Quỹ phát triển doanh nghiệp 2.000 tỉ, trả nợ công hơn 400.000 tỉ, tương lai nào cho Việt Nam?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:28, 21/04/2016

Sự chênh lệch đáng sợ giữa con số 2.000 tỉ đồng vốn điều lệ của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với con số trên 400.000 tỉ đồng nghĩa vụ trả nợ, đang cho thấy một thực tế vượt mức báo động của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.

Hầu hết các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam đều đang trong tình trạng xấu, mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lại phụ thuộc phần lớn vào các chỉ số này. Năm 2016 được kỳ vọng là năm mà nền kinh tế bứt phánhưng nó cũng là năm mà các vấn đề tiêu cực tích tụ nhiều năm trong nền kinh tế bắt đầu bùng phát. So sánh tương quan giữa hai con sốmới nhất vừađược công bố: quỹ phát triển DNNVVchính thức đi vào hoạt động từngày 21.4 trị giá 2.000 tỉđồng, với nghĩa vụ trả nợ công lên đến 418.400 tỉđồng/năm, thì tất cả chúng ta có lẽ sẽ đều lo âu tự hỏitương lai nào đang chờ đợi nền kinh tế Việt Nam?

Được xem là kết quả của một quá trình vận động lâu dài và gặp không ít trở ngại, quỹ phát triển DNNVV ra mắt vào ngày 21.4 là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, khi đây gần như là lần đầu tiên Nhà nước có động thái hỗ trợ cộng đồng DNNVV một cách thực chất. Trong bối cảnh 96% số doanh nghiệp Việt Nam là thuộc diện nhỏ và vừa, thì đây có thể xem là một tin vui, và việc quỹ phát triển này đi vào hoạt động sẽ đồng nghĩa với những hỗ trợ khác cho cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài việc lãi suất mà quỹ này cho vay thuộc diện tương đối thấp, chỉ khoảng 5-7%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại,thì quỹ này còn hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vấn đề phương án sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, dù đặt ra nhiều mục tiêu to lớn như vậy, thì vấn đề chủ chốt của quỹ phát triển DNNVV này làhiện mới có số vốn điều lệ tương đối hạn chế, chỉ 2.000 tỉđồng. Số vốn ít ỏi này nếu thực sự được cho các doanh nghiệp vay trên quy mô lớn với lãi suất chỉ khoảng 5-7% thì gần như chắc chắn là sẽ nhanh chóng cạn kiệt, vì nhu cầu vay vốn lãi suất thấp của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Hiện tại, mức lãi suất cho vay trung bình ở các ngân hàng thương mại là khoảng trên 10%, và theo phản ánh của các doanh nghiệp thì mức lãi suất này là lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đâylà một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giảm sút sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài.

Con số 2.000 tỉđồng vốn điều lệ của quỹ phát triển DNNVV vì thế được cho là quá thấp so với nhu cầu phát triển thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ riêng vấn đề vay vốn sản xuất kinh doanh của cácDNNVV (chiếm tới 96% cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vớikhoảng gần 600.000 doanh nghiệp), thì số vốn 2.000 tỉđồng này đã không thể đủ, chứ chưa nói đến các nhu cầu chi tiêu khác như đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh... vốn cũng là những mục tiêu mà quỹ phát triển này đề ra.

Nói cách khác, tính tích cực của việc quỹ phát triển DNNVV đi vào hoạt động mà chúng ta có thể kỳ vọng là việc Nhà nước đã thay đổi và bắt đầu quan tâm đến cộng đồng DNNVV, chứ không nằm ở hiệu quả thực tế mà quỹnày có thể tạo ra trong thực tế. Để nắm được phần nào giá trị của con số 2.000 tỉđồng trong thực tế, chúng ta có thể so sánh với một số các dự án khác trong nền kinh tế, chẳng hạn như gói hỗ trợ thị trường bất động sản đình đám trong thời gian vừa qua có trị giá khoảng 30.000 tỉđồng; còn nếu quy theo giá cả xây dựng cơ sở hạ tầng thì số vốn điều lệ của quỹ nàychỉ đủ để giải tỏa và xây mới vài con đường ở thủ đô Hà Nộimà thôi. Để hỗ trợ cho thị trường bất động sản bị đóng băng, chúng ta đã chi ra 30.000 tỉđồng; trong khi để vực dậy và thúc đẩy gần 600.000 DNNVV trên cả nước có vai trò sống còn với cả nền kinh tế thì chúng ta chỉ chi có 2.000 tỉđồng. Một sự bất hợp lý đến khó hiểu.

Sự bất hợp lý của quỹ phát triển DNNVV còn rõ ràng hơn nữa, nếu chúng ta so sánh với nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam năm 2015 vừa được công bố cuối tuần qua. Cụ thể, theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã tăng từ 185.800 tỉđồng năm 2013 lên 296.200 tỉđồng vào năm 2015. Nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 lên đến 418.400 tỉđồng. Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ phải trả quá nhanh, nên tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Báo cáo ước tính, nếu chỉ tính riêng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, tỷ lệ này là 22,4% ngân sách nhà nước năm 2013, và tăng lên đến 29,9% trong năm 2015.

Theo báo cáo của Bộ Tài chínhthì nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017 vẫn chưa đạt đỉnh, mà sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2020 - 2025. Hiện Chính phủ đang phải thực hiện liên tục các khoản vay mới để đảo nợ, việcphát hành trái phiếu trong nước bằng tiền đồng gần đây đã không còn hiệu quả như trước, và Chính phủ đang phải tính đến một đợt phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD trị giá 3 tỉUSD để thanh toán các khoản nợ. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đã gần như rơi vào tình trạng mất cân bằng thu chi, nghĩa vụ thanh toán nợ đang quá lớn và lạm vào ngân sách quá nhiều trong khi tăng trưởng quy mô và các nguồn thu ngân sách từ nền kinh tế thì không đủ để bù đắp khoản gia tăng ấy.

Điều này đang dẫn đến tình trạng chi đầu tư của Chính phủ ngày càng giảm. Trong giai đoạn 2007 - 2013, chi đầu tư chiếm tỷ trọng trung bình trong tổng chi là 27,7%. Tuy nhiên, trong hai năm 2014 - 2015, chi đầu tư chỉ còn 16,3% và 15,6% tổng chi. Lý do vì sao chi đầu tư giảm sút nghiêm trọng mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng lên đến 6,7% trong năm 2015, là vì sự tăng cường đầu tư của khối FDI. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam đang như một người nông dân mắc nợ, để trả những món nợ ngày một lớn thì phải cho thuê dần từng miếng đất trên thửa ruộng của mình để người khác vào trồng cấy.

Sự chênh lệch đáng sợ giữa con số 2.000 tỉđồng vốn điều lệ của quỹ phát triển DNNVV với con số trên 400.000 tỉđồng nghĩa vụ trả nợ, đang cho thấy một thực tế vượt mức báo động của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Chúng ta đang chi quá ít cho phát triển kinh tế vàphải chi quá nhiều tiền để trả nợ, trong khi một trong những nguồn thu chính để có tiền trả nợ lại từ chính nền kinh tế mà chúng ta đang có quá ít sự chăm nomcần thiết.Đợi đến lúc nền kinh tế khô kiệt, thì liệu còn gì có thể cứu được trước gánh nợ đang ngày càng nặng thêm?

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)

Nhàn Đàm