Tây Nguyên đại hạn: Những cái chết rình rập dưới giếng sâu
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 07:22, 14/04/2016
Đưa người về từ lòng đất
Ở sâu trong con hẻm đường Âu Cơ (P.Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai), những tiếng kinh cầu vang lên tiễn ông Bùi Văn Vị* về với Chúa. Mẹ khóc ngất khi mất con trai. Con trai khóc cay mắt bởi mất cha.
Ông Vị sinh năm 1967, mà có thể người ta hay gọi là tuổi hạn 49-53. Chẳng biết ông đi vì trúng tuổi hạn hay không, nhưng ông làm cái nghề ác nghiệt quá. Ông Hiếu, em ông Vị kể: “Anh ấy làm nghề đào giếng mười mấy năm nay. Đào nuôi con từ nhỏ đến nay đứa con gái út đã học đại học ra trường, đứa trai đầu đã làm cơ quan nhà nước mấy năm, còn đứa con trai giữa tiếp tục theo ảnh đào giếng”.
Ngày 11.4, ông Vị cùng Vui - con trai thứ, đi đào giếng thuê ở đường Mai Xuân Dung. Giếng được thuê đào sâu mười mấy mét. Hơn 12 giờ trưa, ông Vị xuống giếng, Vui ở trên miệng trực máy tời, cầu dao. Đến tầm 2 giờ chiều, bất ngờ Vui nghe ba ú ớ một tiếng từ giếng vọng lên rồi tắt lịm. Biết chuyện chẳng lành, Vui tắt cầu dao điện rồi nhờ chủ nhà ra hỗ trợ xuống cứu cha.
“Thằng Vui nó cột ba nó vào dây tời rồi tời lên, chạy xe máy đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh gần đó nhưng ổng không qua khỏi. Tự tay tôi dùng rượu tắm rửa cho anh trai, người ảnh không có dấu hiệu gì bị điện giật, chắc chắn là ngạt khí và đột quỵ”, bên ngoài bàn tang lễ, ông Hiếu kể.
Ông Vị quê ở Hòa Bình. Thời trai trẻ rong ruổi khắp đầu trời cuối đất rồi dừng lại ở miền đất nắng gió này lập nghiệp. Hơi thở của ông có lẽ đã phả khắp dưới các lòng đất trên thảo nguyên. Buổi sáng se se trong quán cà phê bên đường dốc phố núi, mấy người bạn ông Vĩ phả khói thuốc tặclưỡi: “Tội nghiệp ổng. Lúc người ta ra giếng xem hiện trường còn thấy đôi dép nhựa đỏ quạch bành ra như chiếc lá nát vì đi lâu quá. Ổng cày cuốc quanh năm, kinh nghiệm đào giếng cũng thừa vậy mà không tránh khỏi”.
Nghề tự đào lỗ chôn mình
Chưa năm nào hạn hán như năm nay; nắng, gió và đất đỏ quyện vào khô khốc khắp thảo nguyên. Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đã phải công bố thiên tai và đang thiếu nước trầm trọng. Sông cạn dòng, hồ trơ đáy, trời không mưa, người dân phải đào sâu xuống lòng đất kiếm nước uống, cứu cây và gia súc.
Đây cũng là mùa làm việc của những người thợ làm nghề đào giếng. Ở xã Ia O (huyệnChư Prông, Gia Lai), ông Nguyễn Văn Cầu và Siu Hưn đang hí hoáy đào giếng thuê cho một gia đình trong xã với độ sâu gần 30m. Vùng đất đỏ này nằm cách thành phố Pleiku vài chục cây số về phía tây, nước ngầm đã tụt sâu.
Cái giếng của chủ nhà miệng hình bán nguyệt trong hành lang chật hẹp nên không thể dùng máy tời được, ông phải quay tời bằng tay đưa Siu Hưn và đất lên xuống. “Những giếng khác miệng rộng dùng tời máy thì đỡ vất vả hơn, khoảng 2 tiếng đào sâu thêm 1 mét, còn làm thủ công thế này mất cả buổi mới được 1 mét, quay rã tay”, nhét nhúm thuốc lào Thanh Hóa vào cái tẩu làm bằng ống đu đủ, ông kể.
Quê ông Cầu ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Đất chật người đông, thời trai trẻ ông phải bôn ba khắp nơi kiếm ăn. Thời trẻ ông đi làm ở bãi vàng, bãi đá, bãi than, kính thưa các kiểu. Cách đây 14 năm, ông đi lên vùng này với mênh mông đất đỏ và rừng cây, thấy đây là vùng sống được, ông về quê cắp nách vợ con vào dựng nhà mua rẫy làm ăn.
“Nhà có khoảng 1.000 gốc cà phê. Mùa mưa thì chăm bón rẫy. Mùa khô thế này lại cùng thằng Hưn đi đào giếng. Nếu đào giếng mới, người ta trả 400 ngàn/1 mét sâu. Nếu giếng cũ đào sâu thêm, khó hơn và nguy hiểm hơn, thì 1 triệu/1m”, ông kể.
Đồ nghề của những người thợ đào giếng rất đơn giản; một máy tời, máy hút nước, ống nước, một quạt lò để thổi gió xuống, đèn pin, dụng cụ đào múc đất. Giếng ông Cầu đang làm là giếng cũ, nước ngầm hụt nên chủ nhà thuê đào sâu thêm vài mét nữa cho đủ 30 mét. Đứng trên miệng nhìn xuống hun hút như đường xuống âm phủ, tưởng tượng rơi một cái thì tan xương nát thịt; vậy mà Siu Hưn-chỉ nhận diện được qua ánh đèn pin loáng thoáng hắt lên- hình như đang cặm cụi đào bới đất qua tiếng vang vọng, thỉnh thoảng giật dây tời gọi toáng giục ông Cầu kéo đất lên đổ.
“Cái nghề này nó nguy hiểm lắm. Chuyện lở đất sập giếng chết người nhiều rồi. Có nhiều người cũng từng bị ngộp khí mê tan. Nhiều người không có kinh nghiệm, đào quá mạch xuống tầng đất thấm, dễ làm mất nước của người ta mà cũng dễ làm lở giếng sụp đất”.
“Tôi đi làm cái nghề này, cũng kinh nghiệm nhiều nhưng vợ ở nhà nó chẳng muốn chút nào. Từ đầu mùa đến nay đào được chừng 10 cái giếng, hôm rồi ứng trước nhà chủ đưa về cho vợ 3 triệu nó không thèm lấy, vợ muốn mình bỏ nghề ở nhà ra vào chăm rẫy cà phê cũng được”, ông kể.
Xế trưa, ông Cầu guộn dây kéo Siu Hưn lên. Cả con người cậu đỏ quệch đất đỏ, chỉ mỗi cái đèn pin trước trán và hàm răng là phát trắng. Hưn ở làng Na, năm nay 23 tuổi nhưng theo nghề đào giếng từ 16 tuổi. Yêu bạn gái lỡ có con, giờ Hưn về nhà ở cùng vợ. Nương rẫy không có, đây là cách kiếm tiền duy nhất trong mùa khô của cậu.
Hưn kể, dù trẻ còn sức vậy nhưng sau mỗi lần xuống giếng lên, người bị đau ê ẩm, khắp các bả vai, lưng, cổ, đầu hoa mắt choáng phải đi truyền nước. “Xuống dưới sâu vậy có sợ không?”. “Quen rồi. Đầu năm vừa rồi đào cái giếng cho người quen, lúc đang thử máy bơm ở dưới thì bị điện nó giật, nhưng không mạnh lắm”, cậu cười hì hì. Tôi trố mắt với những nguy hiểm mà người thợ đào giếng này dễ gặp phải. Hưn nói như không: “Ô cũng nhiều lắm. Ở xã Ia Me có ông bị giật chết. Ở trong làng Na có ông Toàn bị rơi giờ bại liệt ở nhà bán tạp hóa…”.
Ông Cầu tiếp lời: “Tôi đây cũng dính rồi. Một lần cả mấy đứa đào giếng ở vùng đá nhiều phải dùng xà beng nạy. Đá văng, xà beng đập vào tôi tưởng như bể cả ống xương. Có lần đi làm với thằng Mai Văn Cao, nó đào ở dưới tôi trực tời kéo thùng đất lên cách khoảng 10m so với đáy thì dây tời đứt. Lúc đó giếng bơm đang hoạt động, Cao nó không biết để né nên bị đập thẳng vào lưng gần chỗ xương cụt. Nó phải về Ninh Bình chữa trị. Giờ khỏi rồi, lại vào lại đi đào giếng tiếp ở đâu dưới Ia Drăng”.
Không riêng gì ông Cầu và Siu Hưn, khắp các vùng quanh Ia O này người đi đào giếng nhiều lắm. Năm nào có mưa và hạn ít thì dân ít đào. Hạn càng nặng càng phải đào sâu tìm nước. Có người cần thì những người đào giếng vẫn làm.
Ông Cầu bảo: “Tôi xong năm nay chắc cũng phải bỏ nghề. Biết nguy hiểm và vợ con nó không cho làm nhưng nhiều khi đi để có đồng tiền và cũng là bày thêm ít kinh nghiệm cho tụi nó. Nhưng già rồi, phải bỏ thôi, cái nghề sống chết không biết lúc nào, nhiều khi tự đào lỗ chôn mình ấy chứ”.
Lê Đình Dũng