Thiếu chiến lược, ngành bán lẻ Việt Nam lép vế
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 01:46, 01/05/2016
Hàng Việt sẽ lép vế
Theo Bangkok Post, tập đoàn bán lẻ Pháp Casino Guichard-Perrachon SA hay còn gọi là Casino Groupđã đồng ý bán cổ phần của họ tại Big C Việt Nam chotập đoàn Thái LanCentral Group với giá trị gần 1 tỉ euro (tương đương 1,1 tỉ USD) nhằm trang trải nợ nần.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 29.4, tập đoàn bán lẻ của Pháp cho biết họ sẽ nhận về 920 triệu euro. Casino Group đã mất hơn 18 năm để đầu tư và phát triển công ty con Big C tại Việt Nam,trong đó bao gồm một mạng lưới lên tới 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm.
Trước đó, đầu tháng 1.2016, Tập đoàn TCC của Thái Lan đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá 655 triệu Euro.
Hồi tháng 2.2016, TCC Group đã vượt qua Central Group để mua lại số cổ phần đa số của Casino ở Big C Thái Lan với giá 3,1 tỉ euro (tương đương 3,53 tỉ USD).
Cuối cùng thì người Thái đã chiến thắng trong cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam trước hàng loạt các đại gia trong và ngoài nước nhưAeon của Nhật hay Tập đoànLotte của Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Thăng Long GTC (thành viên của Hanoitourist), Saigon Coop… ở trong nước.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thương vụ này cho thấy sự lép vế của ngànhbán lẻ Việt Nam. Điều này ảnh hưởng xấu đến việc tiêu thụ và sản xuất hàng hóa trong nước, bởi số lượng hàng Việt trong các siêu thị nước ngoài sẽ giảm xuống.
“Thái Lan sẽ đem hàng của họ sản xuất từ Thái sang bán tại các siêu thị của họởViệt Nam chứ không sản xuất tạiViệt Nam. Do đó, tỷ lệ hàng Thái Lan trong siêu thị BigC ở Việt Nam sẽ cao lên, đe dọa hàng Việt”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, điều này sẽ rất đáng ngại không chỉ cho thị trường bán lẻ Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến người sản xuất và cả người tiêu dùng trong nước. Không cẩn thận thì chúng ta sẽ thành người làm thuê, gia công ngay trên đất nước mình.
Tính đến cuối 2014 đã có hàng chục nhà đầu tư các nước tham gia vào lĩnh vực phân phối hiện đại vào Việt Nam như Metro (Đức), BigC (Pháp), AEON (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), Parkson (Malaysia), Robinson (Thái Lan), một số nước khác cũng đang thăm dò để đầu tư như: tập đoàn Walmart (Mỹ), Emart (Hàn Quốc)…
Thiếu chiến lược cho doanh nghiệp nội
Theo ông Phú, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có kinh nghiệm, có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh. Họ đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa, chất lượng kinh doanh, giá bán giảm.
“Việc họ nhanh chóng mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ trong nước cũng là một chiến lược thông minh, mặc nhiên họ đã có sẵn trong tay một hệ thống mạng lưới tốt mà các doanh nghiệp một hai chục năm qua đã gây dựng”, ông Phú cho hay.
Về nguyên nhân thị trường bán lẻ Việt Nam èo uột, ôngPhú nói việc nàyđã được chỉ ra rất nhiều. Đó là chưa có chiến lược đầy đủ, cả ở 3 cấp: Nhà nước, ngành và doanh nghiệp.
Theo ông Phú, vì vốn liếng quá nhỏ bé khiến doanh nghiệp khó đầu tư vào việc thu mua hàng hóatrực tiếp của nhàsản xuất, hàng hóa qua quá nhiều khâu trung gian bất hợp lý mới đến được quầy kệ của siêu thị nội.
“Nhiều siêu thị nội phụ thuộc hầu hết vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài vay của công ty mẹ từ 4-5%. Điều này lý giải tại sao giá cả của các siêu thị nội thường cao hơn giá của các siêu thị ngoại trên thị trường”, ông Phú nói.
Ngoài ra, công tác quy hoạch hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng trong toàn quốc chưa được xây dựng một cách khoa học, hiệu quả thực thi yếu. Chính sách thuế không công bằng giữa VAT và thuế khoán làm cho sự cạnh tranh về giá trở nên méo mó.
“Hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường chưa được giải quyết một cách cơ bản, người làm ăn nghiêm túc thiệt thòi, gian thương thu lợi bất chính”, ông Phú nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông này, các siêu thị còn khó khăn trong tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, các thủ tục hành chính phiền hà, mất thời gian, chi phí mặt bằng bị đẩy lên một cách vô lý, chi phí logistics cao hơn các nước trong khu vực và các chi phí khó nói khác....
Về chủ quan, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa có sáng tạo, không tạo được điểm khác biệt, đổi mới, văn hóa kinh doanh, phục vụ khách hàng còn yếu, ít chăm lo đến công tác xây dựng thương hiệu…
Trí Lâm