5 yếu tố tạo nên thành công của 'Võ Tắc Thiên’ tại Việt Nam
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:22, 05/01/2015
Có thể nói, kể từ sau ‘Hậu cung Chân hoàn truyện’ ra mắt năm 2012 thì ‘Võ Tắc Thiên’ chính là bộ phim cổ trang Trung Quốc thu hút sự quan tâm mạnh mẽ nhất của cư dân mạng Việt Nam.
1. Danh tiếng của "Nhất đại Mỹ nhân" Phạm Băng Băng
Trong bộ phim "Hoàn châu công chúa" ra mắt năm 1997, Phạm Băng Băng mặc dù chỉ vào vai tỳ nữ Kim Tỏa nhưng vẻ đẹp kiêu sa của cô hoàn toàn nổi bật khi đứng cạnh dàn diễn viên chính. Lúc ấy, cô chỉ vừa tròn 16 tuổi. Một thập kỷ sau, Phạm Băng Băng xuất hiện trong danh sách những ngôi sao Hoa ngữ có thu nhập cao nhất. Xét về sự nổi tiếng, cô đã bỏ xa Triệu Vy và Lâm Tâm Như dù không được đánh giá cao lắm về khả năng diễn xuất.
Phạm Băng Băng và Lâm Tâm Như trong Hoàn châu công chúa |
Phạm Băng Băng được mệnh danh là "Nhất đại Mỹ nhân" của Trung Quốc khi sở hữu một làn da trắng ngần, đôi mắt to tròn cùng khuôn mặt hoàn hảo không tỳ vết. Không ít thiếu nữ đã chọn cô làm hình mẫu để giải phẫu thẩm mỹ.
Phạm Băng Băng đã dần thay thế Chương Tử Di và Củng Lợi để trở thành ngôi sao Hoa ngữ được săn đón nhất tại các LHP Quốc tế. |
Những bộ trang phục của Phạm Băng Băng thường được đánh giá cao về mặt mỹ thuật nhưng cũng tạo ra không ít sự tranh cãi xung quanh ý nghĩa về mặt văn hóa của chúng. |
Trong vài năm đổ lại đây, Phạm Băng Băng đã chứng minh bản thân là một nghệ sĩ đa năng khi dấn thân ở những lĩnh vực như ca sĩ và nhà sản xuất phim. Cô còn là một nữ hoàng quảng cáo với giá trị mỗi hợp đồng lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ.
Kể từ năm 2006, Phạm Băng Băng luôn nằm trong "Top 10 Ngôi sao Hoa ngữ có sức ảnh hưởng nhất" do tạp chí Forbes bình chọn, cho đến khi cô đứng đầu danh sách vào hai năm liên tiếp 2013 - 2014 và là nghệ sĩ nữ đầu tiên làm được việc này. Chỉ riêng từ 05.2013 đến 05.2014, cô đã đem về 19 triệu USD, còn cao hơn cả công chúa nhạc Pop Britney Spears (15 triệu USD).
Trong phim Dương Quý phi |
Trong năm 2014, ở mảng điện ảnh, Phạm Băng Băng xuất hiện trong bom tấn Hollywood "X-Men: Days of Future Past" và một bộ phim về nàng Dương Ngọc Hoàn - sủng phi của Đường Huyền Tông. Riêng mảng truyền hình, sau 5 năm tạm ngưng, cô đã thu hút sự chú ý tột độ của giới truyền thông khi hóa thân thành Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, trong bộ phim cùng tên do chính cô sản xuất.
Với kinh phí kỷ lục 48 triệu USD, bộ phim "Võ Tắc Thiên" sở hữu một bộ sưu tập trang phục nhà Đường cực kỳ hoành tráng. Và khi kết hợp với sắc đẹp của Phạm Băng Băng thì đó chính là chiêu PR cho phim hiệu quả nhất. Bằng chứng là trước khi phim chính thức lên sóng vào giữa tháng 12, nhiều hình ảnh hậu trường về bộ phim đã được tung lên mạng và được lan truyền rộng rãi, tạo ra hiệu ứng rất tốt từ khán giả.
Kết quả, lượng người xem ở tập đầu tiên đã đạt con số cao ngất ngưỡng.
2. Dàn diễn viên thực lực xinh như mộng
Phạm Băng Băng đẹp. Không sai, nhưng vẫn không đủ để có thể giữ chân và tạo sự lôi cuốn cho khán giả trong suốt 80 tập phim. Nhà sản xuất hiểu rõ điều này cho nên đã chia đều thời lượng cho những nhân vật khác. Thậm chí là ở những tập đầu, cuộc chiến chính ở chốn tham cung dường như chỉ toàn xoay quanh 3 người vợ của Đường Thái Tông là Dương Thục Phi, Vi Quý Phi và Âm Đức Phi.
Trương Đình, Châu Hải My và Trường Đồng đều là những nữ diễn viên kỳ cựu thuộc hàng U40. Họ không những giữ gìn được nhan sắc trời cho mà còn sở hữu kỹ năng diễn xuất điêu luyện. Trong đó, Trương Đình còn từng đảm nhận vai Võ Tắc Thiên trước đây. Những cái liếc mắt, cười mỉm, lả lơi và cách nhả chữ đều toát ra được cái chất của những phụ nữ quyền quý nhưng hiểm độc bởi hoàn cảnh.
Ngoài ra, dàn diễn viên mới đầy tài năng như Trương Hinh Dư (vai Tiêu Thục Phi), Mễ Lộ (vai Cao Dương công chúa), Trương Định Hàm (vai Trưởng Tôn hoàng hậu), Trương Quân Ninh (vai Từ Hiền Phi)... cũng đều khiến cho bộ phim "đẹp" trong từng khung ảnh.
3. Phục trang đẹp lộng lẫy
Phạm Băng Băng trên phim trường |
Nhà Đường chính là quốc gia lớn nhất thế giới vào cuối thế kỷ thứ 7, dưới sự trị vì của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Ngoài ra, do hấp thu văn hóa Tây vực và sắc thái tôn giáo cho nên nghệ thuật vào thời này đặc biệt phát triển mạnh và đa dạng; từ kiến trúc, thi ca, hội họa cho đến thủ công nghiệp.
Trang phục nhà Đường |
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất chính là người phụ nữ trong xã hội Nhà Đường có địa vị cao hơn so với các triều đại khác. Trang phục của họ được ví như bông hoa đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tơ tằm là chất liệu phổ biến; kiểu mẫu thì phóng khoáng, gọn nhẹ và thoải mái. Thậm chí, nhiều người còn để hở nửa ngực và chỉ kéo váy yếm tới nách. Các nhà làm phim đã tận dụng yếu tố này để làm ra những tác phẩm cổ trang hoành tráng có bối cảnh thuộc giai đoạn nhà Đường. Trong đó, Dương Quý Phi và Võ Tắc Thiên là 2 nhân vật truyền cảm hứng nhiều nhất.
Với kinh phí gần 48 triệu USD, "Võ Tắc Thiên 2014" chính là bộ phim truyền hình đắt nhất trong lịch sử và phá vỡ mọi kỷ lục với 3.000 bộ trang phục chỉ dành riêng cho các mỹ nữ. Có thể nói, khán giản hoàn toàn mãn nhãn với tạo hình của các phi tần trong cung dù không ít người cho rằng nó hơi cầu kỳ và quá "hở hang" so với thực tế.
4. Sức hút từ nhân vật Võ Tắc Thiên và cốt truyện hấp dẫn
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, trước và sau Võ Tắc Thiên đều có những người đàn bà chuyên chính như Lã Hậu, Từ Hy nhưng chỉ có duy nhất một mình bà là có thể xưng đế và giữ vững ngai vàng trong 15 năm thịnh trị nhà Võ Chu. Một điều gần như không tưởng vào thế kỷ thứ 7, thời điểm mà Nho giáo và Đạo giáo đang phát triển mạnh mẽ với quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tư tưởng.
Võ Tắc Thiên |
Trong các bộ phim về đề tài đấu đá hậu cung, nhân vật chính thường chỉ có thể kết thúc viên mãn là làm phi, Hoàng hậu hoặc cùng lắm là Thái hậu. Trong khi đó, Võ Như Ý (tự là Võ Chiêu), lại từng bước trải qua 2 đời vua, từ Tài nhân nhỏ nhoi trở thành Chiêu nghi, rồi Hoàng hậu, Thái hậu và sau cùng là Hoàng đế quốc gia lớn nhất thế giới. Bất chấp sự phán xét và nghi kị từ nhiều sử gia, câu chuyện về Võ Tắc Thiên rõ ràng là nguồn cảm hứng rất lớn cho phụ nữ, nhất là về vấn đề bình đẳng giới trong xã hội.
Phạm Băng Băng từng chia sẻ việc được hóa thân thành Võ Tắc Thiên chính là một trong những tâm nguyện lớn nhất của cô bởi vì không có nữ diễn viên Hoa ngữ nào là chưa từng mơ đến việc này.
Mặc dù vậy, do được khai thác quá nhiều, nhân vật Võ Tắc Thiên gần như đã cạn ý và gây ra không ít khó khăn cho đội ngũ biên kịch của phần mới. Có điều, thành công của bộ phim cũng đã phần nào chứng minh cho sự cố gắng sáng tạo của họ.
Bám sát nguyên tác lịch sử nhưng phiên bản 2014 khá giống với một bộ phim thần tượng cổ trang với dàn diễn viên xinh đẹp, kể cả nam lẫn nữ. Nhiều chi tiết đề cao tính phóng khoáng trong tính cách của Võ Mị Nương đã đem đến không ít phút giây thoải mái cho người xem. Nhân vật Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng được miêu tả khá sinh động và đúng với tài năng của ông - một minh quân khai quốc đầy quyết đoán.
5. Sức lan tỏa trên Internet
Năm 2012, "Hậu cung Chân hòa Truyện" do Tôn Lệ đóng vai chính đã tạo ra một cơn sốt nho nhỏ trong cộng đồng cư dân mạng Việt Nam. Chỉ sau khi chiếu được hơn 2 ngày ở Trung Quốc là trên kênh Youtube xuất hiện bản phụ đề tiếng Việt. Còn đối với "Võ Tắc Thiên" là... vài giờ. Thậm chí, nhiều người còn xem cả bản tiếng Hoa dù không hiểu mà chỉ đoán tình tiết thông qua cử chỉ. Điều này đã thể hiện "cơn khát" tột đỉnh của người xem Việt Nam lẫn sức ảnh hưởng của bộ phim tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước Châu Á.
Hiện tại, bộ phim vẫn được phát sóng theo tần suất khoảng 2-3 tập/ 1 ngày và dự kiến kết thúc vào tháng sau.
Minh Chánh