Người chuyển giới bị lãng quên ở Bangladesh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:34, 07/11/2014

Những người chuyển giới được gọi với cái tên 'hijra', bị kỳ thị nặng nề và xa lánh trong xã hội Hồi giáo như ở Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ.
Nhiếp ảnh gia Shahria Sharmin, 42 tuổi, một người Bangladesh đang học tập tại Anh, đã thực hiện bộ ảnh mang tên "Call me Heena" (Hãy gọi tôi Heena) về những người chuyển giới ở Bangladesh. Bộ ảnh gồm nhiều bức ảnh về những người chuyển giới ở Bangladesh với ý tưởng "mang đến cái nhìn khách quan về cuộc đấu tranh của những nam giới lựa chọn để được sống như phụ nữ". 
Những "thiên thần" trong bóng tối 
"Ban đầu, tôi cũng không có nhiều điều để nói về cộng đồng hijra. Đối với tôi, đó là những người đến từ thế giới xa lạ. Tôi cũng giống như hầu hết mọi người trong xã hội đều xem họ như những người dị biệt, về thói quen, lối sống và thậm chí cả vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi tôi gặp Heena", Sharmin nói.  
"Cô ấy đã làm cho tôi nhận ra rằng, những gì mình suy nghĩ là hoàn toàn sai lầm. Heena đã hé mở cuộc sống của cô ấy với tôi. Tôi đã nhìn ra những điều sâu xa hơn trong thế giới của Heena và Hijra. Đó là thế giới của những phụ nữ thực sự như các bà, các mẹ, chị em gái và bạn bè".  
Heena, 51 tuổi, một người chuyển giới, "nàng thơ" của bộ ảnh, đã kêu gọi những người trong cộng đồng "bị bỏ rơi" tham gia chụp ảnh. Zorina, 25 tuổi, cho rằng cuộc sống của hijra giống như "thiên thần" trong bóng tối, luôn phải sống khép mình, bị xã hội xa lánh.  
Bangladesh, chuyen gioi
Người chuyển giới ở Bangladesh
"Tôi mong rằng, một ngày nào đó khi thức dậy, tôi thấy mình trở thành một phụ nữ thực sự", Salma, 27 tuổi, có mong muốn cháy bỏng là được làm mẹ và khao khát đó thúc đẩy cô nhận nuôi bé Boishakhi. "Tôi luôn tự hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra, tôi sẽ cảm thấy tổn thương thế nào nếu một ngày nào đó Boishakhi gọi tôi là cha thay vì gọi tiếng mẹ", Salma tâm sự.  
Nayan, 24 tuổi, một người đàn ông chuyển giới đang làm việc tại nhà máy may mặc cũng tham gia bộ ảnh, nói: "Tôi là nguồn lao động và tạo ra thu nhập chính cho gia đình nhưng trong cuộc sống, tôi hoàn toàn không có ý nghĩa gì với họ".  
Ước mơ lớn nhất của Nishi, 21 tuổi, là "người đàn ông trong những giấc mơ tìm đến vào một ngày đẹp trời". Nishi nói rằng, ước mơ đó có lẽ là điều quá "xa xỉ" và có khi cô chỉ thực hiện được ước mơ của mình trong một nghìn năm nữa.
Tìm đến nghề bán dâm để tồn tại 
Shahria Sharmin cho biết, ở Bangladesh, hijra hầu như không có cơ hội để sống cuộc sống bình thường như những người khác. "Họ không có bất kỳ trường nào để học, không có nơi để cầu nguyện, không có tổ chức chính phủ và tư nhân nào muốn thấy tên họ trong danh sách nhân viên của mình. Hệ thống pháp luật không bảo vệ những hijra và ngay cả những trung tâm y tế cũng không chào đón họ. Mặc dù hiện nay, chính phủ Bangladesh đã công nhận hijra là giới tính thứ ba nhưng định kiến xã hội thì vẫn chưa thể thay đổi", Sharmin nói. 
Bangladesh, chuyen gioi
 Ảnh minh họa
Những khó khăn trong cuộc sống đã khiến không ít người chuyển giới ở Bangladesh phải kiếm sống bằng nghề bán dâm. Vào mỗi buổi tối, Panna, 52 tuổi, đứng chờ khách ở cuối con đường nhỏ. Nhiều thành viên của cộng đồng hijra cũng làm gái mại dâm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khách hàng tìm đến mua dâm cũng khá đa dạng về thành phần nhưng số tiền mà Panna và các "đồng nghiệp" kiếm được chẳng đáng là bao. 
"Đây là con đường cùng. Chúng tôi không biết làm gì để sống ngoài trừ việc bán thân. Không ít lần, tôi đã bị khách hàng đánh đập thậm tệ", Panna chia sẻ. Ước mơ được đối xử bình đẳng vẫn là khát vọng của những người chuyển giới ở Bangladesh. "Tại sao xã hội không thể chấp nhận chúng tôi. Hãy coi chúng tôi như những người bình thường. Tôi là phụ nữ và tôi có thể thích một người đàn ông như bất kỳ người phụ nữ nào khác", Jasmine, 24 tuổi, nói. 
Theo Lao Động

Một Thế Giới