Gần 46% doanh nghiệp đã 'chết' trong 10 năm qua

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:34, 13/04/2016

Lãi suất quá cao và gánh nặng thuế phí trong thời gian dài đã bào mòn sức sống của nhiều doanh nghiệp.

Tổng cộng có đến 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn 2007-2015, theo một báo cáo công bố ngày 13.4 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 cho biết, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nêu trên tương đương với 45,5% tổng số doanh nghiệp được thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến nay.

Trích số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo cho biết chỉ trong năm 2015, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động là 71.391 đơn vị, tăng 22,4% so với năm 2014.

Bình luận với TBKTSG Online, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một trong những người có công trong xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, khẳng định con số doanh nghiêp “chết” như vậy là “hoàn toàn không bình thường”.

Theo ông Doanh, tỷ lệ doanh nghiệp chết đi ở các quốc gia khác cũng cao, khoảng 30%, nhưng không cao như của Việt Nam. “Điều đáng lo lắng là tỷ lệ của Việt Nam rất cao, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam rất không thuận lợi”, ông nói.

Theo ông Doanh, lãi suất quá cao, gánh nặng thuế phí chính thức rất cao, gánh nặng thuế phí không chính thức còn cao hơn nữa đã bào mòn sức sống của doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo của VCCI cho biết, trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong giai đoạn 2007-2015, cả nước có 692.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập lên khoảng 941.000.

Trừ đi số doanh nghiệp đã “chết” (428.000), cả nước còn gần 513.000 doanh (54,5%) nghiệp tính đến cuối năm 2015.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp giảm mạnh chỉ còn 7,7%/năm trong giai đoạn 2012-2015, từ mức trung bình trên 20%/năm giai đoạn 2007-2011.

Báo cáo cho biết, số lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 49 người năm 2007 xuống còn 29 người năm 2015, tức tương ứng với quy mô của một doanh nghiệp nhỏ.

Bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, khẳng định: “Điều này cho thấy tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng gia tăng, và nguy cơ Việt Nam tiếp tục thiếu các doanh nghiệp cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu”.

Theo báo cáo có đến 99% số doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Số lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp đã tăng gần 70% trong giai đoạn 2007-2015, từ 7,2 triệu người lên 12,8 triệu người với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,4%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng về số doanh nghiệp trong cùng thời kỳ.

“Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô ngày càng nhỏ”, bà Hằng giải thích.

Báo cáo cho biết, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng gần 5 lần, từ 4,8 triệu tỉ đồng năm 2007 lên 23,9 triệu tỉ đồng năm 2015.

Doanh thu của khu vực doanh nghiệp tăng 4,4 lần từ 3,5 triệu tỉ đồng năm 2007 lên 15,5 triệu tỉ đồng năm 2015.

Tư Giang/TBKTSG

Ảnh minh họa từ Internet

TBKTSG