Kinh tế Việt Nam nhìn từ dự trữ ngoại hối: Muôn vàn khó khăn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:05, 08/04/2016
Nền kinh tế Việt Namthực sự trải qua một giai đoạn khó khăn về tổng thể, khi những tác động từ sự trì trệ chung của nền kinh tế toàn cầu 3 tháng đầu năm 2016 cộng với những sự cốdiễn ra trong nền kinh tế quốc nội đang tạo nên một sức ép tổng hợp rất lớn.
Thông thường, khi khó khăn xảy ra thì người ta thường có xu hướng nhìn vào những sự bảo hiểm đang có, trong trường hợp của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là quỹ dự trữ ngoại hối. Nhưng sự bảo hiểm ấy cũng đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Và chắc chắn một điều là trong thời gian còn lại của năm 2016, nó sẽ còn tiếp tục mong manh hơn nữa.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô của Việt Nam do ngân hàng HSBC công bố ngày 7.4 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt mức khoảng 34 tỷ USD trong quý I.2016, tức tương đương với khoảng 2,5 tháng nhập khẩu. Dù mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện khá đáng kể so với con số 28,6 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 29,9 tỷ USD vào tháng 11.2015 (theo IMF) thì đây vẫn được xem là mức dự trữ thấp hơn so với mức an toàn được các tổ chức tài chính khuyến cáo. Và trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài nước thì việc có mức dự trữ ngoại hối thấp hơn so với yêu cầu lại càng đáng ngại hơn.
Về lý thuyết, mức dự trữ ngoại hối được xem là phù hợp đối với nền kinh tế một quốc gia là khoản tiền có giá trị khoảng từ 12-15 tuần nhập khẩu, tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài của mỗi quốc gia và tình trạng nền kinh tế mà mỗi nước sẽ điều chỉnh mức dự trữ ngoại hối cho phù hợp, tuy nhiên thường sẽ cao hơn mức 15 tuần và ít khi điều chỉnh xuống thấp hơn 12 tuần.
Ở thời điểm hiện tại con số 34 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ đủ cho khoảng 10 tuần nhập khẩu mà thôi, nghĩa là thấp hơn mức chuẩn cố định thấp nhất được khuyến cáo là 12 tuần. Kể cả khi tính thêm những tài sản khác mà ngân hàng nhà nước tuyên bố sở hữu như vàng, ngoại tệ của kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng gửi tại ngân hàng nhà nước, thì tổng quy mô dự trữ ngoại tệ cũng chỉ đạt khoảng 39 tỷ USD mà thôi, nghĩa là vẫn thấp hơn mức an toàn là khoảng 40 tỷ USD cho 12 tuần nhập khẩu.
Việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang thấp hơn mức an toàn được khuyến cáo là 12 tuần nhập khẩu ở thời điểm hiện tại đang dẫn đến khá nhiều lo ngại, do dự trữ ngoại hối vẫn được xem là cái van bảo hiểm cho nền kinh tế, nếu nó không đủ an toàn thì sự lo ngại đối với nền kinh tế sẽ tăng lên. Trước hết là xu hướng xuất khẩu đang có sụt giảm do tình trạng trì trệ của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong khi nhập khẩu được dự báo sẽ có xu hướng tăng từ nửa sau của năm 2016 do hàng loạt các dự án FDI lớn sẽ đổ bộ vào thời gian này.
Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng có dấu hiệu phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều hơn, và đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại hối sẽ phải được tăng thêm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ không có nhiều khả năng gia tăng đáng kể (do phụ thuộc một phần vào xuất khẩu) trong khi giá trị nhập khẩu sẽ ngày càng tăng lên, sẽ đến lúc khoản dự trữ trị giá 34 tỷ USD của Việt Nam hiện nay sẽ không còn tương đương với 10 tuần nhập khẩu nữa, mà sẽ là thấp hơn khá nhiều.
Tác động quan trọng thứ hai liên quan đến dự trữ ngoại hối quốc gia là động thái can thiệp vào thị trường và bình ổn tỷ giá. Thông thường mỗi khi ngân hàng nhà nước có động thái bình ổn tỷ giá, thì tiền được sử dụng sẽ được lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối, và dù theo các chuyên gia thì số tiền được sử dụng không nên vượt quá 10% dự trữ ngoại hối, thì hầu như đều vượt quá mức được khuyến cáo này nếu như tình hình nghiêm trọng hơn dự đoán.
Vì thế, việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang được đánh giá là thấp hơn mức trần an toàn được khuyến cáo sẽ khiến cho khả năng can thiệp thị trường và bình ổn tỷ giá của ngân hàng nhà nước bị suy yếu đi đáng kể. Nhất là trong bối cảnh tỷ giá của VNĐ trong năm 2016 vẫn đang được xem là một dấu hỏi, và vẫn đang là đề tài tranh luận của các chuyên gia kinh tế.
Hầu hết các dự đoán đều nghiêng về xu hướng tỷ giá VNĐ sẽ giảm trong năm 2016, dù ở những mức độ khác nhau. Theo các chuyên gia kinh tế trong nước lạm phát trong năm nay sẽ vào khoảng trên 5% do nền kinh tế vĩ mô đã được ổn định trong năm 2015, các mặt hàng chủ yếu cũng sẽ có xu hướng tăng giá, và thực chất là các ngân hàng trong thời gian qua cũng đã nâng mức lãi suất huy động lên đáng kể, mà một phần nguyên nhân là tâm lý cho rằng VNĐ sẽ sụt giá trong năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo của ngân hàng HSBC lại đang nghiêng về phương án lạm phát của Việt Nam trong năm 2016 sẽ không cao hơn nhiều so với mức 0,6% trong năm 2015, vì triển vọng tăng trưởng suy yếu cùng với việc giá năng lượng ổn định.
Trên thực tế, dù lạm phát trong năm nay có cao hay thấp thì rõ ràng việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam thấp hơn mức yêu cầu cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Lý do chủ yếu đến từ việc nền kinh tế của chúng ta đang có một khoảng thời gian khó khăn, với liên tiếp những bất trắc cả trong lẫn ngoài nước.
Ở ngoài nước, sự trì trệ của các nền kinh tế lớn đang đánh thẳng vào xuất khẩu của Việt Nam, còn ở trong nước thiên tai ở miền Nam và động thái tiến tới cải tổ một loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế. Tất cả những vấn đề này đang đồng nghĩa với yêu cầu Việt Nam phải có một quỹ dự trữ ngoại hối dư dả để phòng ngừa. Những gì đang diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc thời gian vừa qua đang là một bài học cho Việt Nam, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm rất mạnh khi nền kinh tế nước này gặp trục trặc và khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại dù dự trữ ngoại hối của nước này là lớn nhất thế giới và cao hơn khoảng 2-3 lần mức an toàn được khuyến cáo.
Vì thế, quỹ dự trữ ngoại hối thấp hơn mức an toàn của Việt Nam rõ ràng là đáng lo ngại khi mà nền kinh tế của chúng ta cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về mọi mặt giống như những gì người Trung Quốc đang phải giải quyết.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Tamnhin, CafeF)