Chuyện chủ quán phở bị truy tố và nguy cơ doanh nghiệp tháo chạy khỏi Việt Nam
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:04, 20/04/2016
Những ngày này, lo âu và những rắc rối đang đến với nền kinh tế Việt Nam một cách dồn dập. Dường như mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của chúng ta đều có những vấn đề và lỗ hổng cần khắc phục. GDP quý I năm nay đã chững hẳn lại so với cùng kỳ 2015 do tác động của thiên tai và hạn mặn, nhưng thiên tai hạn mặn đó cũng chỉ gói gọn trong lĩnh vực nông nghiệp. Một nguy cơ còn lớn hơn nhiều so với thiên tai, đó là những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam - các doanh nghiệp - đang bị lung lay dữ dội. Một nền kinh tế có số lượng doanh nghiệp ít và chất lượng không cao sẽ là một nền kinh tế què quặt và không thể phát triển. Hai trong số những sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần này đang vẽ nên thực trạng đáng buồn đó một cách không thể rõ ràng hơn, đó là câu chuyện quán phở bị truy tố vì thiếu giấy phép đăng ký kinh doanh, trong khi đó sốdoanh nghiệp nội chuyển hướng hoặc có ý định chuyển hướngra nước ngoài đăng kýđầu tư dường như đanglớn dần.
Câu chuyện quán phở ở huyện Bình Chánh, TP.HCM mới khai trương phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì thiếu giấy phép đăng ký kinh doanh đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế trên khắp cả nước phải ngỡ ngàng. Đó có thể chỉ đơn thuần là một sự tắc trách đơn lẻ của các cơ quan quản lý nhà nước và chỉ là một vụ việc có quy mô nhỏ bé không đáng kể, nhưng trong bối cảnh mà vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và khuyến khích khởi nghiệp đang nóng hổi hiện nay, thì sự việc lại mang một ý nghĩa lớn hơn thế rất nhiều. Đối với không ít người trong xã hội, sự việc quán phở ở huyện Bình Chánh có thể coi như một sự việc mang tính biểu tượng cho vấn đề xung đột giữa yêu cầu cải cách môi trường đầu tư kinh doanh với dỡ bỏ các rào cản hành chính ngăn cản các doanh nghiệp được phép tự do hoạt động.
Nếu như trong một xã hội ổn định và trong một nền kinh tế có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và thuận lợi, thì sự việc trên sẽ chỉ như một làn sóng nhỏ gợn trên mặt hồ và sẽ nhanh chóng qua đi. Nhưng trong một nền kinh tếmà những rào cản ngăn chặn doanh nghiệp hoạt động đang ngày càng diễn ra nhiều hơn và trở nên bức bối hơn bao giờ hết như Việt Nam hiện nay, thì nó lại như giọt nước làm tràn chiếc ly vốn đã quá đầy. Ở Việt Nam hiện nay, gần như không ngày nào mà không có những tin tức tiêu cực về tình trạng gây khó dễ cho các doanh nghiệp xuất hiện trên các trang báo và trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Từ câu chuyện thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quá cao khiến cho các tài xế chọn đường nhỏ khác gây mất an toàn cho người dân, với câu nói đang gây ồn ào dư luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Cứ tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu vắng thì lại giảm”, cho đến câu chuyện mà nhiều người đã gọi là sự hổ thẹn quốc gia khi một doanh nghiệp Nhật ở Long An bị chủ khu công nghiệp gây sức ép bằng những biện pháp theo kiểu xã hội đen.
Môi trường đầu tư kinh doanh bất cập, đầy sức ép và nhiều rào cản, nên không khó hiểu khi số doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản và tạm ngưng hoạt động đang ngày càng gia tăng, cũng như teo tóp đi về quy mô hoạt động. Theo thống kê, chỉ trong quý I đầu năm đã có tới gần23.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, trong đó số doanh nghiệp giải thể lên đến 2.919 doanh nghiệp,cao hơn 13,8% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động cũng đã lên tới 20.044, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Bất kể những lời giải thích của Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tưrằng phần lớn trong đó là các doanh nghiệp thời vụ đồng thời số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I cũng lên đến 9.400, thì con số giải thể và tạm ngưng hoạt động đó vẫn là quá lớn.
Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động sau khi thành lập ở các quốc gia trên thế giới cũng khá lớn, nhưng lớn như ở Việt Nam thì quả thật là rất ít. Chẳng hạn như tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động sau khi thành lập ở Anh là62,2%, tại New Zealand là 50%, đây đều là những nền kinh tế phát triển và môi trường cạnh tranh khắc nghiệt với các doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp ngưng hoạt động ở các nước này cũng chưa đạt đến tỷ lệ choáng váng nhưtrong quý I đầu năm nay ở Việt Nam, khi có khoảng 23.767 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi con số giải thể và ngưng hoạt động thì lên tới 22.963.
Và khi màcâu chuyện không lấy gì làm vui vẻ của quán phở ở Bình Chánh đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, thì một thông tin khác đến cùng lúc lại đang khiến sự lo ngại càng tăng thêm, khi số doanh nghiệp nội địa tìm sang các nước khác để đăng ký thành lập cũng như chuyển ra nước ngoài đầu tư lại đang ngày càng tăng lên. Trong giới khởi nghiệp (startup) Việt Nam hiện nay câu chuyện sang Singapore đăng ký thành lập doanh nghiệp đang ngày càng đượcbiết đến nhiều hơn. Khá nhiều công ty khởi nghiệp đình đám của Việt Nam hiện nay có đăng ký ở đảo quốc sư tử này thay vì đăng ký ở trong nước. Có nhiều lý do dẫn đến sự lựa chọn đó, nhưng lý do chính là vì những hỗ trợ và nhanh chóng của thủ tục pháp lý ở Singapore, khi chỉ cần 2 ngày và với số vốn vỏn vẹn 1 USD ai cũng có thể mở một doanh nghiệp tại đảo quốc nhỏ bé này.
Bất chấp việc gần đây các bộ ngành của Việt Nam đã xúc tiến những kế hoạch nới rộng điều kiện đầu tư kinh doanh cho giới khởi nghiệp trong nước, thì nó vẫn là quá hạn chế và quá ít ỏi để có thể đảo ngược tình trạng chảy máu startup sang nước ngoài đăng ký kinh doanh. Trả lời về những kế hoạch thúc đẩy và hỗ trợ giới startup của Chính phủ, khá nhiều công ty khởi nghiệp đã thẳng thắn cho rằng cái mà họ cần nhất là sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,nhất là pháp lý và thủ tục hành chính. Đó mới là thứ mà các startup cần nhất chứ không phải là vốn hỗ trợ, vì một khi môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp tạo được tiếng nói, thì tự khắc các nguồn vốn sẽ tự tìm đến và đổ vàocông ty. Mong ước của giới startup về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, pháp lý và thủ tục hành chính cũng là mong của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện tại.
Những bài học đắt giá mà Việt Nam đã trải qua trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2007 - 2011 đã cho thấy, trong một nền kinh tế thì số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất. Khủng hoảng kinh tế diễn ra khiến nền kinh tế trì trệ, số người thất nghiệp tăng mạnh, cũng đều là vì các doanh nghiệp không đủ sức chống đỡ và buộc phải ngưng hoạt động.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có một số lượng doanh nghiệp khá khiêm tốn là hơn 500.000,với96% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó,theo thống kê Việt Nam cần ít nhất là 2 triệu doanh nghiệpvà lý tưởng là 5 triệu doanh nghiệp để có một nền kinh tế ổn định, vững chắc và thịnh vượng. Nếu như hiền tài là nguyên khí quốc gia, thì doanh nghiệp là nguyên khí của nền kinh tế, điều cần làm là nâng niu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cả về số lượnglẫn chất lượng, chứ không phải là bóp nghẹt nó.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF, Cafebiz)