'Tôi tự hào là một người chuyển giới thánh thiện'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 25/03/2015

Nick Stevens là một người chuyển giới nam và là một tình nguyện viện thuộc tổ chức Catholics in Alliance for the Common Good ở thủ đô Washington, DC. Đây là bài chia sẻ của anh về niềm tin tôn giao vừa được đăng tải trên tờ TIME vào tuần qua.
Tháng một năm nay, Giáo hoàng Francis đã có buổi trò chuyện thân mật với một người đàn ông chuyển giới đến từ Tây Ban Nha. Khi biết tin Diego Neria Lejárraga từng bị nhà thờ của mình từ chối vì đã chuyển giới từ nữ sang nam, Giáo hoàng đã nhiều lần trò chuyện qua điện thoại trước khi mời anh sang Roma. Khi Diego hỏi liệu trong nhà thờ của Chúa có còn chỗ cho mình hay không, Giáo hoàng đã ôm anh vào lòng. 
Với sự rộng mở của Giáo hoàng, Lejárraga giờ đây đã có thêm niềm tin vào tương lai của những người có cùng hoàn cảnh với mình. 
Là một người chuyển giới theo đạo, tôi cũng tin như thế. Nhà thờ Công giáo chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống của tôi. 
Tôi lớn lên ở St. Louis - một trong những thành phố Công giáo nổi bật nhất tại Mỹ. Mặc dù tôi chưa từng được rửa tội, hay được nuôi dưỡng trong môi trường tôn giáo, thế nhưng tôi đã đặt niềm tin của bản thân vào nhà thờ khi còn trẻ.
Nhưng phải đến khi vào đại học, tôi mới bắt đầu chính thức theo đạo. Khi ấy, tôi đi lễ mỗi sáng Chủ nhật tại trường đại học Công giáo địa phương mang tên Fontbonne. Tôi thấy mình như được ân trên kêu gọi. 
Đây không phải là sự thay đổi duy nhất trong thời gian đó. Tôi đi học với cái tên Jes, một cô gái trẻ luôn hoang mang tìm đường đến lớp. Tuy nhiên, khi rời Fontbone, tôi đã là Nick, một chàng trai Công giáo trẻ đầy tự tin vào đời. 
Trong suốt quá trình chuyển giới, tôi luôn bối rối và tức giận với Chúa. Tôi không hiểu tại sao mình lại được sinh ra trong một cơ thể sai trái. Sự tức giận và bối rối này khiến tôi mất đi sức sống. Tôi không qua lại hay giúp đỡ bạn bè nữa. Không chỉ vậy, tôi còn không biết mình là ai và muốn cái gì.
Trong suốt thời điểm khó khăn này, tôi cũng ngừng mở lòng với Chúa. Nhưng Chúa chưa bao giờ mệt mỏi theo đuổi tôi, và rồi chúng tôi lại nối kết với nhau. Đây chính là thời điểm mà tôi nhận ra điều căn bản của lòng tin: Chúa tạo ra tôi, Chúa yêu thương tôi, và Chúa luôn đồng hành cùng tôi. Ngài đã biết tôi sẽ không thể chấp nhận một phần bản thân mình, nhưng khi tôi kể cho Ngài nghe mình đau khổ như thế nào thì Ngài đã cho tôi thấy tình yêu xung quanh mình.
Thú thật, nhà thờ Công giáo không phải là một nơi chào đón cộng đồng LGBT niềm nở. Nhưng tôi cũng đã gặp nhiều người có đạo yêu thương tôi và đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình của bản thân.
Người bạn thân và cũng là bạn đời của tôi cũng là một người theo đạo. Cô là người đầu tiên tôi công khai giới tính của mình. Cô đã nói với tôi những từ mà Chúa muốn tôi nghe, rằng Chúa tạo ra chúng ta, và nếu chúng ta không thành thật với chính mình thì chúng ta cũng không thành thật với Chúa. Sự chấp nhận của cô chính là minh chứng cho tình yêu vững bền của Chúa. Điều đó đã cho tôi thêm dũng khí để sống thật.
Sau khi đã lần lượt công khai với bạn bè của mình, tôi bắt đầu có đủ dũng khí đế công khai với gia đình. Tôi đặc biệt sợ phải công khai với bà nội – người đã nuôi dạy hai người con trai của mình trong một mái ấm Công giáo truyền thống. Nhưng ngạc nhiên thay, bà đã biết trước những điều tôi muốn nói. Bà khẳng định rằng bà vẫn yêu tôi không điều kiện. Với đôi mắt ngấn lệ, bà nói dù là nam hay nữ, tôi cũng là cháu của bà và trong tim bà luôn có chỗ dành riêng cho tôi.
Ngoài gia đình thì những người ủng hộ tôi mạnh mẽ nhất là những người đến từ cộng đồng tôi gầy dựng từ hồi đại học. Là một đại học Công giáo, Fontbonne đã đưa tôi trở thành một thủ lĩnh trong một môi trường đa dạng và rộng mở.
Là chủ tịch hội sinh viên, tôi tiếp xúc với rất nhiều người trong trường. Do đó, chuyện công khai cũng khá phức tạp. Tôi luôn sợ những người bạn và đồng nghiệp của mình tại Fontbone sẽ chối bỏ tôi. Nhưng chuyện đó không hề xảy ra. Ngay cả ngài hiệu trưởng cũng chào đón và chấp nhận tôi. 
Tuy vậy, không phải lúc nào chuyện cũng tốt đẹp như thế. Nhiều người có đạo không thể chấp nhận cộng đồng LGBT. Những môi trường như Fontbone không có nhiều. Cho đến khi toàn thể giáo hội đều rộng mở như Fontbone và Giáo hoàng Francis thì người chuyển giới vẫn sẽ phải trải qua nỗi đau của việc bị chối bỏ.
Do đó, đây là thời điểm chúng ta có thể nói lên niềm mong mỏi của mình với Giáo hoàng. Giấc mơ sẽ trở thành sự thật. Như Giáo hoàng cũng đã chia sẻ trên trang Twitter của mình: "Hãy để Giáo hội là chốn của cứu rỗi và hy vọng, là nơi mà ai cũng được chào đón, yêu thương và tha thứ".
Toàn Tăng (Theo TIME)

Một Thế Giới