‘Chết’ theo sông Ba

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:33, 09/04/2016

Sông Ba đã chết từ khi những người thiếu trách nhiệm chống lại thiên nhiên mà cho xây dựng thủy điện An Khê - Ka Nak. Dưới lòng sông đã cạn dòng, con cá chết phơi bụng trên đá sỏi, chết cây chết cỏ, những văn hóa gắn với dòng sông cũng chết dần đi; những con người thì vẫn đang héo quắt vì nắng hạn.

>> Thủy điện An Khê-Ka Nak, điển hình của việc chống lại thiên nhiên

Cúng Giàng cầu mưa

Hạn hán đang rất gay gắt ở huyện Kông Chro, Gia Lai. Đến cuối tháng 3, thiệt hại toàn huyện này do hạn hạn ước tính khoảng 23 tỉ đồng; trong đó thiệt hại về cây trồng là 2.065 hecta, chủ yếu là cây mía và cây mì.

Là vùng cao nguyên với địa hình đồi bát úp liên tiếp, không có rừng phòng hộ, huyện này phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông Ba và nước trời nhưng từ đầu năm đến nay không có giọt mưa nào rơi xuống. Dòng sông mẹ cũng đã khô kiệt từ khi đập thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, chuyển nước sang sông Côn. Có hai con suối là Ba Cơvà Hwây nay đã gần kiệt, các ao hồ thì đã khô chết, mực nước ngầm đã xuống thấp.

Ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi đã phải cho dừng lại việc gieo trỉa cho vụ mới để tập trung vào chống hạn. Nếu thời gian tới không có mưa, thiệt hại sẽ nặng nề nữa. Còn nước sông thì mấy năm nay đã khô cạn rồi”.

Bên dòng sông Ba, những nương rẫy màu mỡ nhất cũng đang run rẩyvì khô khát. Trưa nắng chảy mỡ, ông Đinh Văn Mlơng, thôn trưởng thôn 2, làng Hle Hlang, xã Yang Trung đang hí hoáy cùng người dân đào giếng kiếm nước. Ông Mlơng kể: “Chưa có năm nào khô hạn như năm nay, trời không mưa, sông suối cạn hết rồi, mình và bà con đang đào giếng lấy nước”.

ÔngMlơng đang đào giếng tìm nước và chuẩn bị cho lễ cúng Giàng tìm mưa - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Giếng đào sâu khoảng 10m nhưng vẫn chưa thấy mạch nước nào. Ba thanh niên hí hoáy múc đất ở dưới sâu. “Đào giếng xong, khoảng nửa tháng nữa già làng sẽ đứng ra làm lễ cúng Giàng ở nhà rông để tìm mưa. Lễ vật là một con heo lớn. Mỗi hộ góp 50 ngàn để làm lễ, nay đã có 128 hộ góp rồi”, ông Mlơng nói rồi tiếp tục vận chuyển đất múc dưới giếng đi đổ.

Sát bên sông Ba, anh Đinh Văn Ceng (SN 1993, làng Blu, xã An Trung) đang ra sông múc nước bẩn về lọc uống. Anh kể: “Cái thủy điện An Khê - Ka Nak chặn nước mấy năm nay nên sông cạn lắm, nước bẩn lắm, tắm là ngứa khắp người. Không có nước nhà mình phải đào giếng tìm nhưng ngày có ngày không. Giờ đành phải ra sông chắt nước về thôi”.

Người dân kiếm cá bên sông Ba đã cạn dòng và ô nhiễm.

Đứng dưới lòng sông, chỉ về phía cây cổ thụ trên bờ cao chừng 5m, Ceng cho biết: “Ngày xưa nước sông lớn lắm, tận trên bờ kia kìa. Nhà mình ở đó, cả làng cũng quây quần bên sông. Nắng thì xuống tắm, đói thì đi câu. Nay làng dời vào trong xa hơn rồi, cũng chẳng mấy ai đi câu, thả lưới nữa vì không có cá”.

Trên dọc sông này, giờ chỉ có ông Đinh Văn Vi, vẫn thỉnh thoảng đi thả lưới. Ông kể: “Ngày xưa cá nhiều lắm. Nay chỉ con cá rô phi lưỡng tính sống được. Sẵn lưới trước giờ nên thỉnh thoảng mình cũng đi thả kiếm vài con ăn”.

Kêu không thấu trời

Theo vài giọt nước rỉ ra từ cửa đập dâng thủy điện An Khê xuôi về hạ du sông Ba, qua làng xã nào cũng là một cảnh khô cháy. Đây là con sông lớn nhất ven biển miền Trung và là một trong hai con sông lớn nhất Tây Nguyên nhưng nay chỉ như là một con suối với cây cỏ mọc um tùm, đá trồi lên lởm chởm.

Ông Hà Sơn Nhin, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai từng nói: “Sông Ba không chỉ gắn liền với văn hóa bao đời của người Kinh, Bahnar, Jrai… mà còn là nguồn sống của hàng triệu người dân xung quanh, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho các huyện, thị xã ở phía đông nam của tỉnh Gia Lai và các địa phương của tỉnh Phú Yên”.

Trên sông Ba có nhiều loài cá sinh sống tự nhiên, một số là đặc sản riêng của sông như cá đá, cá kèo… Con sông màu mỡ đã từng là nơi mưu sinh của nhiều người làm nghề đánh bắt cá. Nay sông chết, cá chết, tiếng gõ thuyền mộc xua cá không còn.

Sông Ba chảy qua huyện Kông Chro trơ đáy.

Xuôi về quá khứ, con sông này cũng có thể từng là cái nôi văn hóa sớm của con người. Ông Dương Thanh Hà, Chánh văn phòng HĐND & UBND TX.An Khê kể: “Vừa rồi đoàn chuyên gia Nga qua phối hợp khảo cổ ở các làng trên địa bàn và phát hiện nhiều hiện vật là các công cụ lao động của loài người thời nguyên thủy, có niên đại khoảng 70-80 vạn năm. Điều đó chứng tỏ bên con sông Ba đã có bề dàyvề văn hóa”.

Việc thủy điện An Khê - Ka Nak "cướp"nước sông Ba khiến không những cả triệu người dân sống hai bên phải sống dở, chết dở mà ngay cả những người có trách nhiệm của tỉnh Gia Lai đã từng kêu không thấu trời. Tháng 5.2011, ông Hà Sơn Nhin, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã gửi một báo cáo 18 trang cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kể về những bất cập trong việc khai thác, sử dụng nước sông Ba.

Ông Nhin cho rằng, việc chuyển nước sông Ba tại đập An Khê về huyện Sơn Tây (Bình Định) để phát điện không đảm bảo hài hòa các lợi ích, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng thượng lưu, trung lưu, hạ lưu sông Ba ở hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên.

Báo cáo cũng cho rằng, tình trạng cạn nước và ô nhiễm của sông Ba đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và sinh thái. Công tác quản lý nhà nước của Bộ TNMT đối với lưu vực sông Ba trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế.

Theo đó, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề xuất nhiều kiến nghị như thành lập Ủy ban lưu vực sông Ba; đề nghị Bộ TNMT sớm nghiên cứu điều chỉnh dòng chảy tối thiểu trên sông Ba cao hơn mức quy định là 4m3/s…

Thế nhưng từ đó đến nay, sông Ba vẫn ngày càng cạn kiệt. Đến hẹn lại lên, mùa mưa thì lũ tràn về, mùa khô thì dân cư hai tỉnh Gia Lai, Phú Yên lại phải khản cổ kêu thủy điện xả lũ.

Nhiều người nói rằng, dòng sông gắn bó với cả triệu dân từ xa xưa nhưng nay họ phải đi xin nước của một nhóm người trên chính dòng sông mẹ của mình.

Lê Đình Dũng

Lê Đình Dũng