Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn trong tuần
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:32, 24/04/2016
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, ngày 21.4, cơ quan này cho biết mẫu măng tươi qua luộc và măng khô tại hai chợ trên địa bàn thành phố có chứa chất vàng ô.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM về việc phát hiện chất phẩm màu nhuộm Auramine O (vàng ô) trong măng tươi, Chi cục đã triển khai lấy các mẫu măng tươi qua luộc và măng khô tại hai chợ trên địa bàn thành phố và gửi Viện Y tế công cộng phân tích.
Kết quả, 4/4 mẫu phát hiện có chất nhuộm màu vàng ô với hàm lượng 2 mẫu măng khô là 11,84µg/kg, 41,35µg/kg và 2 mẫu măng tươi luộc là 17,06µg/kg, 3108,94 µg/kg.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm măng tươi luộc và măng khô thông qua các cơ sở kinh doanh đã được phát hiện qua giám sát. Chi cục cũng gửi văn bản kiến nghị đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tập trung thanh kiểm tra, xử lý.
Trước đó, đầu năm, cảnh sát môi trường cũng phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất măng chua ở quận 12 có sử dụng chất cấm vàng ô để nhuộm màu.
Trong khi đó, ngày 22.4, theo thông tin từ Chi cục Thú y Đồng Nai, lực lượng chức năng tỉnh này đã tiến hành kiểm tra cơ sở mua bán thịt bò Út Mèn do bà Nguyễn Thị ThùyTrang làm chủ.Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 6 công nhân đang sơ chế khoảng 500kg nội tạng bò trên nền đất dơ bẩn. Kiểm tra bên trong khu vực lưu trữ có hơn 10 tủ lạnh và nhiều thùng xốp đang bảo quản khoảng 300 kg nội tạng bò đã được ngâm hoá chất, chờ mang đi tiêu thụ.
Được biết, mỗi ngày, cơ sở này thu mua khoảng 500 kg nội tạng bò tại các lò giết mổ trên địa bàn. Sau đó, đem về sơ chế bằng cách ngâm vào nước vôi, phèn chua, sau đó tẩy trắng bằng hoá chất rồi đem đi tiêu thụ tại các chợ thuộc địa bàn TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Chưa kể, ngày 21.4, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Pleiku, Gia Lai cũng phát hiện hơn 3 tấn thịt bẩn, không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối tại một cơ sở chế biến thịt.Tại cơ sở này, đoàn kiểm tra phát hiện 14 thùng phi chứa hơn 2.800 lít mỡ lợn đã đông, 26 can loại 5 lít chứa mỡ lợn thành phẩm và 6 tủ lạnh loại hai ngăn chứa hơn 600kg thịt lợn các loại như thịt xay, chân giò, da heo, mỡ... đã bốc mùi hôi thối. Cơ sở này nói rằng số thịt, mỡ lợn trên được sơ chế qua để chuẩn bịbán cho các cơ sở làm nem, chả, quán bún phở và một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cùng ngày,theo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể chung của 3 công ty thuộc khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm hàng trăm công nhân ngộ độc và phải nhập viện điều trị.
Kết quả bước đầu ghi nhận đơn vị cung cấp suất ăn gây ngộ độc chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nói điều này cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Theo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong quý 1/2016, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 480 triệu đồng. Trong đó, có 13 công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, 1 công ty vi phạm 2 hành vi (quảng cáo và ghi nhãn).
Cục an toàn thực phẩm đã thu hồi 4 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm và 7 công ty bị xử phạt từ 20 triệu đến 200 triệu đồng.
Phan Diệu