Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, ảnh hưởng mạnh đến nhiều quốc gia

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:15, 11/04/2016

“Nước nào chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc?” là một trong những câu hỏi được báo giới quan tâm nhiều nhất tại cuộc họp báo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay 11.4.

Giải đáp thắc mắc trên của nhiều nhà báo, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Sudhir Shetty, cho biết, các nước trong khu vực đều chịu những ảnh hưởng nhất định khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Sudhir Shetty

Theo chuyên gia kinh tế Sudhir Shetty, kênh truyền tải tác động lớn nhất tới các nước trong khu vực từ sự giảm tốc của Trung Quốc chính là thương mại. Kênh thương mại có thể là cầu hàng hóa thô, liên kết về giá cả và những nước sản xuất hàng hóa thô lớn như: Indonesia và Mông Cổ. Đây là hai nước sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Trung Quốc là thị trường mà xuất khẩu hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo sang rất nhiều nước. Xem xét giá trị tăng thêm của các nước trong khu vực thì Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Trong lĩnh vực du lịch, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam…đều là những nước chịu ảnh hưởng lớnmặc dù 3 quốc gia này đều được đánh giá là những thị trường du lịch lớn nhất trong khu vực. Trong những năm gần đây, ngành du lịch của Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng nên điều này đã gây ra những thách thức không nhỏ cho 3 quốc gia trên.

Đối với kênh truyền tải thông qua đầu tư, Lào sẽ là nước bị ảnh hưởng lớn nhất do quy mô đầu tư của Trung Quốc tại Lào là cực lớn, Myanmar cũng bị ảnh hưởng do sự suy giảm đầu tư từ Trung Quốc.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương của WB cũng chỉ ra trong 2-3 năm tới, các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại chút ít, dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% năm 2017-2018. Sự giảm tốc tăng trưởng này chính là phản ánh mức giảm sút tăng trưởng tại Trung Quốc.

Về phía nền kinh tế Trung Quốc, báo cáo cũng cho biết, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển hướng sang tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, dự kiến sẽ giảm từ 6,9% năm 2015 xuống còn 6,7% năm 2016 và 6,5% năm 2017 và 2018. Đặc biêt, tăng trưởng đầu tư và sản lượng công nghiệp của quốc gia này sẽ giảm. Theo đó, Trung Quốc phải thực hiện một loạt các biện pháp tái cơ cấu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Mục tiêu là tạo điều kiện phân bổ yếu tố sản xuất, trong đó có vốn cho các ngành và doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

“Các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, trong đó phải kể đến mức độ hồi phục kém hơn dự kiến tại các nền kinh tế thu nhập cao và tốc độ phát triển chậm hơn dự kiến tại Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách lại có ít không gian hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô hơn. Theo đó, các nước cần áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa để giảm ảnh hưởng xấu của các rủi ro toàn cầu và khu vực, tiếp tục tái cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập”, chuyên gia Kinh tế Sudhir Shetty cho hay.

Tuyết Nhung

tuyetnhung