới đưa ra thuyết phục các nhà làm luật là việc họ sẵn sàng chịu đau thậm chí chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng để được sống là chính mình. Cái lời khẳng định “Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình” là một lý lẽ để thuyết phục về một mô hình gia đình mới.
Có một khía cạnh tôi đồng ý với tác giả Sáu Sắc đó là cộng đồng LGBT trong những năm qua đã tập trung vào tạo ra sự cảm thông của xã hội. Với sự cảm thông hay thương cảm thì những gì mà xã hội làm tiếp đó là “cho phép yêu nhau” hay là “không phản đối việc yêu nhau và sống chung nhưng không đồng ý cho kết hôn”.
Tuy nhiên lý lẽ như vậy thì chưa đủ và cần có thêm những lý lẽ khác để tạo ra những cảm xúc khác và từ đó có những hành động khác. Còn nhớ những ngày đầu tiên khi các bậc phụ huynh có con là đồng tính gặp nhau, lần nào các mẹ cũng khóc. Cái lý lẽ làm các mẹ khóc là “Ngày xưa nghĩ là bệnh thì tìm cách chữa, giờ biết không phải là bệnh thì có nghĩa là không chữa được”. Rồi các mẹ cũng sợ “mọi người” xung quanh chê cười và chế giễu khi biết con là người đồng tính. Với cảm xúc thương xót cho mình và cho con, với sự lo sợ bị chê cười đó, các mẹ chỉ dừng lại ở chỗ khóc với nhau và có thể là cả “thương thân và trách phận”.
Rồi tới một lần họp, các mẹ đã cùng nhau khám phá một lý lẽ khác: lý lẽ về việc mọi người sinh ra đều bình đẳng và không ai có quyền quyết định thay hạnh phúc của người khác, các mẹ đưa ra những lý lẽ mới - con mình đang bị “lấy mất quyền” và vì thế cần đấu tranh để dành lại quyền đó; sự chế giễu cười chê của “mọi người” có thể đẩy những đứa con của mình đến chỗ tự vẫn; cộng đồng LGBT không đi xin số đông cho họ quyền được sống đúng là mình, quyền được yêu người mình yêu, mà họ đang đi lấy lại quyền được sống là mình và được yêu thương đúng nghĩa. Với những lý lẽ mới, các mẹ có những cảm xúc mới: bất bình trước những bất công mà con mình phải gánh chịu và muốn hành động để xóa bỏ sự bất công đó.
Sự kiện Việt Pride năm 2013 (Nguồn ICS) |
Thấu tình đạt lý
Lý lẽ là tối cần thiết trong cuộc sống để thuyết phục người khác và cộng đồng LGBT cần lý lẽ để thuyết phục những nhà làm luật và xã hội. Những lý lẽ của cộng đồng LGBT cần thức tỉnh xã hội về những bất công mà xã hội đang vô tình ủng hộ. Và như thế lý lẽ của cộng đồng LGBT không chỉ là những lập luận logic, những bằng chứng xác thực về quyền mà còn cần là những hồi chuông rung động những trái tim về sự ân hận khi nhận ra mình đã vô tình làm tổn thương người khác, về tính nhân văn trong mỗi con người. Như tác giả Sáu Sắc đã nói “Lý lẽ là chìa khóa để mở cánh cửa hôn nhân cùng giới” và tôi xin bổ sung thêm lý lẽ cần mở được trái tim của những người làm luật và của xã hội. Và chỉ khi trái tim mở ra thì cái đầu mới mở ra như nhà thơ người Ireland - James Stephens - đã nói “What the heart knows today the head will understand tomorrow – điều mà trái tim biết ngày hôm nay thì khối óc sẽ hiểu vào ngày mai!”
Bích Tâm (Theo Dienngon.vn)