'Palm Trees In The Snow', dấu ấn văn hóa thuộc địa trên bước đường khai phá
Văn hóa - Ngày đăng : 10:21, 25/04/2016
Khải hoàn môn của Người tình viễn đông
“Người tình” (L’ Amant) đã chính thức đưa nữ văn sĩ Marguerite Duras (1914- 1996) lên đài danh vọng, đường hoàng bước qua “Khải hoàn môn” giữa thủ đô Paris với giải thưởng Goncourt danh giá nhất của nền văn học Pháp, hồi năm 1984. Tác phẩm là câu chuyện tình buồn của những hồi ức hoài niệm day dẳng, mang đầy tính tự sự của chính tác giả về nơi mình đã được sinh ra và lớn lên: miệt Sa Đéc (Đồng Tháp, Việt Nam) nơi xứ Đông Dương thuộc Pháp một thời.
Năm đó, nữ văn sĩ Marguerite Duras đã vào tuổi 70. Trước đó, khi ở tuổi 36, Marguerite Duras đã từng có tác phẩm gây tiếng vang không kém, cũng vẫn là đề tài về xứ Đông Dương: “Đập chắn Thái Bình Dương” (Un barrage contre le Pacifique, 1950). Có lẽ nỗi ám ảnh không nguôi về nơi mình đã bỏ lại cuộc tình đầu tuổi hoa, rời khỏi hẳn một vùng đất với nhiều ân oán phức cảm đã khiến Marguerite Duras luôn thấy mình dường như còn mắc nợ với quá khứ xứ thuộc địa này của Pháp. Dù đã trở về Pháp từ năm 18 tuổi và không bao giờ trở lại “quê hương” Việt Nam, Marguerite Duras đã không khỏi bị rung động một cách choáng váng như con quay luân thường chuyển, suốt phần đời còn lại của mình. Ngay cả sau khi đã chiến thắng giải Goncourt với tác phẩm “Người tình”, Marguerite Duras vẫn phải sống cùng quá khứ đầy dai dứt trong kỳ phẩm tiếp nối là “Người tình Hoa Bắc” (L'Amant de la Chine du Nord, năm 1991).
Riêng với “Người tình”, sau khi được đạo diễn lừng danh Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim cùng tên khá đình đám vào năm 1992, với sự tham gia diễn xuất của Jane March cùng ngôi sao Lương Gia Huy, giữa nữ văn sĩ Marguerite Duras và đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã có những bất đồng quan điểm bất khả vãn hồi. Có vẻ như suốt đời mình thì Marguerite Duras luôn phải chấp chới và tranh chấp bất biết giữa hai miền ký ức và đương đại cùng đồng hiện, bằng chứng là bà đã từng lên tiếng phủ nhận khước từ vai trò và vị trí về tác phẩm lừng danh này của chính mình, trong những năm cuối đời.
Những cây cọ trong tuyết
“Palm Trees in the Snow” được đạo diễn Fernando González Molina chuyển thể thành phim từ tiểu thuyết đầu tay thuộc hàng Best-seller của tác giả Luz Gabás, bộ phim đã được giới phê bình phim quốc tế đánh giá rất cao, tạp chí Hollywood Reporter cũng nhận định rằng "Bộ phim này là một trong những phim Tây Ban Nha ngoạn mục nhất từng được thực hiện".
Bối cảnh chính của phim ở hòn đảo Fernando Pó (bây giờ là Bioko) ngoài khơi bờ biển Tây Phi, là một phần của Guinea. Nơi này đã từng là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1778. Câu chuyện phim chính thức diễn ra hồi năm 1954, kéo dài đến tận năm 2003, xâu chuỗi qua nhiều thế hệ nhân vật, từ điền chủ của đế quốc Tây Ban Nha đến người lao động thuộc sắc tộc Bubi của xứ thuộc địa Guinea. Đảo Bioko từng được nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Fernão do Pó khám phá lần đầu tiên vào năm 1472, và được đặt tên ban đầu là Formosa Flora (Bông hoa Xinh đẹp). Đến năm 1494, khi người Bồ Đào Nha tuyên bố chủ quyền thì hòn đảo này được đổi tên thành Fernando Pó. Đến năm 1778 thì Bồ Đào Nha mới “sang nhượng” chủ quyền đảo này lại cho Tây Ban Nha, theo Hiệp ước El Pardo.
Hẳn nhiên, cùng với tiến trình địa chính trị phần nhiều mang tính “sang tay” này của Bioko, những con người liên quan vùng đất này cũng phải chịu một sự ảnh hưởng cực kỳ phức hợp, như với các nhân vật của phim “Palm Trees in the Snow”. Khi Clarence vô tình đã tìm ra được những bức thư cũ do đại gia đình mình lưu giữ truyền đời, cô đã quyết định dời bước khỏi vùng núi Huesca quanh năm lạnh giá của vùng Pyrénées giáp giới giữa Tây Ban Nha với Pháp, phiêu lưu đến xứ sở nhiệt đới nơi hòn đảo Bioko đầy huyền thuyết, lần hồi khám phá ra những bí mật của một tình yêu lớn với vô vàn đớn đau của người chú Kilian, bên cạnh tội lỗi tày trời của người cha Jacobo, xoay quanh cô gái bản địa Bisila người Bubi của Guinea. Không khó để nhận ra ám tượng nổi bật trong câu chuyện phim là một Tây Ban Nha đương đại vẫn còn đầy những hoài nhớ trăn trở dằn vặc đến ám ảnh miên viễn, về miền ký ức thuộc địa Guinea Tây Ban Nha với những hàng cọ và đồn điền cacao luôn hừng hực sinh lực song hành sóng sánh cùng tội lỗi xâm thực văn hóa một thuở một thời. Dường như cả tác giả tiểu thuyết Luz Gabás và đạo diễn Fernando González Molina đều muốn “đại diện” đất nước Tây Ban Nha “trả nợ” quá khứ, thông qua điểm nhìn chung này trong tác phẩm của mình.
Châu Quang Phước