Thông minh là học giỏi, một quan niệm sai lầm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:36, 22/04/2016
Tại buổi giới thiệu bộ sách “Thuyết trí thông minh đa diện” hôm 21.4, PGS.TS.BS Vũ Kỳ Anh- Viện trưởng Viện phát triển giáo dục tiềm năng cho rằng, các bậc phụ huynh ngày nay đã sai lầm, cứ nghĩ trẻ thông minh phải là trẻ học giỏi. Chính xuất phát từ quan niệm này, nhiều bậc phụ huynh đã ép các cháu phải học thêm, học ngày học đêm để đạt học sinh giỏi, để được gọi là thông minh.
“Tương lai của trẻ không chỉ có học giỏi. Mỗi trẻ có một trí thông minh khác nhau, có khả năng và điểm mạnh riêng. Các bậc phụ huynh phải tìm hiểu để phát hiện những điểm mạnh đó để phát triển, chứ không nhất thiết thông minh là phải học giỏi toán, giỏi văn… Tuy nhiên, điềuđáng tiếc hiện nay hệ thống giáo dục Việt Nam chủ yếu tập trung vào khả năng ngôn ngữ và toán học. Xu hướng này dường như đang trở nên lạc hậu đối với viễn cảnh giáo dục thế giới”, ông Anh chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia không giấu được sự lo lắng, khi ngày nay các bậc phụ huynh quan tâm đến trí thông minh chủ yếu là quan tâm đến trí não, trong đóquan tâm đến ngôn ngữ và toán học.
Theo bà Mai, giáo dục không chỉ não bộ mà còn cả trí lực, thể lực… Đối với phương pháp giáo dục, cha mẹ và thầy cô đóng một vai trò hết sức quan trọng là người hỗ trợ và dẫn đắt cho trẻ.
“Cha mẹ nên để cho trẻ phát triển một cách tự nhiên, và hỗ trợ bằng cách đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp để cho trẻ có thể phát triển tối đa trí thông minh mà trẻ sở hữu. Mỗi trẻ có điểm mạnh và điểm mạnh đó chính là thông minh của trẻ. Có trẻ có điểm mạnh về toán học, có trẻ có điểm mạnh về âm nhạc, thể thao… Đó là những loại trí thông minh mà các trẻ đang sở hữu” , bà Mai khuyên.
Bên cạnh sự giáo dục và định hướng đúng đắn cho trẻ khám phátrí thông minh nổi bậtcủa mình, bà Mai cũng khuyên các bậc phụ huynh nên tập trung cung cấp dưỡng chất tối ưu để phát triển không chỉ về mặt thể chất mà còn trí tuệ cho trẻ tiếp thu những bài học, những cái mới xung quanh. Nguồn dinh dưỡng cần cân đối, đa dạng, cung cấp đầy đủ dưỡng chất phù hợp với từng độ tuổi, giúp trẻ phát triển 4 yếu tố: trí não, tầm vóc, tiêu hóa và hệ miễn dịch.
“Nếu một đứa trẻ chỉ có học giỏi mà không có hình thể tốt, không có hệ miễn dịch tốt,thường xuyên phải đau ốm thì đứa trẻ đó sẽ cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc đời này”, bà Mai lập luận.
Hồ Quang