10 sự kiện nổi bật năm 2013 góp phần bảo vệ quyền LGBT ở Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:00, 26/12/2013

2013 là năm thành công của phong trào bảo vệ quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Đây là phong trào bảo vệ quyền của người thiểu số, yếu thế thành công nhất Việt Nam, tạo ra thay đổi tích cực trong bản thân cộng đồng, trong luật pháp và quan trọng hơn là trong nhận thức và thái độ của xã hội.
10 su kien noi bat nam 2013 gop phan bao ve quyen LGBT o Viet Nam
 Đêm tiệc tri ân những cá nhân/ tổ chức có đóng góp cho LGBT trong năm qua (Ảnh: ICS)
10. Báo một thế giới (www.motthegioi.vn) có chuyên mục riêng về cộng đồng LGBT “cầu vồng lục sắc”. Đây là một báo mạng chính thống đầu tiên hướng đến đối tượng độc giả là người đồng tính, song tính và chuyển giới. Báo Một thế giới đã cập nhật thường xuyên thông tin về cộng đồng LGBT Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, báo đã cổ vũ cho chiến dịch Tôi Đồng Ý bằng cách mời các ca sĩ và diễn viên nổi tiếng tham gia. Sự ra đời của chuyên mục riêng cho thấy cộng đồng LGBT ngày càng được nhìn nhận như một nhóm xã hội có nhu cầu về thông tin, dịch vụ và sản phẩm riêng. Họ là một thị trường quan trọng đáng để các công ty cung cấp thông tin, dịch vụ, và sản phẩm hướng tới. 
09. Thức Tỉnh Để Đón Cầu Vồng là sự kiện được tổ chức nhân ngày IDAHO 17 tháng 5 năm 2013 – ngày phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Sự kiện được tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ với sự tham gia đông đảo của cộng đồng LGBT và những người ủng hộ quyền bình đẳng. Chính sự kiện này đã tạo nền tảng sâu rộng cho sự tham gia của cộng đồng LGBT vào các sự kiện công cộng khác ở các tỉnh trên cả nước. Nó phá tan giới hạn cho rằng đồng tính chỉ tập trung ở thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. 
10 su kien noi bat nam 2013 gop phan bao ve quyen LGBT o Viet Nam
 Ảnh: sự kiện thức tỉnh để đón cầu vầu ở Hà Nội
08. Yêu Là Cưới là sự kiện “đám cưới tập thể” được tổ chức ở Hà Nội thể hiện khát khao và quyền bình đẳng trong mưu cầu hạnh phúc của cộng đồng LGBT. Nó đã gây được sự chú ý đặc biệt của báo chí và gây ra thảo luận trong xã hội về nhu cầu được chung sống, chia sẻ và gắn bó vì một tương lai chung của cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam. Yêu là cưới đã góp phần quan trọng vào tiến trình vận động xã hội và vận động luật của cộng đồng LGBT trong năm 2013.  
07. Queer Forever Festival là Liên hoan nghệ thuật queer đầu tiên tại Việt Nam diễn ra tại Hà nội từ 14 - 29 tháng 12 năm 2013, kết nối nghệ thuật đương đại, văn hóa Việt Nam với những góc nhìn queer . "Queer Forever!" giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đương đại được sáng tác từ góc nhìn queer , cùng với một loạt các cuộc thảo luận cộng đồng bàn về chủ đề ‘queer’ trong điện ảnh, văn học và nghệ thuật thị giác Việt Nam. Liên hoan đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng LGBT, cộng đồng làm nghệ thuật và đông đảo công chúng. 
10 su kien noi bat nam 2013 gop phan bao ve quyen LGBT o Viet Nam
 
Ảnh: sự kiện Queer Forever Festival đánh dấu sự lan tỏa của chủ đề LGBT vào đời sống xã hội
06. Đối thoại chính sách về hôn nhân cùng giới trên VTV1 ngày 25 tháng 9 năm 2013 là chương trình chính luận đầu tiên của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam thực hiện về hôn nhân cùng giới. Chương trình đã gây được sự chú ý đặc biệt của cộng đồng LGBT, xã hội và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách và làm luật. Nó truyền tải các thông điệp quan trọng về hôn nhân bình đẳng, không định kiến kỳ thị với người LGBT đến hàng triệu khán giả, giúp xã hội hiểu hơn về quan điểm của các bên liên quan và thực tế cần hợp pháp hóa quan hệ cùng giới. 
05. Góp ý sửa đổi Hiến pháp về nội dung hôn nhân cùng giới và chống kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng LGBT. Đây là lần đầu tiên, cộng đồng LGBT và 6 nhóm xã hội khác tham gia góp ý về quyền con người. Trong quá trình này, nhiều hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của người LGBT và gia đình họ. Một bản kiến nghị đã được tổng hợp với hơn 2000 ý kiến được gửi trực tiếp cho ông Phan Trung Lý – trưởng ban biên tập dự thảo Hiến pháp và 500 đại biểu quốc hội, nhấn mạnh đến quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử của người đồng tính, song tính và chuyển giới. 
10 su kien noi bat nam 2013 gop phan bao ve quyen LGBT o Viet Nam
Ảnh: ông Nguyễn Văn Thuận và ông Đinh Xuân Thảo - hai thành viên của tổ biên tập sửa đổi hiến pháp tham gia hội thảo
 
 04. VietPride khởi động năm 2012 ở Hà Nội năm 2013 đã lan tỏa ra 12 tỉnh trong cả nước. Đây là một hoạt động được cộng đồng LGBT trên toàn quốc ủng hộ và tham gia mạnh mẽ. Điều đặc biệt, lần đầu tiên Vietpride được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 1000 người diễu hành qua các đường phố ở trung tâm thành phố. Sự kiện đã gây được sự chú ý đặc biệt của truyền thông nước ngoài, trong nước và duy trì thảo luận xã hội về quyền của người LGBT. 
03. Nghị định 110/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 12 tháng 11 năm 2013 bỏ điều phạt hành chính với hôn nhân cùng giới. Cho dù không có ảnh hưởng pháp lý trực tiếp tới cuộc sống của các cặp đôi cùng giới, nghị định 110/2013/NĐ-CP phản ánh thay đổi bước ngoặt của chính phủ về đồng tính và hôn nhân cùng giới. Trước đây là “cấm” và “phạt”, giờ là không can thiệp vào cuộc sống lứa đôi của các cặp cùng giới. Nó giúp ngăn cản việc chính quyền can thiệp vào cuộc sống của người đồng tính, trong đó có việc tổ chức lễ cưới của các cặp đôi cùng giới. 
10 su kien noi bat nam 2013 gop phan bao ve quyen LGBT o Viet Nam
 Ảnh: ca sĩ Thu Minh hát hết mình ở sự kiện Tôi Đồng Ý
02. Chiến dịch “Tôi Đồng Ý” đã nhận được hơn 70,000 người ủng hộ và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Nhiều người nổi tiếng như Nhà báo Tạ Bích Loan hay MC Thảo Vân, Nhà văn Nguyên Ngọc, Trang Hạ, ca sĩ Thu Minh, Hồ Ngọc Hà đã ủng hộ hôn nhân cùng giới. Chiến dịch đã tạo điều kiện để công nhân, thợ xây, bảo vệ hay người bán hàng rong lên tiếng ủng hộ. Nhiều tổ chức, công ty và cơ sở cung cấp dịch vụ ủng hộ hôn nhân cùng giới bằng cách dán biển “Tôi Đồng Ý” ở văn phòng và địa điểm kinh doanh của họ. Chiến dịch đã đánh dấu sự lan tỏa của phong trào bảo vệ quyền LGBT ở Việt Nam đến tất cả các nhóm xã hội, phá vỡ những rào cản gây e ngại về chủ đề đồng tính và hôn nhân cùng giới. 
01. Quốc hội lần đầu tiên thảo luận về hôn nhân cùng giới trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII ngày 21 tháng 11 năm 2013. Trong thảo luận, đa số ý kiến cho rằng cần bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới, chưa hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới nhưng nhà nước không nên can thiệp vào cuộc sống riêng của các cặp đôi. Cần xây dựng khung pháp luật để giải quyết hậu quả pháp lý như tài sản và con cái của các cặp đôi cùng giới sống chung như vợ chồng. Với mốc lịch sử này, lần đầu tiên một cơ quan quyền lực cấp quốc hội/nghị viện ở châu Á thảo luận về quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính. Đây là một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới. 
Theo Dienngon.vn

Một Thế Giới