TP.HCM: Chuyên gia nước ngoài bàn cách cứu nước ngọt
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:49, 09/04/2016
Như báo điện tử Một Thế Giới đã đưa tin, từ đầu năm 2016, do tình hình hạn hán và xâm mặn nên nước sông Sài Gòn và Đồng Nai đã bị nhiễm mặn nặng nề. Trong những tháng gần đây, các nhà máy nước ven sông Đồng Nai và Sài Gòn phải nhiều lần dừng hoạt động vì không thể lọc nước có độ mặn quá cao.
Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết để đảm bảo hoạt động sản xuất và sản lượng nước sạch cung cấp liên tục cho thành phố, Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải yêu cầu Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa hỗ trợ xả nước đẩy mặn trên sông Sài Gòn nhiều đợt trong thời gian qua. Và khi sông Đồng Nai bị độ mặn cao sẽ phải cầu cứu nước ngọt từ hồ Trị An để đẩy mặn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế. Trên thực tế, nước hồ Dầu Tiếng hay Trị An cũng chỉ có hạn, nhất là khi nước ở thượng nguồn đổ về không nhiều do hạn hán. Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, trữ lượng nước về các hồ đầu nguồn cũng giảm mạnh.
Theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo, những nguồn cấp nước chính cho TP. HCM từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn hiện đã bị nhiễm mặn đe dọa. Bên cạnh đó số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục, hàm lượng Mangan… đều vượt quá chuẩn cho phép của Việt Nam cũng như của Tổ chức Y tế thế giới.
Sawaco đề xuất xây dựng các hồ dự trữ nước sông phòng trường hợp có sự gia tăng đột ngột hàm lượng chất cặn lên các tầng lọc cát trong nhà máy xử lý, cũng như các sự cố tràn hóa chất công nghiệp, và độ mặn lên cao do triều cường lên vào mùa khô...
Các chuyên gia từ Hà Lan cũng đưa ra phương án xây dựng đường ống truyền dẫn nước trực tiếp từ hai hồ Dầu Tiếng và Trị An để thay thế nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tuy nhiên, theo Sawaco, việc xây dựng đường ống dẫn nước trực tiếp từ các hồ thủy điện được xem là giải pháp cuối cùng vì quá tốn kém (hơn 10.000 tỉ đồng). Ông Rik Dierx, Giám đốc dự án "Biến đổi khí hậu và Cấp nước ở đồng bằng sông Cửu Long" và TP.HCM cho rằng khi có hồ trữ nước thô thì có thể chủ động đảm bảo được nguồn nước cung cấp cho các nhà máy.
Ngoài ra, hồ trữ nước nhiều ngày bảo đảm các yếu tố: quá trình sơ lắng nước trước khi đưa vào xử lý giúp giảm và ổn định độ đục; cho phép quá trình tự lọc giúp cải thiện chất lượng nước; các hạt nhỏ và vi sinh vật không thể lọt vào nước cấp cho khách hàng…
Trong phần đóng góp ý kiến của mình, TS Bùi Du Dương, Phó trưởng ban Quan trắc tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cảnh báo rằng nếu chỉ lấy nước thô từ các sông thì không ổn vì nguồn nước này phụ thuộc vào nước ở thượng nguồn của hai sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Một khi nước ở thượng lưu có vấn đề hoặc xảy ra hạn lịch sử thì nước cho TP.HCM sẽ rơi vào căng thẳng. Thay vào đó, ông đề nghị cần phải đa dạng nguồn nước bằng việc tận dụng nguồn nước mưa và nước ngầm. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ ông Ứng Quốc Dũng, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
Thảo Hương - Nguyễn Thảo