Nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án giao thông là vốn và giải phóng mặt bằng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:27, 21/04/2016
Ngành giao thông thiếu 12.000 tỉ vốn đối ứng
Sáng 21.4, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Cuộc họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án có tầm quan trọng đặc biệt.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khó khăn lớn nhất là vốn và GPMB. Phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng vàtiến độ chung của cả dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, toàn ngành GTVT hiện đang thiếu khoảng 12.000 tỉ đồng vốn đối ứng cho các dự án. Ông Nguyễn Hồng Trường kiến nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu một cơ chế đặc biệt để GPMB các dự án giao thông chứ “không thể giống như các dự án xây dựng trung tâm thương mại hay những công trình khác được”.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu rằng, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều công trình chưa thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai.
"Cùng với đó là chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, đặc biệt là các nhà thầu trong nước. Công tác GPMBcòn gặp nhiều khó khăn, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm triển khai công trình, gây thất thoát lớn. Thủ tục hành chính để liên thông, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế", Phó thủ tướng nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nêu ý kiến cho rằngnên chọn công tác GPMB là khâu đột phá, tạo ra sự khác biệt của từng địa phương. “Quản lý GPMB không tốt, chậm tiến độ sẽ gây ra lãng phí rất lớn”, ông Nghĩa phân tích.
Trước những khó khăn, vướng mắc về vốn của các dự án công trình giao thông trọng điểm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, GTVT sớm bàn bạc, tìm các cơ chế phù hợp để giải quyết vốn cho các dự án giao thông trọng điểm nói riêng, các dự án xây dựng, phát triển hạ tầng GTVT nói chung.
Quyết liệt hơn trong xã hội hóa
Về phía các địa phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần thực sự quan tâm đến công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương mình trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phó thủ tướngđề nghị cần sớm tạo cơ chế mới, hấp dẫn hơn nữa để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng GTVT. Các bộ cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hoá, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm phát triển các công trình hạ tầng giao thông.
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý;đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng.
Về công tác GPMB, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành GTVT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình.
Phó thủ tướng cũngđề nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Nhanh chóng giải quyết vướng mắc về vốn
Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp nhu cầu vốn năm 2016 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm bảo đảm nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm trong năm 2016.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở từng công trình, dự án cụ thể.
Hiện tại, cả nước có 37 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỉ đồng.Trong đó, đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 498.080 tỉ đồng. 12 dự án đã hoàn thành và đượcđưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Chẳng hạn, các dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, đường Láng - Hoà Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… đều được đưa vào vận hành, khai thác, phát huy tốt hiệu quả. Các dự án đường bộ hiện đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 255.778 tỉ đồng.
Trí Lâm